Vương quốc mỹ phẩm Loreal - hào quang và bóng tối

Liliane Bettencourt - người giàu nhất nước Pháp đồng thời là người phụ nữ giàu nhất thế giới với tổng giá trị tài sản lên đến 39,5 tỉ USD, thành viên trong gia đình sáng lập 'vương quốc' mỹ phẩm lừng danh L'Oreal vừa qua đời hôm 20-9 ở tuổi 94.

Theo báo cáo tài chính của tập đoàn, tính đến cuối năm 2016, LOreal đạt doanh thu 25,8 tỷ Euro, tương đương 31 tỷ USD, trở thành hãng mỹ phẩm lớn nhất thế giới với khoảng 89.300 nhân viên, sở hữu 34 thương hiệu và sản phẩm có mặt tại khoảng 140 quốc gia trên toàn cầu.

Nhưng phía sau vầng hào quang luôn là bóng tối, được tạo ra bởi chính cuộc đời nhiều góc khuất của nữ chủ nhân Liliane Bettencourt và quá khứ khó gột rửa từ những năm nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng.

Eugene Schueller - người sáng lập “vương quốc mỹ phẩm” Loreal.

Danh tiếng của “Hợp chủng quốc về sắc đẹp”

Người sáng lập nên LOreal là kỹ sư Eugene Schueller, người Paris. Là một nhà sáng chế tài ba, năm 1907 ông đã phát minh ra thuốc nhuộm tóc nhân tạo. 1 năm sau ông bắt đầu thực hiện việc kinh doanh của mình với sự ra đời của Công ty Socíeté Francaise des Teintures Inoffensives pour Cheveux.

Với quan niệm cho rằng “làm đẹp cho con người và thế giới không chỉ là khả năng mà còn là một sứ mệnh của hóa học, không chỉ là một cơ hội kinh doanh mà còn là nhu cầu gần như vĩnh cửu của con người và xã hội”, trong năm đó, ông đã đăng ký bản quyền chất màu nhuộm tóc vô hại đối với sức khỏe con người đầu tiên trên thế giới và đặt tên nó là LAureal (LOreal là biến thể theo cách gọi của LAureal trong tiếng Pháp). Tất cả sản phẩm hay thương hiệu sản phẩm mà tập đoàn này đã làm nên trong hơn 100 năm qua đều xuất phát từ triết lý này và dựa trên nền tảng chất màu LAureal.

Tiếng là một công ty nhưng chỉ có mỗi một mình Eugene Schueller kiêm nhiệm từ vị trí giám đốc, kỹ sư bào chế, nhân viên bán hàng và cả... giao hàng. Ban đêm ông chúi đầu vào việc bào chế, ngày thì mang sản phẩm đi bán cho những cửa hiệu làm đầu trong khắp thành phố, thế mà bằng số tiền ít ỏi dành dụm được thời đi làm nhân viên kế toán, đến năm 1909, Eugene đã mua được một căn hộ lớn hơn và có thể thuê nhân viên đầu tiên làm việc cho mình. Ông còn bắt đầu tiếp thị mạnh mẽ cho sản phẩm bằng cách quảng cáo trên tạp chí La Coiffure de Paris chuyên về chăm sóc tóc.

Năm 1920, công ty của Eugene Schueller đã có nguồn tài chính đủ mạnh để mua lại một công ty Pháp khác - Savons Francais (xà phòng Pháp). Năm 1939, Eugene Schueller đổi tên công ty thành LOreal và giữ nguyên từ đó cho tới ngày nay. Bước tiến đó chính là bệ phóng để Eugene đưa ra thị trường một sáng tạo đột phá khác nữa của LOreal: dầu gội đầu không chứa xà phòng.

Nhưng người sáng chế ra sản phẩm có tính cách mạng này đặt cho nó cái tên thương hiệu riêng - Dop. Từ đó trở đi, công ty của Eugene không ngừng tiếp nhận và sáng tạo các chủng loại sản phẩm khác nhau. Năm 1960, công ty mua lại hãng Lancome & Garnier, đưa ra thị trường loại nước hoa Guy Laroche. Hiện nay, nhãn hiệu này chỉ xếp sau các thương hiệu nước hoa hàng đầu của thế giới như Giorgio Armani, Ralph Lauren và Lancôme.

Trong quá trình say mê sáng tạo những sản phẩm mới, cha đẻ của LOreal còn phát hiện và khai thác triệt để niềm đam mê rất tự nhiên nhưng luôn âm ỉ trong con người là sẵn sàng làm cho mình trở nên đẹp và giữ cho mình đẹp bằng mọi giá. Nhưng ông cũng nhận thức rõ rằng, cái đẹp không có khuôn mẫu nhất định mà phụ thuộc vào từng con người, từng hoàn cảnh và môi trường sống, vào tuổi tác, giới tính và vào đẳng cấp xã hội. Vì thế Eugene Schueller không bao giờ chịu dừng lại với một vài sản phẩm chủ lực.

