Vươn xa điệu múa Sen hồng

ĐTO - Ở Đồng Tháp, nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ hay các chương trình, sự kiện..., thường có sự góp mặt của Đội múa thuộc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật (trước đây là Đoàn văn công và Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh). Để có được tiết mục biểu diễn hấp dẫn, đặc sắc phục vụ khán giả, thành viên của Đội múa không chỉ khổ luyện nghiêm túc, mà còn phải có lòng đam mê và nhiệt huyết theo đuổi nghề...

Tiết mục “Nông thôn mới - Tầm cao mới” đoạt Huy chương Vàng tại Hội thi Múa không chuyên toàn quốc 2019

Tiết mục “Nông thôn mới - Tầm cao mới” đoạt Huy chương Vàng tại Hội thi Múa không chuyên toàn quốc 2019

Đam mê nghề múa

Hơn 1 tuần nay, để chuẩn bị các tiết mục phục vụ đêm giao thừa Xuân Canh Tý 2020 và những bài diễn phục vụ sự kiện từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, ngày nào cả đội cũng tập 2 - 3 buổi. Có dịp ngồi theo dõi những thành viên của Đội múa tập luyện mới cảm nhận rõ những vất vả của nghề múa. Như chia sẻ của các thành viên trong đội, nếu không có đam mê, nhiệt huyết sẽ chẳng ai gắn bó được với nghề.

Để có được tiết mục múa đẹp mắt, uyển chuyển với những động tác kỹ thuật điêu luyện, kết hợp sự dẻo dai và cả nét biểu cảm trên khuôn mặt, người diễn viên múa phải đổ mồ hôi, nước mắt và khổ luyện trong thời gian dài. Với 1 tiết mục trong khoảng 5 phút trên sân khấu, các diễn viên mất gần 1 tuần để dàn dựng và tập luyện. Đôi khi là chương trình lớn, cả đội tập 20 ngày hay 1 tháng cũng không phải chuyện hiếm.

Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi sau khi vừa tập xong một bài diễn, bạn Lê Thị Thủy Tiên (sinh năm 1992, ngụ xã Hòa An, TP.Cao Lãnh) - thành viên Đội múa cho biết, nghề múa coi vậy chứ thật sự không đơn giản. Áp lực thời gian, tập luyện nặng, rồi đôi lúc không may bị thương, tay chân bầm tím, chảy máu là chuyện thường. “Nhưng gắn bó với nghề múa gần chục năm nay nên em đã quen với áp lực vì đó là đặc thù của công việc múa này” - Thủy Tiên vui vẻ nói. Sinh ra trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng từ nhỏ, Thủy Tiên đã đam mê nghề múa. Lớn lên, Thủy Tiên theo học múa tại Trường Trung cấp múa TP.HCM và tốt nghiệp năm 2015. Năm 2016, Thủy Tiên được tuyển vào Đội múa Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh và gắn bó đến hôm nay.

Với nam giới, việc chọn nghề múa còn là thử thách khó hơn, bởi nghề này cần độ dẻo dai, mềm mại từ cơ thể, mà các bạn nam thì rất hiếm có những tố chất này. Nhưng bằng đam mê, người diễn viên múa đã phải ra sức khổ luyện, vượt qua sự khắc nghiệt để được sống với nghề. “Đó là những kỹ năng và một phần thuộc về năng khiếu. Còn những kỹ thuật như bê đỡ hay uốn dẻo cơ thể... thì cần khổ luyện thường xuyên trong thời gian dài. Dù khá vất vả, nhưng em nghĩ khi mình yêu thích thì sẽ vượt qua mọi trở ngại mà theo nghề” - thành viên nam của Đội múa tâm sự.

Cũng có những bạn trẻ dù không có chuyên môn về múa, nhưng cũng gắn bó với nghề nhờ năng khiếu, yêu nghề mà chọn tham gia Đội múa. Bạn Lê Thị Ngọc Hiếu (sinh năm 1990, quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - nhân viên Chi nhánh Bưu chính Viettel Đồng Tháp là một điển hình. Dù bận rộn với công việc văn phòng, chăm lo cho gia đình và con nhỏ nhưng Hiếu vẫn đăng ký làm cộng tác viên cho Đội múa của Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật và có mặt trong hầu hết các bài diễn của đội trong gần 7 năm qua.

