Vướng mắc pháp lý khi xử lý vi phạm giao thông 'kiểu 4.0'

UBND TP HCM vừa tổ chức hội nghị về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong xử lý vi phạm và quản lý điều hành giao thông vận tải.

Một số quy trình xử phạt hiện nay công an đang thực hiện nhưng chưa được thể hiện trong các Thông tư, Nghị định

Một số quy trình xử phạt hiện nay công an đang thực hiện nhưng chưa được thể hiện trong các Thông tư, Nghị định

Chỉ 20% trường hợp bị “phạt nguội” được xử lý

Theo báo cáo của ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, thời gian qua TP đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành giao thông đô thị. TP hiện có 1.103 chốt đèn tín hiệu giao thông, trong đó có 216 chốt đèn tín hiệu giao thông đã được kết nối và điều khiển tại Trung tâm. Có 69 bảng được lắp đặt trên các tuyến đường trọng điểm, các khu vực cửa ngõ ra vào TP.

TP cũng đưa vào hoạt động hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng (ETC) tại Trạm thu phí cầu Phú Mỹ, Trạm thu phí An Sương - An Lạc đảm bảo lưu thông liên trạm, thanh toán liên ngân hàng và kết nối đồng bộ với các trạm thu phí do Bộ GTVT đang triển khai theo định hướng chung của Chính phủ. TP cũng đang triển khai thí điểm sử dụng vé điện tử smartcard dành cho xe buýt. Mục tiêu là hướng đến một hệ thống vé điện tử liên thông dùng trong giao thông công cộng sau này của thành phố…

Một trong những vấn đề “nóng” nhất hiện nay là chuyện “phạt nguội”. Ông Lâm cho biết, nhiều trường hợp vi phạm giao thông không đến trụ sở để xử lý vi phạm, hiệu quả xử lý vi phạm chỉ đạt 20%. Để nâng cao hiệu quả công tác xử phạt qua hình ảnh, TP đã xây dựng xong dự thảo Quy trình thí điểm xử phạt qua hình ảnh (phạt nguội) theo 6 bước gồm: Ghi hình ảnh vi phạm; trích xuất hình ảnh vi phạm lập hồ sơ vi phạm; in và thông báo gửi; làm việc và lập biên bản vi phạm; cập nhật kết quả và kết thúc hồ sơ.

TP kiến nghị Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Công an trình Chính phủ cho phép TP được triển khai thí điểm quy trình xử phạt theo 6 bước như trên; treo cảnh báo từ chối đăng kiểm cho phương tiện trên chương trình quản lý kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam sau khi nhận được thông báo đề nghị của cơ quan chức năng mà không cần chờ có quyết định xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời, tham mưu Chính phủ bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện, trong đó buộc chủ phương tiện phải nộp phạt thay cho người vi phạm trong trường hợp chủ phương tiện không xác định được người vi phạm. Kiến nghị Bộ Công an ban hành quy định về việc không giải quyết thủ tục sang tên, di chuyển đối với các trường hợp có vi phạm qua hình ảnh mà chưa chấp hành quyết định xử phạt.

Với vấn đề xử lý vi phạm trong sử dụng lòng lề đường để đậu xe ô tô, Sở kiến nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung quy định lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý. Bên cạnh đó, cho phép TP cưỡng chế với hành vi vi phạm dừng đậu xe không đúng nơi quy định, không chấp hành nghĩa vụ về phí đậu xe.

Ngoài ra, Sở nêu kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ dữ liệu đăng kiểm với TP HCM, trước mắt chia sẻ theo dạng dữ liệu gói định kỳ hàng tháng cho Sở và Công an TP để xây dựng phần mềm quản lý, khai thác dữ liệu phục vụ công tác xử phạt và điều hành giao thông. Đồng thời, cho phép dữ liệu thiết bị giám sát hành trình từ phương tiện kinh doanh vận tải được truyền về máy chủ của Sở GTVT.

Tại hội nghị, đại diện Công an TP HCM cũng kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu tham mưu sửa đổi Nghị định 46 để có chế tài với chủ phương tiện. Bộ Công an và Cục CSGT nghiên cứu xây dựng quy trình xử phạt vi phạm hành chính qua hình ảnh để thực hiện thống nhất trong toàn quốc, đủ chế tài xử phạt mạnh.

Còn vướng mắc pháp lý

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng, TP HCM sẽ không trở thành đô thị thông minh nếu như không có hệ thống các cơ sở hạ tầng giao thông vận tải hoàn thiện, thông suốt và an toàn. Thời gian qua TP HCM ứng dụng khoa học công nghệ vào việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần giảm ùn tắc giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông trong suốt 9 năm liên tục.

Tuy nhiên, việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ cho công tác đảm bảo trật tự ATGT vẫn còn nhiều mặt hạn chế; chưa theo kịp với tốc độ phát triển đô thị của TP và tình hình giao thông diễn biến ngày càng phức tạp. Nguyên nhân là do các vướng mắc về cơ chế phối hợp, về chia sẻ thông tin dữ liệu, chưa có những quy định pháp luật để hướng dẫn triển khai áp dụng cụ thể, nhất là việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong việc xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử lý thông qua hình ảnh, cân tự động, dữ liệu giám sát hành trình.

Theo ông Hoan, quy trình xử phạt nguội, hiện nay cách TP HCM đề xuất chỉ mang tính sơ khai. Do đó TP sẽ tham mưu đề xuất quy trình rút gọn, quy trình điện tử. Bởi nói ứng dụng khoa học công nghệ thì không chỉ ứng dụng để phát hiện mà còn ứng dụng để xử phạt và mọi người phải chấp hành theo quyết định xử lý.

“Hiện nay tất cả đã sẵn sàng nhưng có một việc chưa sẵn sàng, đó là pháp lý. Công nghệ đã đi rất xa, nhưng quy trình quản lý, pháp luật quy định về quản lý còn rất lạc hậu, rất cũ kỹ, máy móc, không phù hợp. Vì vậy, mong Bộ GTVT tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thí điểm để TP HCM làm và làm nhanh. Khối lượng công việc nhiều nhưng nếu được ứng dụng khoa học công nghệ thì lực lượng thực thi không vất vả; người dân khi tham gia giao thông luôn luôn phải chấp hành pháp luật; không có minh chứng nào một cách chính xác, rõ ràng là minh chứng bằng hình ảnh vi phạm”, ông Hoan đề xuất.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị, sau hội nghị, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ GTVT, TP HCM, một số đơn vị rà soát lại những quy định mới trong Nghị định 46 sửa đổi, xem những đề xuất của TP HCM có nằm trong số nội dung đã được bổ sung hay chưa. Tương tự là với Nghị định 86 sửa đổi, những nội dung đã được bổ sung nếu trùng hợp với đề xuất của TP HCM thì không cần đưa vào nữa.

Bộ trưởng cũng cho rằng, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho tất cả các bộ, ngành, cơ quan là ưu tiên, đồng thời việc chia sẻ dữ liệu lớn này giữa các bộ, ngành, địa phương để sử dụng có hiệu quả là rất cần thiết.

Liên quan đến một số quy trình xử phạt hiện nay mà công an đang thực hiện nhưng chưa được thể hiện bằng các Thông tư, Nghị định; Bộ cho biết sẽ nghiên cứu, phần nào bổ sung được vào Nghị định thì bổ sung; phần nào thuộc trách nhiệm Bộ Công an sẽ kiến nghị Ủy ban ATGT Quốc gia.

Yên Tâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-thong/vuong-mac-phap-ly-khi-xu-ly-vi-pham-giao-thong-kieu-40-477160.html