Vươn tới tầm nhìn kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á

Trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) là tiền đề quan trọng để Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị. Với trọng tâm đặt sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo từ góc độ thiết kế, vào trung tâm chiến lược và chính sách phát triển bền vững, Hà Nội đang phấn đấu trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.

Không gian làm việc chung tại không gian sáng tạo Creative lab by up (Lương Yên, Hai Bà Trưng).

Đánh thức tiềm năng, lợi thế

Là nơi gặp gỡ Đông - Tây, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng với hệ thống di sản dày đặc, cơ sở hạ tầng văn hóa phong phú, mạng lưới làng nghề thủ công rộng khắp cùng cộng đồng sáng tạo mới mẻ. Tiềm năng, lợi thế này đưa Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội.

Ở một khía cạnh khác, thiết kế sáng tạo cũng là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng có cho thành phố, thể hiện qua cách lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai.

Với việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đang gấp rút xây dựng, triển khai kế hoạch hành động trung và dài hạn nhằm khai thác hiệu quả năng lực sáng tạo, đẩy mạnh hơn nữa vai trò của văn hóa và sáng tạo trong đời sống, từ đó tạo nên những thay đổi chiến lược trong 20 năm tới.

Tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, thành phố có nhiều sáng kiến để cung cấp nền tảng vững chắc cho tri thức sáng tạo phát triển, trong đó tập trung vào các chiến lược cốt lõi, gồm: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo; xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo; dự án chuỗi truyền hình tài năng sáng tạo... Ở đó, Trung tâm thiết kế sáng tạo chính là nơi ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Việc xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo nhằm đánh thức tiềm năng, lợi thế, hình thành nên mạng lưới không gian sáng tạo phong phú và hấp dẫn.

“Đơn cử như, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ được điều chỉnh phù hợp để kết nối không gian đi bộ với các địa danh văn hóa gần đó, như: Phố bích họa Phùng Hưng, khu phố cổ - phố cũ, phố ẩm thực, các di tích văn hóa - lịch sử..., đồng thời tích hợp thiết kế sáng tạo, thủ công và nghệ thuật, đưa không gian này trở thành điểm đến của nghệ thuật sắp đặt, biểu diễn, tổ chức các hoạt động sáng tạo chất lượng”, bà Phạm Thị Lan Anh cho biết.

Tương tự, thành phố đang ấp ủ hình thành khu chuyên dụng, là tổ hợp trưng bày, triển lãm, làm việc chung, thậm chí là tổ chức sự kiện về thiết kế sáng tạo. Khu vực này được dự tính nằm liền kề sông Hồng, kết nối với khu phố cổ bằng một nhánh sông, tạo điểm đến hấp dẫn, thi vị cho du khách quốc tế và người dân địa phương khám phá sự khéo léo của các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà thiết kế.

Kết nối sáng tạo vì con người

Ngoài những phần việc trên, Hà Nội cũng nỗ lực xây dựng các chương trình, dự án hướng tới các mục tiêu của mạng lưới ở cấp độ quốc tế, như: Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội với sự kiện tôn vinh, quảng bá những đổi mới trong thiết kế sáng tạo của Hà Nội và trên toàn cầu; diễn đàn mạng lưới các thành phố sáng tạo Đông Nam Á, như một kênh trao đổi kiến thức, hỗ trợ, hợp tác giữa các thành phố sáng tạo trong khu vực... Ngân sách dự toán cho các kế hoạch này ước tính lên tới hàng triệu USD.

Em Lê Võ Thùy Dương (Tổ chức workshop và chia sẻ các ứng dụng nghệ thuật trong phát triển cá nhân) hồ hởi nói: "Kế hoạch hành động của Hà Nội mở ra nhiều kỳ vọng với đội ngũ thực hành thiết kế sáng tạo, góp phần nuôi dưỡng tài năng, kích thích năng lực sáng tạo, hứa hẹn tạo nên hệ sinh thái sáng tạo đậm đặc, phong phú và hấp dẫn".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc thành phố nhấn mạnh vào các hoạt động giáo dục, tương tác, hỗ trợ trong kế hoạch hành động là hướng đi đúng đắn, giúp Hà Nội đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là nền tảng để nâng đỡ, khai mở, làm giàu thêm các tài nguyên, từng bước đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo tại Đông Nam Á. Những kế hoạch này cần được triển khai nhanh chóng, đồng bộ với một ban điều phối trực thuộc thành phố, để có báo cáo kết quả đầu tiên vào năm 2023 gửi UNESCO.

Hà Nội mang trong mình mạch nguồn sáng tạo vô tận cùng tinh thần đổi mới và năng động. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Với việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Thủ đô có bước tiến thuận lợi trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa cũng như gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.

Từ dấu mốc này, thành phố sẽ tạo mọi điều kiện nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng, từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và đề xuất, hướng đến mục tiêu trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi toàn thể nhân dân cùng chung tay xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo của UNESCO, để Hà Nội không chỉ dừng lại ở sự góp mặt với tư cách một thành viên, mà xa hơn là trở thành sứ giả, cầu nối cho sự đồng lòng vì một tương lai phát triển bền vững.

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/954396/vuon-toi-tam-nhin-kinh-do-sang-tao-cua-dong-nam-a