Theo Biên đạo Phạm Viết Tuấn, Phó Trưởng phòng Nghệ thuật biểu diễn - Đào tạo (Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh), hiện nay, Đội múa có trên 20 thành viên, trong đó chỉ có 3 nam, 1 nữ là thuộc biên chế của Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật. Số còn lại là lực lượng cộng tác viên được xây dựng, tuyển chọn qua các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn của Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật và một số lớn lên từ phong trào nghệ thuật quần chúng. “Với lực lượng cộng tác viên, mỗi bạn một ngành nghề khác nhau nhưng có chung đam mê nên gắn bó với đội nhiều năm nay. Do đặc thù công việc, nên việc tập hợp các thành viên có đôi chút khó khăn. Tuy nhiên, mỗi thành viên trong đội đều ý thức trách nhiệm, sắp xếp thời gian để tham gia tập luyện và nỗ lực hết mình để hoàn thành các bài diễn theo đúng tiến độ của biên đạo đề ra” - anh Phạm Viết Tuấn cho hay.

Tiết mục “Mùa gọi bạn” đoạt Huy chương Bạc tại hội thi

Vươn xa điệu múa Sen hồng

Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Trong đó, Đội múa xuất hiện thường xuyên và hầu hết trong các buổi biểu diễn của đơn vị.

Ngoài ra, Đội múa còn được tạo điều kiện tham gia các hội thi, hội diễn toàn quốc và đạt thành tích ấn tượng. Mới đây, Đội múa Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật đại diện Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Đồng Tháp đã gây “tiếng vang” tại Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2019 (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức từ ngày 6 - 8/8/2019). Xây dựng chương trình tham gia hội thi, Biên đạo múa Phạm Viết Tuấn đã khéo léo đưa hình ảnh con sếu, hoa sen - những đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp vào tiết mục thi diễn. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới, các đề án xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương hay cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng được thể hiện đặc sắc trong tác phẩm dự thi.

Với đặc thù của đơn vị, Đội múa thường xuyên biểu diễn tại các chương trình, sự kiện chính trị hay lễ, Tết

Sự sáng tạo về công tác biên đạo, cùng sự thăng hoa trên sân khấu của các diễn viên, Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Đồng Tháp xuất sắc đạt huy chương ở cả 3 tiết mục tham gia. Trong đó, 1 Huy chương Vàng tiết mục “Nông thôn mới - Tầm cao mới”, 2 tiết mục “Có một nơi như thế” và “Mùa gọi bạn” đạt Huy chương Bạc. Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Đồng Tháp đã vinh dự được Cục Văn hóa cơ sở khen tặng Huy chương Bạc toàn đoàn của hội thi. Ghi nhận thành tích xuất sắc của Đội múa, vừa qua, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho Biên đạo Phạm Viết Tuấn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng nhiều Giấy khen cho các thành viên Đội múa.

Anh Phạm Viết Tuấn cho biết: “Từ những bạn trẻ theo đuổi đam mê, chúng tôi muốn được vươn xa hơn nữa trong bầu trời nghệ thuật. Đó là lý do Đội múa quyết định tham gia Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2019. Còn về ý tưởng dàn dựng bài diễn, tôi mong muốn giới thiệu đặc trưng tỉnh nhà, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương với cả nước”.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, với chủ đề “Biển đảo - Trái tim Việt Nam” hội thi múa không chuyên 2019 có sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên múa không chuyên đến từ 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. “Hầu hết các đơn vị dự thi đều có lực lượng đồng đều, chuyên môn tốt nhờ qua đào tạo bài bản. Riêng Đồng Tháp, do Đội múa đa phần là cộng tác viên được tuyển chọn từ phong trào nghệ thuật quần chúng nên không được đánh giá cao. Tuy nhiên, kết quả mà Đoàn đạt được là thành công ngoài mong đợi. Thành quả này ghi nhận sự nỗ lực và quyết tâm của các thành viên Đội múa...” - bà Oanh nhận xét.

Có thể nói, với những tiết mục được dàn dựng công phu, sáng tạo, Đội múa Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân ở địa phương và gây ấn tượng tại các hội thi, hội diễn toàn quốc. Bằng tâm huyết, lòng đam mê mãnh liệt của các bạn trẻ, tin rằng, điệu múa Đất Sen hồng sẽ còn vươn xa!.

Phước Lộc

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/van-hoa/vuon-xa-dieu-mua-sen-hong-89061.aspx