Vươn tới Nga, Pháp bất ngờ đảo chiều quân sự Mỹ - EU?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Liên minh châu Âu EU tăng cường hợp tác quân sự, ngừng dựa vào Mỹ về vấn đề quốc phòng, và tiếp cận Nga để phát triển một 'quan hệ đối tác chiến lược'.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Liên minh châu Âu EU tăng cường hợp tác quân sự, ngừng dựa vào Mỹ về vấn đề quốc phòng, và tiếp cận Nga để phát triển một "quan hệ đối tác chiến lược".

Trong một bài phát biểu trước các đại sứ Pháp vào ngày 27/8, ông Macron đã chỉ trích ông Trump là một đối tác "không đáng tin cậy" và đã "quay lưng lại" với chủ trương đa phương hóa - "được xây dựng bởi các cường quốc phương Tây kể từ Thế chiến II – bằng những hành động như rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu toàn cầu và thỏa thuận hạt nhân của Iran.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn thúc đẩy quan hệ với Nga.

Tổng thống Pháp cho biết ông sẽ đưa ra những đề xuất mới trong những tháng tới để EU tăng cường hợp tác quốc phòng, cũng như đối thoại với Nga về mối quan hệ an ninh của họ.

Ông Macron phát biểu trước khoảng 250 nhà ngoại giao, các nhà lập pháp và các chuyên gia quan hệ quốc tế rằng: "Châu Âu không còn có thể dựa vào Hoa Kỳ về an ninh của mình. Chúng tôi phải tự đảm bảo an ninh châu Âu và chủ quyền châu Âu".

Ông Macron cũng kêu gọi châu Âu xây dựng một "quan hệ đối tác chiến lược" với Nga, vượt lên những khác biệt với Điện Kremlin về Ukraine, Syria và các vấn đề khác. Tuy nhiên, ông Macron cũng nói rằng, Moscow trước hết phải có động thái hướng tới chấm dứt xung đột giữa lực lượng li khai thân Nga và Kiev ở miền đông Ukraine.

Những phát biểu của ông Macron theo sau lời kêu gọi của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vào tuần trước về việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các nước EU, nói rằng, người châu Âu nên "chia sẻ trách nhiệm công bằng" và "tạo nên một đối trọng" với Washington trên thế giới khi quan hệ châu Âu - Mỹ đang suy giảm.

Pháp và Đức đều ủng hộ ý tưởng thành lập một lực lượng phản ứng chung châu Âu vào năm ngoái và đã công bố kế hoạch cùng phát triển một máy bay chiến đấu.

Tuy nhiên, chưa rõ các thành viên Đông Âu của EU có chung lập trường này hay không.

Ngoại trừ Pháp và Anh, tất cả các thành viên châu Âu khác trong NATO đều được bảo vệ dưới chiếc ô hạt nhân của Mỹ kể từ Thế chiến II.

Liên minh NATO cũng đặc biệt quan trọng đối với các thành viên như Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic. Các nước này đã kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện tại đất nước họ kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimean năm 2014.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/vuon-toi-nga-phap-bat-ngo-dao-chieu-quan-su-my-eu-360347.html