Vướng mắc về quyền lưu cư

Lưu cư là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng trong trường hợp đối với vụ kiện dân sự.

Khi đó, tòa án quyết định người đang có chỗ ở, có thể chỗ ở đó là nhà thuê; nhà của vợ chồng nhưng đã có quyết định ly hôn, một bên được chia nhà; nhà của những người đang tranh chấp di sản thừa kế; nhà của bên khởi kiện vì chỗ ở của người đang sử dụng là tài sản cho mượn chứ không phải là hợp đồng tặng cho; có hợp đồng thi hành việc phát mãi tài sản do bên vay vi phạm hợp đồng thế chấp với ngân hàng; nơi đang ở phải tịch thu vì người đang quản lý nơi ở thuộc các trường hợp quy định tại Điều 47 Bộ luật Hình sự (BLHS)... Tuy vậy, vì những lý do khách quan, chủ quan, người đang ở chưa thu xếp được chỗ ở khác thì tòa án hay cơ quan thi hành án sẽ ấn định thời gian cho người đang ở nơi đó được quyền lưu lại một thời gian nhất định.

Trong cơ chế thị trường, việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà hoặc anh em xảy ra tranh chấp di sản thừa kế, thế chấp tài sản, bị tịch thu tài sản căn cứ vào sự phán quyết của tòa án, người đang ở nơi có di sản thừa kế là nơi có tài sản đang tranh chấp… phải di chuyển sang chỗ khác. Những sự kiện pháp lý này xảy ra không hiếm và đang có xu hướng tăng lên.

Trên thực tế, tòa án thụ lý một số vụ án khi xét xử gặp tình huống liên quan đến việc lưu cư, thì việc áp dụng thời hạn lưu cư không thống nhất. Có nơi ấn định thời hạn lưu cư 1 tháng, có nơi lại quyết định 6 tháng. Việc này có nguyên nhân vì Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 không có quy định lưu cư, nhưng trước đó tại Điều 499 BLDS năm 1995 đã quy định: “Bên thuê nhà có quyền lưu cư với thời hạn không quá 3 tháng khi hợp đồng thuê nhà đã hết hạn nếu bên thuê nhà có khó khăn về chỗ ở và việc kéo dài hợp đồng thuê nhà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên cho thuê”. Theo Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, thời hạn lưu cư là 6 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Xét thấy với quy định trên dễ tạo tiền lệ xấu cho bên được lưu cư và không phản ánh hết những vụ việc liên quan đến quyền lưu cư hiện nay. Nó không chỉ xảy ra trong phạm vi thuê nhà, mà xuất hiện trong các vụ kiện dân sự khác. Tuy vậy, về căn cứ pháp luật không thể viện dẫn Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 được vì chủ thể của Điều 63 chỉ giới hạn là quan hệ vợ chồng khi ly hôn. Do vậy quyền lưu cư cần được khôi phục cho phù hợp. Việc BLDS năm 2015 bỏ quy định quyền lưu cư trong khi các sự kiện pháp lý ngày càng phát sinh, phát triển liên quan đến việc áp dụng quy định này là điều đáng tiếc.

Nghiên cứu lịch sử xây dựng pháp luật ở nước ta từng có trường hợp khi xây dựng luật mới đã bỏ những quy định của luật cũ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thấy rằng: Quy định mới không phù hợp với thực tiễn nên khi sửa đổi, bổ sung lại sử dụng quy định trước đây đã bãi bỏ. Ví dụ, việc quản lý tòa án nhân dân (TAND) các cấp, Luật Tổ chức TAND năm 1960 quy định thuộc thẩm quyền TAND tối cao. Đến Luật Tổ chức TAND năm 1981 Điều 16 quy định: “Việc quản lý các TAND địa phương về mặt tổ chức do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đảm nhiệm. Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Chánh án TAND Tối cao trong việc thực hiện nhiệm vụ đó”. Nhưng đến nay, Khoản 1, Điều 18 Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã quy định: “TAND tối cao quản lý các TAND về mặt tổ chức”. Một ví dụ nữa: Về luật lệ tố tụng hình sự, theo Sắc lệnh số 53 ngày 14-4-1946, Chính phủ đã ban hành thủ tục giản lược một số thủ tục tố tụng. Từ ngày 8-7-1974, TAND tối cao ban hành Thông tư số 10-TATC về thủ tục rút ngắn trong điều tra, truy tố, xét xử một số án hình sự ít quan trọng. Đến Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988 bỏ quy định thủ tục này. Song từ Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, năm 2015 thủ tục án rút gọn lại được khôi phục.

Tham khảo ý kiến nhiều người đang có trách nhiệm giải quyết tiếp những vụ án dân sự, đa số đồng tình: BLDS nên khôi phục quy định về quyền lưu cư. Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung BLDS, trước mắt liên ngành Trung ương nên có thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng việc lưu cư. Cần mở rộng phạm vi áp dụng theo hướng: Những tranh chấp dân sự liên quan đến sự kiện này thì tòa án quyết định quyền lưu cư không quá 3 tháng sau khi bản án phát sinh hiệu lực pháp luật. Trường hợp người được quyền lưu cư chây ỳ thì bên được thi hành án có quyền yêu cầu cưỡng chế được quy định trong Luật Thi hành án dân sự năm 2015.

Luật gia NGUYỄN THÀNH MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/vuong-mac-ve-quyen-luu-cu-619712