Vướng mắc trong chính sách hỗ trợ ngư dân

Quyết định 48/2010/QĐ - TTg ngày 13-7-2010 của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa ra đời đáp ứng mong mỏi của đông đảo bà con ngư dân đánh bắt xa bờ trên cả nước, nhất là trong bối cảnh giá xăng, dầu liên tục tăng nhanh, nhiều lần trong vòng hai năm 2011, 2012. Tuy nhiên, hiện, nhiều ngư dân tại tỉnh Phú Yên vẫn chưa hết băn khoăn, thậm chí còn bức xúc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ này đối với họ.

Một góc cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa

Tại buổi sinh hoạt và đối thoại với ngư dân vừa được tổ chức ở Đồn BP Tuy Hòa vào trung tuần tháng 8 vừa qua, ông Trần Kim Hoa, chủ tàu câu cá ngừ đại dương ở phường 6, TP Tuy Hòa phản ánh: "Năm 2011, phương tiện của tôi đi đánh bắt 10 chuyến, trong đó có 4 chuyến ghé vào các đảo ở Trường Sa và nhà giàn ký xác nhận. Tôi đã nộp hồ sơ đầy đủ yêu cầu thủ tục cho Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh xét duyệt. Nhưng khi nhận chi trả hỗ trợ, tôi chỉ được 3 chuyến, chuyến còn lại, cơ quan này cho biết, chuyến này không được nhận hỗ trợ vì trong sổ lưu không có tên trong danh sách. Tôi không hiểu vì sao như vậy!".

Đồng tình với ông Hoa, gần 50 chủ tàu đánh bắt xa bờ có mặt tại cuộc họp đều bày tỏ những băn khoăn về chuyện mình đã trình nộp đầy đủ hồ sơ, thủ tục các chuyến biển theo yêu cầu, song không được nhận đủ hỗ trợ, dù việc chi trả hỗ trợ năm 2011 xem như đã kết thúc.

Ngư dân Trần Văn Tú nói: "Phương tiện của tôi cũng như rất nhiều các tàu khác đã ghé đảo ký xác nhận đủ 4 lần. Tuy vậy, có người 4 chuyến thì được nhận 3 chuyến, cũng có một số người ký 4 được nhận 2; ký 3 được nhận 2 hoặc chỉ 1. Tóm lại, trong số 4 chuyến đã xác nhận, thể nào cũng bị cắt mất từ 1 đến 2 chuyến so với số lần mình đã được chứng nhận".

Gặp chúng tôi tại làng biển Đông Tác, ngư dân Lê Tấn Đạt, Thuyền trưởng tàu cá PY 5211 cũng bày tỏ sự thất vọng: "Thực tế năm 2011, tàu chúng tôi đi 7 chuyến biển, có 3 lần ghé đảo để ký xác nhận. Trong đó có 2 chuyến ký ở Đá Lát, 1 chuyến vào Song Tử Tây". Đưa bằng chứng là một vết thương ở ngay cẳng chân trái, anh Đạt kể: Chuyến vào Song tử Tây là đợt gió bão cuối năm 2011, chúng tôi ghé đảo trú tránh gió rồi vào xin ký xác nhận. Lúc đó chẳng may tàu mắc cạn, sóng đập vỡ kính rơi xuống trúng chân, vết thương dài cả gang tay, sẹo vẫn còn đây. Vậy mà giờ trong sổ lưu không có danh sách chuyến biển này?!

Ông Trần Kim Hoa, một chủ tàu đánh bắt xa bờ ở phường 6, TP Tuy Hòa bày tỏ băn khoăn về việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48/2010 đối với ngư dân địa phương. Ảnh: Phương Oanh

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Hữu Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, được ông xác nhận, trong số 1.404 chuyến biển đã qua thẩm định bước một của năm 2011 tại tỉnh Phú Yên, có 168 bộ hồ sơ với 572 chuyến biển còn lại chưa được nhận hỗ trợ. Tất nhiên, các hồ sơ này đều đủ thủ tục như: Sổ hành trình ký xác nhận của đồn, trạm biên phòng ngày đi, ngày về của phương tiện, đồng thời cũng có xác nhận chính quyền tại các đảo và nhà giàn. Tuy nhiên, khi tiến hành xác minh thì trong sổ lưu của đơn vị này không có tên thuyền trưởng và số hiệu tàu cá của 572 chuyến biển vào đảo, nhà giàn.

