Vườn tuổi thơ bên hồ Hoàn Kiếm

Thủa bé, nhà tôi ở phố Hàng Dầu gần phố Lý Thái Tổ nơi có Ấu trĩ viên (Vườn trẻ con). Trong ký ức của tôi Ấu trĩ viên là một nơi có rất nhiều cây cổ thụ, nằm phía bờ đông hồ Hoàn Kiếm. Ở đấy có đu thuyền, sau những giờ học tập chúng tôi thường đến chơi đu, nhún đu rất hăng say và bạo dạn. Mỗi khi đứng nhìn bạn nhún đu đến lượt mình sẽ được lên đu, lòng tôi náo nức muốn cùng chiếc đu bay cao như cánh chim vượt gió… Tuy ham thích như vậy mà sao chúng tôi lại rất nhớ lời anh chị phụ trách không được đánh đu cao vượt xà ngang sẽ nguy hiểm. Cả thời thơ ấu chơi đu, tôi chưa thấy một tai nạn nào xảy ra ở Ấu trĩ viên, lạ thế đấy?

Ấu Trĩ Viên xưa

Giờ đây nhớ lại những hình ảnh bên cây đu ngày ấy, tôi còn như thấy thấp thoáng bóng hình của một anh thiếu niên cao gầy, một người nhún đu rất giỏi. Anh ấy là Hoàng Tam Hùng. Mỗi khi nhìn thấy anh lên đu, chiếc đu bay lượn thành một đường bán nguyệt trên không trung, bạn bè lớn nhỏ đều vô cùng thán phục. Thế rồi chẳng bao lâu đến những ngày hè năm 1965 chúng tôi phải tạm biệt tuổi thơ, tạm biệt Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội - Ấu trĩ viên yêu quý. Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bùng nổ khắp đất nước, chúng tôi phải lên đường đi sơ tán. Có ngờ đâu, ngày chúng tôi biết được tin tức về người thiếu niên dũng mãnh năm xưa, anh Hoàng Tam Hùng, lại là tin anh đã thành liệt sĩ! Anh Hoàng Tam Hùng là anh hùng phi công đã chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm máy bay B52 của không lực Hoa Kỳ đánh phá Thủ đô Hà Nội. Anh đã anh dũng chiến đấu giữa vòng vây máy bay địch, bắn hạ một chiếc máy bay và hi sinh trên bầu trời Hà Nội vào đêm 29/12/1972. Chẳng hiểu sao mỗi khi tôi đi qua Cung Thiếu nhi Hà Nội (36 Lý Thái Tổ) bây giờ, cảnh cũ (cây đu và bể bơi, những cây cổ thụ...) đã không còn, mà hình bóng anh Hoàng Tam Hùng dường như vẫn ẩn hiện trên sân chơi ấy.

Xưa, Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội còn có cả chuồng nuôi khỉ, nuôi chim. Rất nhiều lần chúng tôi đã đứng chơi và trò chuyện với những con vật đáng yêu ấy. Tôi nhớ nơi gần chuồng chim, chuồng khỉ dưới những bóng cây cổ thụ lại là nơi các bạn đội Mỹ thuật (lớp vẽ) thường bày giá vẽ để tạo ra những bức tranh ngây thơ non nớt của mình. Tôi nhớ trong các cô bé, cậu bé đứng, ngồi mê mải đưa bút vẽ cảnh trời mây bao la trên trang giấy trắng có cả cậu bé Lưu Quang Vũ. Nhà anh Vũ ở phố Huế, anh vẫn thường lên tầu điện ở bến đỗ trước cổng chợ Hôm và xuống tầu ở chỗ tháp Hòa Phong rồi đi bộ băng qua vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) để đến câu lạc bộ. Ngày ấy các bậc phụ huynh chẳng bao giờ đưa đón con đi sinh hoạt câu lạc bộ. Những cậu bé, cô bé 12, 13 tuổi cứ mạnh bạo bước lên trên đường phố, lên tầu điện “leng keng”, hân hoan đi tìm niềm vui và bao điều mới lạ ở một nơi được gọi “Lâu đài văn hóa - Thế giới của tuổi thơ - Ngôi sao quàng khăn đỏ”…

