'Vướng' chính sách, nhiều chợ chưa được hỗ trợ tiền thuê đất

Là một địa phương có những chính sách cởi mở trong thu hút đầu tư, phát triển chợ theo hình thức xã hội hóa, đến nay, toàn tỉnh đã có 115 chợ hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác, bước đầu tạo lập 'bộ mặt' mới cho hệ thống chợ truyền thống.

Chợ Chiều, thị trấn Hậu Lộc đã đi vào hoạt động từ năm 2017 nhưng chưa được hỗ trợ tiền thuê đất.

Tuy nhiên, do vướng một số yếu tố làm căn cứ thực thi chính sách nên nhiều chợ vẫn chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, khiến các chủ đầu tư đang gặp không ít khó khăn.

Ngày 8-12-2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/NQ-HĐND (NQ 29) về một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại. Theo đó, các doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng chợ theo kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, hoặc đầu tư xây dựng mới chợ theo quy hoạch sẽ được hỗ trợ 100% tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê đất thực hiện dự án, kinh doanh khai thác chợ đối với các chợ thuộc địa bàn xã ở các huyện; 30% tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê đất thực hiện dự án, kinh doanh khai thác chợ đối với các chợ thuộc địa bàn TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn) và các thị trấn huyện. Thời điểm hỗ trợ là sau khi chủ đầu tư có quyết định thuê đất. Tuy nhiên, với một số dự án xây dựng chợ có phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng hiện đang gặp khó.

Chợ Chiều (thị trấn Hậu Lộc), trước kia là những dãy nhà nhỏ hẹp, lụp xụp, nhếch nhác ven đường. Tháng 3-2017, chợ Chiều mới được khởi công xây dựng tại vị trí cách đó không xa. Chỉ chưa đầy 1 năm xây dựng, ngôi chợ khang trang đã được hiện hữu. Phần chợ dân sinh có diện tích đất 6.800 m2, trong đó, có 1.600 m2 có mái che, kiến trúc hiện đại phục vụ tiểu thương kinh doanh, hướng đến phục vụ cả ngày và đêm khi có nhu cầu và một khu vực giao dịch bán hàng ngoài trời theo hình thức chợ đầu mối để nhập và xuất hàng. Các hạng mục chợ đã được đầu tư đồng bộ, như: Hệ thống báo cháy và chữa cháy, khu xử lý nước thải, khu thu gom rác thải, hồ điều hòa... Tổng số tiền thuê đất của dự án này đối với khu vực chợ dân sinh là hơn 1,684 tỷ đồng. “Chiếu” theo mục 2.2 của NQ 29, Công ty CP Đầu tư xây dựng Thanh Hóa – chủ đầu tư xây dựng chợ Chiều - sẽ được hỗ trợ 30% số tiền trên là 505.320.000 đồng. Cuối năm 2017, sau khi hoàn thành công tác đầu tư, đơn vị đã có công văn gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị hỗ trợ tiền thuê đất theo NQ 29. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị vẫn chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ do các cấp có thẩm quyền chưa thống nhất mức hỗ trợ tiền thuê đất được xác định trước hay sau khi giải phóng mặt bằng dự án. Trong khi vấn đề này chưa được quy định cụ thể tại NQ 29. Ông Hoàng Quốc Toản, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty CP Đầu tư xây dựng Thanh Hóa, cho biết: Tổng vốn đầu tư xây dựng chợ Chiều là 21 tỷ đồng. Chúng tôi đầu tư xây dựng chợ với số vốn lớn, tuy nhiên tài sản này lại chưa được “khai sinh” (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) do vướng mắc trong xác định số tiền thuê đất phải nộp. Việc chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất khiến doanh nghiệp gặp khó trong các mục tiêu tái đầu tư chợ và các mục tiêu kinh doanh khác.