Có thể nêu ra đây danh sách những sản phẩm của LOreal mang tính “cách mạng” đối với nền công nghiệp mỹ phẩm thế giới: từ thuốc nhuộm tóc đến thuốc giữ màu tóc, từ kem dưỡng da đến nước tắm không có xà phòng, từ thuốc giữ dáng tóc cuộn đến thuốc xịt cho tóc và cơ thể, từ kem chống nắng đến nước hoa dùng trong các điều kiện thời tiết và thời gian khác nhau trong ngày... Mục tiêu đa dạng sản phẩm trở thành thách thức sống còn đối với LOreal đi cùng với việc nâng cao chất lượng, và đây chính là tiêu chí được hàng triệu triệu người theo dõi và thẩm định thương hiệu LOreal trong hơn một thế kỷ qua.

Nữ tỷ phú Liliane Bettencourt và con gái, Francoise Bettencourt Meyers (ảnh chụp tháng 3-2011, Reuters).

Kết quả điều tra xã hội học và thăm dò dư luận được tiến hành các năm 2008, 2010 và 2014 ở tất cả các châu lục cho thấy, trên dưới 80% các quý cô, quý bà trong cuộc đời mình đều ít nhất có một lần được nghe kể về LOreal hoặc sử dụng sản phẩm LOreal.

Ngay từ trước Thế chiến II, LOreal đã trở thành một tập đoàn đa quốc gia với rất nhiều chi nhánh, xí nghiệp sản xuất và cửa hàng ở các nước châu Âu. Eugene Schueller cũng đã nhận ra được từ rất sớm là muốn phát triển LOreal thành thương hiệu hàng đầu trên thế giới thì cùng với sự phát triển riêng của công ty còn phải chú ý “triệt tiêu” đối thủ cạnh tranh không phải bằng các chiêu thức hạ cấp mà là... thâu tóm họ, biến thương hiệu của họ thành thương hiệu của chính mình.

Vụ mua lại hãng Savons Francais như đã đề cập ở trên, thâu tóm công ty Monsaron năm 1934, mua Lancôme năm 1964, Garnier năm 1965... là những ví dụ điển hình. Không ngừng sáng tạo và tìm kiếm cơ hội kinh doanh trên thị trường, khai thác triệt để hiệu quả của quảng cáo và sự tự tin hơn của phụ nữ trong xã hội hiện đại đã trở thành truyền thống của LOreal.

Một trong các bí quyết hàng đầu đẫn đến thành công của LOreal chính là sự khác biệt cho đặc tính của mọi thương hiệu. Theo bài báo “LOreal: Vẻ đẹp của thương hiệu toàn cầu” đăng trên tạp chí Business Week ra ngày 28-6-1999, thì bí quyết thành công của LOreal chính là “khả năng chuyển tải sự quyến rũ của những nền văn hóa khác nhau thông qua nhiều sản phẩm của thương hiệu này” vì vậy, thật không ngoa khi nhiều chuyên gia đánh giá rằng, LOreal đã tạo thành danh tiếng của mình như là “Hợp chủng quốc về sắc đẹp” do các tính cách riêng biệt đa dạng cùng tồn tại trong một công ty toàn cầu.

Khi những góc khuất của gia tộc lẫy lừng... lộ sáng

Dù cho vầng hào quang của LOreal tỏa ánh rực rỡ suốt hơn một thế kỷ qua thì vẫn không che lấp nổi vùng bóng tối được tạo nên từ tai tiếng về quãng thời gian hợp tác với phát xít Đức. Từ khi nước Pháp chưa bị đặt dưới thể chế Vichy, Eugene Schueller đã không che giấu thái độ căm ghét những người cộng sản và tả khuynh. Nhờ vào vị thế và mối quan hệ của một doanh nhân thành đạt, Eugene Schueller đã hỗ trợ đắc lực một số tổ chức cánh hữu cực đoan chuyên ám sát các nhà lãnh đạo công đoàn, nhân vật cánh tả và thành viên đảng Cộng sản ở Pháp.

Không những thế, khi phát xít Đức xâm lăng Pháp, Eugene Schueller đã hợp tác với chính quyền bù nhìn của phát xít Đức ở Pháp để bắt giữ và thủ tiêu không ít nhà hoạt động xã hội, những người đấu tranh chống phát xít Đức và chủ trương kháng chiến.

Thế chiến II kết thúc, những người như Eugene Schueller đương nhiên phải nằm trong vòng điều tra và đưa ra tòa xét xử về tội hợp tác với phát xít Đức. Ân nhân của Eugene Schueller lúc này là Francois Mitterrand, người từng tham gia phong trào kháng chiến và bắt đầu bước chân vào chính trường.

Thật khó hiểu động cơ của Francois Mitterrand là gì khi ông dám đứng ra làm chứng trước tòa rằng, Eugene Schueller đã… giúp đỡ các chiến sĩ hoạt động chống phát xít Đức ở Pháp! Eugene Schueller thoát tội ngoạn mục, còn Francois Mitterrand sau này trở thành Tổng thống Pháp.