Tôi nhớ Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội có một hội trường nhỏ chỉ là ngôi nhà một tầng bên bể bơi nơi có giàn hoa tigon nở tưng bừng. Nơi ấy chúng tôi đã được nhạc sĩ Phong Nhã dạy những bài hát mới sáng tác của ông như Đội ta lớn lên cùng đất nước. Tôi không phải là người sinh hoạt thường xuyên ở đội Nghệ thuật (hát múa), chỉ khi nào cần hát đồng ca đông người thì tôi được gọi tham gia. Các thế hệ sau chúng tôi, sau năm 1975 đội Nghệ thuật (hát múa) vang danh với các danh ca Thanh Lam, Hồng Nhung. Tôi nhớ, đã từng được xem và nghe Hồng Nhung hát bài Em như chim bồ câu trắng vào lúc ca sĩ mới độ 10, 11 tuổi cất cao giọng hát non tơ trên sân khấu Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Đối với tôi Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội chính là thư viện đầu tiên tôi được đến đọc sách. Mỗi lần có dịp đi qua góc phố nằm ở ngã ba đường Lý Thái Tổ gặp đường Lê Lai, nơi có một cổng phụ của Cung Thiếu nhi Hà Nội, tôi lại ngước mắt nhìn lên thềm cầu thang gạch cũ. Nơi ấy có nếp nhà mái vòm đựng những lá khô rơi nằm nép mình dưới bóng cây cổ thụ và những giàn hoa lâu năm. Cảnh đẹp ấy hình như tự thủa ấu thơ của tôi cho đến bây giờ vẫn không thay đổi, chỉ cũ kỹ hơn, cây cối già nua đi mà thôi. Nơi ấy chính là nơi tôi được đến phòng đọc sách đầu tiên. Thủa bé tôi là một đứa trẻ con nhà nghèo, từ khi học tiểu học tôi đã biết đan len, đan túi sợi kiếm chút tiền mua rau cho mẹ... Nhà tôi gần hiệu sách Bờ Hồ, mỗi khi đi qua, tôi cứ đứng nhìn vào tủ kính ngắm nghía những cuốn sách Kim Đồng mới với hình vẽ sinh động, với những tên sách gợi mở một chân trời xa xôi hay một truyện ly kỳ từ nghìn năm trước… Đất rừng phương Nam, An Dương vương xây thành ốc… Tuy lòng khát khao được đọc mà không có tiền mua, tôi cũng không dám đòi mẹ mua vì biết mẹ tôi ít tiền lắm, làm gì có tiền mua sách!

May thay, tôi được các anh chị phụ trách thiếu nhi cấp thẻ đọc sách và chỉ chỗ đến phòng đọc sách trong Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội. Tôi là một đứa trẻ thường đến phòng đọc sách muộn. Bởi những buổi chiều sau giờ học tôi còn phải làm cho xong một sản phẩm như cái túi hay cái gấu áo len… thì mới được đi chơi (nghĩa là đi đến phòng đọc sách). Người trông nom thư viện thiếu nhi ngày ấy là cô Xuân Trường. Cô có dáng người cao thanh mảnh, tóc dài đen mướt cặp gọn phía sau lưng buông xuôi óng ả. Mỗi lần đến đọc sách, cô dường như không hề giục giã tôi trả sách sớm mà có lúc cô đã nán lại thêm thời gian chờ tôi đọc hết trang cuối cùng. Mỗi khi mang sách trả cô, tôi thường ngước lên nhìn nét mặt thanh nhã tươi sáng của cô với ánh mắt như để nói lời cám ơn.

Từ những cuốn sách mỏng, tôi thích khám phá những cuốn sách dày. Đọc những cuốn sách dày phải lâu hơn, nhiều thời gian hơn. Tôi lại không muốn làm phiền cô Trường nên tìm cách đọc mỗi buổi vài chục trang, khi hết giờ, tôi đứng dậy trả sách ngay, để hôm khác sẽ đọc tiếp. Một hôm, tôi đọc nốt phần cuối cùng của một cuốn sách dày. Chỉ một lát sau khi tôi nhận sách, đã đứng dậy trả sách để mượn cuốn khác. Khi ấy phòng đọc sách thường đông trẻ con đọc sách, nên cô Trường không nhớ ai đã mượn cuốn sách gì, đọc mấy ngày? Cầm cuốn sách trên tay, cô Trường ngạc nhiên hỏi tôi :

- Cuốn sách dày thế này, mà em đọc mười phút đã xong rồi à?