Ông Vinh khẳng định: "Do không có tên trong sổ lưu, ngư dân sẽ không được nhận hỗ trợ tiền dầu, dù hồ sơ đăng ký của họ phù hợp với quy định hiện hành!?".

Ông Vinh cũng cho biết: Nguyên nhân dẫn tới việc thêm vào quy định kiểm tra sổ lưu tại các cơ quan, đơn vị địa phương nơi vùng biển tàu đến của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên là do trước đây, cơ quan chức năng thiếu bước thẩm định hồ sơ đã để xảy ra khiếu nại về việc hỗ trợ sai đối tượng cho ngư dân ở huyện Tuy An (Phú Yên). Từ đơn thư khiếu nại, qua xác minh hồ sơ và sổ lưu không có số tàu, tên thuyền trưởng 33 chuyến biển của ngư dân ở huyện Tuy An (Phú Yên). Như vậy, số này chỉ gửi sổ lấy xác nhận chứ thực tế không đi biển làm ăn. Do đó, UBND tỉnh Phú Yên đã buộc Chi cục phải thu hồi hơn 800 triệu đồng. "Chúng tôi không làm khó ngư dân mà phải siết chặt thẩm định hồ sơ để tránh hỗ trợ sai đối tượng như ở huyện Tuy An" - Ông Vinh khẳng định.

Mùa đánh bắt cá ngừ đại dương năm 2012 lại tiếp tục đi qua, cũng đã hơn nửa năm nay, hàng trăm chủ tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Yên mong đợi, băn khoăn và mệt mỏi, song không biết làm thế nào để đối chất "ba mặt một lời" cho rõ về vấn đề này. "Chúng tôi ghé đảo, anh em ngoài đó ký xác nhận, đóng dấu hẳn hoi. Về đến trong này, đơn vị chủ quản của họ nói không thấy danh sách báo về, vậy ai là người có trách nhiệm trong chuyện này!"- ông Trần Kim Hoa bày tỏ bức xúc.

Còn ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (TP Tuy Hoà) khẳng định: Ngành chức năng thực hiện quy trình thẩm định hồ sơ chuyến đi biển để hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân Phú Yên còn thiếu thống nhất, mập mờ, chưa chính xác. Ông Nguyễn Hữu Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản Phú Yên cũng xác nhận với chúng tôi: Ngư dân muốn chứng minh mình có hoạt động trên vùng biển xa bờ để được nhận hỗ trợ, còn có một phương cách nữa là dùng máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS để nhắn tin báo về tổng đài của Chi cục. Cách làm này hạn chế được những rắc rối trong việc xác minh, xác nhận chuyến biển.

Được biết, để có chiếc máy này, trước mắt, ngư dân phải ứng ra 28 triệu đồng mua trước rồi sau đó, họ cũng sẽ được nhận hỗ trợ lại khoản tiền mua thiết bị này theo Quyết định 48/2010. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều ngư dân vẫn ngần ngại và tỏ ra hoài nghi về phương thức này, nhất là khi trước mắt, họ phải bỏ ra một số tiền lớn để mua máy.

Năm 2012, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt trên các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010 của Chính phủ vẫn tiếp tục triển khai và những ngư dân ngày ngày vẫn vươn ra các vùng biển xa bờ của Tổ quốc để mưu sinh. "Bà con chúng tôi là người dân ở biển, nghề nghiệp truyền thống bao đời ông cha để lại nên dù gặp khó vì giá nhiên liệu, dù Nhà nước có hỗ trợ hay không thì vẫn cứ bám biển sinh sống, làm ăn chứ không thể bỏ nghề" - ông Phan Thuẫn nói.

Song, việc triển khai quyết định này như thế nào để vừa không làm mất đi tính khả thi và ý nghĩa nhân văn của một chính sách lớn, đồng thời làm tốt hơn công tác quản lý, chống thất thoát tiền và nâng cao hiệu quả từ sự hỗ trợ của Nhà nước, vừa đáp ứng thực tế sản xuất trên biển cho ngư dân là điều mà các cơ quan chức năng trực tiếp thực thi chính sách này cần phải tính đến.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vuong-mac-trong-chinh-sach-ho-tro-ngu-dan/