Bên cạnh đó, hiện nay, có 2 chợ trên địa bàn tỉnh đang bị “mắc kẹt” giữa 2 giai đoạn chuyển giao chính sách (Nghị quyết 173/2010/NQ-HĐND và NQ 29), đó là chợ Tân An - Tân Bình (TP Thanh Hóa) và chợ Thọ Nguyên (Thọ Xuân). Theo Nghị quyết 173/2010/NQ-HĐND (NQ 173), về đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại, nhà đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp chợ ở khu vực nông thôn, trong trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ với mức tương ứng bằng số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp cho cả thời gian thực hiện dự án... Đối với nhà đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp chợ ở khu vực đô thị, xây dựng mới siêu thị, trung tâm thương mại (cả ở đô thị và nông thôn) được giao đất hoặc thuê đất với mức giá thấp nhất theo giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, do cấp có thẩm quyền quy định tại vị trí loại đường nơi thực hiện dự án. NQ 173 hết hiệu lực năm 2015, trong khi NQ 29 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19-12-2016, do đó có 2 chợ nêu trên được phê duyệt chủ trương đầu tư và có quyết định giao đất vào năm 2016 (thời điểm giữa chính sách cũ và chính sách mới ban hành) đã bị “mắc kẹt”. Đại diện chủ đầu tư chợ Tân An - Tân Bình (TP Thanh Hóa), cho biết: Tổng số tiền thuê đất đầu tư xây dựng chợ Tân An - Tân Bình là hơn 10,8 tỷ đồng. Đơn vị đã nộp toàn bộ số tiền trên vào ngân sách Nhà nước từ năm 2017, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được hỗ trợ lại số tiền thuê đất theo NQ 173 hoặc NQ 29.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Thương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển chợ tỉnh, cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 63/115 chợ chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê đất. Ngoài 2 chợ đang bị “mắc kẹt” giữa 2 giai đoạn chuyển giao chính sách và một số chợ chưa có đề nghị hỗ trợ tiền thuê đất, thì phần lớn các chợ còn gặp khó khăn trong việc thay đổi phương thức hỗ trợ. Theo đó, từ năm 2018, các doanh nghiệp, HTX không được hỗ trợ tiền thuê đất theo hình thức ghi thu ghi chi (khấu trừ số tiền thuê đất được hỗ trợ sang số tiền chủ đầu tư phải nộp thuế sử dụng đất) mà phải thực hiện nộp đủ tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước. Sau đó, các cơ quan Nhà nước sẽ trình thủ tục hỗ trợ tiền thuê đất cho các chủ đầu tư. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp, HTX đầu tư chợ có quy mô nhỏ, sau khi đầu tư vốn lớn vào việc xây dựng, cải tạo chợ, việc huy động một số tiền lớn để nộp tiền sử dụng đất hiện rất khó khăn, điển hình như chợ Bái Thượng, xã Xuân Bái (Thọ Xuân) sẽ phải thực hiện nộp tiền sử dụng đất hơn 5,1 tỷ đồng; chợ Thạc, xã Xuân Lai (Thọ Xuân) gần 1,6 tỷ đồng; chợ Quán, xã Quảng Lưu (Quảng Xương) 1,153 tỷ đồng...

Để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư xây dựng chợ, ngày 21-5-2019, Sở Công Thương đã có tờ trình về việc sửa đổi một số nội dung NQ 29, trong đó, tại điểm 2.3, Khoản IV, Điều 1 được bổ sung, chỉnh sửa như sau: Đối với dự án đầu tư xây dựng chợ, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ đã triển khai từ năm 2011 đến thời điểm nghị quyết này có hiệu lực nhưng chưa được hỗ trợ theo chính sách đã ban hành tại NQ 173 thì được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại nghị quyết này. Một số nội dung về việc xác định kinh phí hỗ trợ tiền thuê đất trước hoặc sau khi trừ chi phí giải phóng mặt bằng cũng đã được đề cập và đang được các ngành, các cấp có thẩm quyền xem xét, báo cáo UBND tỉnh và trình HĐND tỉnh vào kỳ họp gần nhất.

Thiết nghĩ, thu hút đầu tư xây dựng chợ là một vấn đề khó, thời gian thu hồi vốn lâu. Để tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, trên cơ sở các quy định của pháp luật, UBND tỉnh cùng với các ngành liên quan cần nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sớm được thụ hưởng chính sách đã ban hành.

Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/vuong-chinh-sach-nhieu-cho-chua-duoc-ho-tro-tien-thue-dat/101707.htm