- Dạ, vâng, em đọc xong rồi ạ, em muốn mượn cuốn khác.

Cô Trường lắc đầu, nét mặt thanh tú của cô chợt hiện ra vẻ nghiêm khắc:

- Cô không thể cho em mượn sách mà chỉ đọc lướt qua, hay chỉ xem hình vẽ.

Ôi, tôi đỏ mặt lên và cảm thấy một chút tự ái, giọng đã hơi nghẹn ngào:

- Dạ, em đọc trong nhiều ngày ạ.

Cô Trường dịu giọng xuống nhưng vẫn nghiêm nghị:

- Thôi được, nếu em đã đọc xong, em phải kể lại tóm tắt truyện em vừa đọc cho cô nghe.

Cuốn sách tôi vừa say sưa đọc mấy buổi chính là cuốn Robinson Crusoe (tác giả Daniel Defoe, bản dịch của Hoàng Thái Anh), một truyện khá là dài và nhiều tình tiết. Tuy thế, không hiểu sao tôi rất bình tĩnh không hề run rẩy từ từ kể lại cho cô nghe tóm tắt câu chuyện. Có lẽ tôi kể cũng khá hấp dẫn đến nỗi các bạn đã đọc sách trong phòng cũng ngước lên lắng nghe. Khi tôi kể xong, cô Trường mỉm cười trìu mến lắm và dịu dàng nói:

- Được rồi, tốt lắm, nào bây giờ em muốn mượn cuốn gì?

Lúc ấy tôi cảm thấy sung sướng và thoáng chút tự hào như một học trò vượt qua một kỳ thi khó. Chắc cô Xuân Trường chẳng hề nhớ câu chuyện này, và cũng không thể ngờ rằng, cô bé quàng khăn đỏ khi xưa đã vượt qua thử thách của cô, đứng kể lại một cuốn sách dày đã đọc, cô bé đó đã lớn lên với những trang sách, lớn lên với những buổi đọc sách êm đềm thanh tĩnh trong tiếng chim hót mùa xuân và tiếng lá khô rơi nhẹ trong mùa thu cũ. Và, chính tôi cũng chẳng ngờ rằng những thói quen tập đọc sách, tập tưởng tượng và ghi nhớ những hình ảnh từ cuốn sách, tập suy nghĩ từ những sự việc, câu nói trong cuốn sách; những cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn, suy tư, thắc mắc… từ những ấn tượng của sách đã đọc cứ theo mình mãi mãi, suốt cuộc đời.

Không chỉ đối với riêng tôi mang trong mình một niềm biết ơn với Câu lạc bộ thiếu nhi - Cung Thiếu nhi Hà Nội, biết ơn phòng đọc sách đầu tiên của cuộc đời mình. Cung Thiếu nhi Hà Nội đã là nơi chắp cánh ước mơ của các thế hệ tinh hoa không chỉ của riêng Thủ đô Hà Nội mà là của cả nước. Xung quanh hồ Hoàn Kiếm ngàn tuổi có nhiều di tích lịch sử quý giá như: Tháp Bút, Đài Nghiên, tháp Hòa Phong, đền Vua Lê, đền Bà Kiệu… và còn có một Ấu trĩ viên! Từ một nơi chỉ dành cho con em của người Pháp và con em các công chức phục vụ chế độ thực dân, sau Cách mạng tháng Tám Ấu trĩ viên đã là đại bản doanh của Đoàn Thanh niên cứu quốc và Hội Nhi đồng cứu quốc Hà Nội. Từ nơi ấy biết bao hoạt động phong trào thanh thiếu nhi lan truyền khắp toàn thành phố góp phần ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ. Từ 1954, Ấu trĩ viên trở thành Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội là một vườn ươm tuổi thơ của các anh hùng, các nhà khoa học, các nghệ sĩ tài danh cho đất nước… Nơi ấy rất xứng đáng là một di tích lịch sử của tuổi thơ các thế hệ lớn lên từ mùa thu Cách mạng tháng Tám 1945. Những dòng ký ức của tôi chỉ là một tiếng nói bé nhỏ cất lên ước mơ mong muốn mảnh đất thiêng liêng ấy mãi mãi là bảo tàng tuổi thơ Hà Nội.

Nhà văn Lê Phương Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vuon-tuoi-tho-ben-ho-hoan-kiem-83974