Liliane Bettencourt cùng người tình Banier Francois-Marie tham dự một sự kiện năm 1992.

Đến năm 1991, quá trình xử lý một vụ tranh chấp của một trong những công ty con của tập đoàn đã khui ra ánh sáng một bí mật mà tập đoàn luôn giữ kín: sau Thế chiến II, LOreal đã thu nạp không ít phần tử cực hữu hoặc đã từng tham gia quân đội phát xít Đức hoặc làm việc cho chính quyền Vichy thân phát xít.

Eugene Schueller mất năm 1957, người toàn quyền thừa kế gia sản khổng lồ của “vương quốc mỹ phẩm” LOreal là người con gái duy nhất của ông - Liliane Schueller - lúc đó mới 4 tuổi. Năm 28 tuổi, Liliane kết hôn với chính trị gia Andre Bettencourt, bạn học của ông Francois Mitterrand.

Sau khi nhãn hiệu mỹ phẩm này lên sàn chứng khoán vào năm 1963, bà sở hữu phần lớn cổ phần tại tập đoàn. Đến năm 1974, người phụ nữ giàu nhất thế giới này đã bán bớt cổ phần tại LOreal để đổi lấy 3% cổ phần tại tập đoàn thực phẩm Nestle của Thụy Sĩ vì lo sợ LOreal sẽ dần bị cổ phần hóa. Bà trở thành thành viên Ban giám đốc LOreal vào năm 1995.

Chuyện bê bối của dòng tộc Schueller một lần nữa bị xới lên vào năm 2008, khi con gái của bà Liliane Bettencourt, cô Francoise gửi đơn kiện nhà văn, họa sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Francois-Marie Banier với cáo buộc ông này lợi dụng trạng thái tinh thần không ổn định của mẹ mình để chiếm đoạt khối tài sản lên tới hơn 1 tỷ USD bao gồm cả tiền mặt, hợp đồng bảo hiểm và những món quà đắt tiền.

Francois-Marie Banier phủ nhận tất cả cáo buộc và cho rằng, sở dĩ mình bị kiện là bởi người ta khinh ghét anh ta - một người đồng tính. Luật sư của cô con gái cho rằng, Banier đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết với mẹ mình để ép buộc bà tặng anh ta 1,5 tỉ USD trừ vào số cổ phiếu của người thừa kế “vương quốc” LOreal. Chẳng ai biết mối quan hệ giữa anh chàng nhà văn đồng tính và nữ tỉ phú đã chán ngán ông chồng già đến mức nào mà khiến bà “biếu không” cho anh ta một số tiền khổng lồ như thế?

Đến năm 2010, sự việc càng trở nên phức tạp khi người quản gia cũ của bà Bettencourt công bố đoạn ghi âm cuộc nói chuyện của bà Bettencourt với Tổng thống Pháp Nicolas Sarcozy. Theo đó, bà Bettencourt bị cáo buộc cung cấp số tiền bí mật cho chiến dịch tranh cử của vị tổng thống này để đổi lại việc được trốn thuế.

Không lâu sau khi ông Andre Bettencourt mất, cô Francoise Bettencourt mới quyết định đưa gã người tình cùng mẹ mình ra tòa, dưới danh nghĩa là người bảo trợ. Cô con gái muốn tòa cưỡng chế người tình trẻ rời khỏi mẹ mình, điều này còn đồng nghĩa với việc Liliane Bettencourt sẽ mất quyền biểu quyết cũng như quyền kiểm soát những cổ phiếu mà mình có trong LOreal.

Đây là điều mà Liliane luôn sợ hãi, bà không muốn bị con gái và con rể điều khiển vì bà cho rằng, con rể, người đang điều hành LOreal, là một kẻ đào mỏ. Những vụ kiện tụng liên tiếp đã gây rạn nứt tình cảm của bà Bettencourt dành cho người con gái duy nhất của mình.

Phải đến năm 2011, 3 năm sau cuộc chiến pháp lý tại tòa, tài sản của Lilian mới chính thức nằm dưới sự bảo trợ của cô con gái. Bà quả phụ già lúc này mắc chứng mất trí nhớ. Còn Francois-Marie Banier bị tuyên án 3 năm tù và buộc phải trả lại cho gia đình Betttencourt số tiền 18 triệu USD trong số quà đồ sộ mà mình đã nhận.

Giờ đây, sự ra đi của nữ tỷ phú Liliane Bettencourt sẽ làm thay đổi mối quan hệ giữa tập đoàn này với hãng Nestle, tập đoàn thực phẩm Thụy Sĩ, đang sở hữu trên 23% cổ phần của LOreal vì giữa Nestle đã có thỏa thuận với gia đình sáng lập LOreal rằng, hai bên không tăng cổ phần của mình trong nhóm mỹ phẩm khi bà Liliane Bettencourt còn sống và ít nhất sau 6 tháng sau khi bà qua đời.

Hiếu Thảo (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/vuong-quoc-my-pham-loreal-hao-quang-va-bong-toi-459838/