Vườn thơ: Người muôn năm cũ trong vườn thơ Vũ Đình Liên

Cứ mỗi năm hoa đào nở cho mùa xuân theo gót trở về, là tâm hồn người như có luồng gió mới, bỗng trở nên xốn xang, rạo rực, đón chờ cái Tết cổ truyền, đang thập thò đến ở đâu đây.

Ông đồ

Ông đồ

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm;

Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy,

Qua đường không ai hay.

Lá vàng rơi trên giấy;

Ngoài trời mưa bụi bay.

Năm nay đào lại nở,

Không thấy ông đồ xưa.

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Từ những chợ quê, đến phố phường, nhất là ở chốn kinh kỳ, lại xuất hiện hình ảnh ông đồ ngồi trên tấm chiếu, viết thuê câu đối, nhằm đáp ứng phong tục: “Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh - thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ”:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

Hình ảnh hoa đào nở, không hiện lên trực diện, làm nền cho bức tranh mà chỉ thấp thoáng đâu đó, qua lời gợi kể, làm điểm tựa về không gian và thời gian để tái hiện hình ảnh ông đồ già. Tác giả cũng không khắc họa bức chân dung ông đồ già, nhưng không hiểu vì sao, dáng vẻ ông đồ chăm chú, cắm cúi xuống tờ giấy đỏ, múa ngọn bút lông, thảo những nét chữ như “phượng múa rồng bay” và hồn ông cũng như bay lên cùng con chữ, cứ hiện lên trong ta, rõ mồn một:

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay

Chữ Hán, vốn là loại chữ tượng hình, qua tay những nhà nho tài hoa, sáng tạo ra kiểu chữ thảo mà ta quen gọi là “thư pháp”, chẳng khác nào những bức tranh, đã đem đến vẻ đẹp hào hoa, tô điểm cho mỗi căn nhà trong dịp tết. Đây là một món ăn tinh thần, không thể nào thiếu được trong ngày tết cổ truyên, nhất là đối với những gia đình quyền quý. Có lẽ vì thế mà mọi người nô nức xúm quanh ông đồ, thuê viết và khen ngợi tài năng:

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài.

Nhưng mọi thứ trên đời, đều có quy luật thịnh - suy của nó. Khi Nho học còn chiếm địa vị độc tôn, thì thư pháp và ông đồ còn được coi trọng. Nhưng khi đạo Nho rơi vào cảnh úa tàn: “Đạo học ngày nay đã chán rồi/ Mười người đi học chín người thôi/ Cô hàng bán sách lim dim ngủ/ Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi”... (Tú Xương) thì vai trò của bút lông và thư pháp cũng bị hạ bệ. Mọi kẻ sĩ đều “vứt bút lông đi giắt bút chì”. Do đấy khách thuê viết ngày càng thưa vắng dần:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Câu hỏi như một nỗi niềm khắc khoải, tiếc nuối, đào xoáy vào lòng người và cũng là lời thông báo về tình trạng suy tàn của đạo Nho. Sự suy tàn ấy như thấm vào cả những vật vô tri, được thể hiện qua hình ảnh nhân hóa:

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…

Những tờ giấy đỏ rực rỡ, xưa kia nâng đỡ những niềm vui, nay như cũng nhuộm nỗi buồn phai nhạt. Mực nho, vào cái thời ông đồ đắt khách, phải mài luôn tay mà nghiên vẫn cạn, nay đọng đen xỉn lại, vì ngọn bút lông vẫn còn khô. Nghiên mài mực như cũng mang nặng nỗi sầu nhân thế. Dấu ba chấm cuối dòng thơ như muốn mở vào lòng người đọc biết bao điều suy tư mà thi nhân không nói hết. Hình ảnh ông đồ như là chứng nhân tội nghiệp của Nho học trong cái thời lao xuống dốc của nó:

Ông đồ vẫn ngồi đấy,

Qua đường không ai hay.

Đúng như nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận xét: “Ông chính là cái di tích, tiều tụy đáng thương của một thời tàn”. Thư pháp, sản phẩm của nền Nho học, khi thịnh thì khách xúm vào nâng niu, trân trọng, nhưng khi suy thì mọi người quay mặt, không thèm nhìn ngó, thói đời là như thế! Cho nên cũng vẫn là hình ảnh tờ giấy đỏ, nhưng luôn biến hóa theo chiều đi xuống. Nếu như trên kia đã nhuộm màu tàn phai, thì giờ đây còn chứa đựng sắc vàng tàn lụi, gợi sầu, gợi thảm:

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Hình ảnh ông đồ buồn rười rượi, lặng lẽ, nhìn lá vàng rụng rơi, cùng với tờ giấy đỏ, bút lông, mực tàu, như bị nhòe đi trong mưa bụi sao mà thảm thương đến thế! Đây cũng là cảnh thương tâm của nền Nho học. Hình ảnh thơ cũng là tiếng khóc thầm lặng mà xót xa cho cái cảnh thương tâm đó, được thi nhân gửi vào.

Hình tượng ông đồ già, được thể hiện qua kết cấu tương phản, song trùng với hình ảnh hoa đào, theo chiều đi xuống:

Năm nay đào lại nở,

Không thấy ông đồ xưa

Đào lại nở theo tiếng gọi của mùa xuân, như một sự ngẫu nhiên, vô tình, khi nền Nho học đã mang theo ông đồ già ra đi, như khêu gợi một điều gì. Cảnh còn mà người trống vắng, đường phố quạnh hiu. Hình ảnh ông đồ múa bút, thổi hồn vào con chữ cho nó bay lên, mới hôm nào như vẫn đấy, thế mà giờ đây đã thành chuyện xưa, thành người của ngày xưa, của muôn năm cũ, thì thương xót biết bao nhiêu!

Bài thơ kết thúc bằng một câu hỏi nhưng ý thơ lại mở vào lòng người đọc những điều băn khoăn trăn trở mãi không thôi:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Vào cái thời Nho học cùng với chữ Hán suy tàn, những người trong phái tân học “xúm nhau lại chế giễu họ quê mùa, mạt sát họ hủ lậu”, thì nhà thơ Vũ Đình Liên đã có sự cảm thông sâu sắc với họ. Vì vậy mà nhà văn Hoài Thanh cho rằng: “Bài thơ của người (Vũ Đình Liên), có thể xem là một việc nghĩa cử” và “ít khi có một bài thơ bình dị mà cảm động như vậy”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/vuon-tho-nguoi-muon-nam-cu-trong-vuon-tho-vu-dinh-lien-4055140-b.html