Vườn sum xuê trái, sao du lịch nông nghiệp vẫn 'ngái ngủ'?

Những vườn nhãn lồng ngọt lịm ở Hưng Yên; nông trường Mộc Châu xanh mướt ở Sơn La; làng rau tự trồng Trà Quế ở Quảng Nam; vườn hoa, dâu tây lãng mạn ở Đà Lạt hay miệt vườn đầy những đặc sản cây trái ở Đồng bằng Sông Cửu Long…đang có xu hướng trở thành những điểm đến mới rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhưng những làng quê, địa danh 'hoa thơm, trái ngọt' vẫn còn 'ngái ngủ'. Vì sao vậy?

Những năm gần đây, ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) ngày càng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Ảnh: IT.

Việt Nam là đất nước nông nghiệp, 70% dân số làm nông nghiệp. Với truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời gắn với nền văn minh lúa nước. Do có thế mạnh là sự đa dạng về đới khí hậu, đất đai nên nền nông nghiệp cũng phong phú với nhiều sản vật, đặc sản, phong cảnh nên thơ, hữu tình…

Những đồi chè xanh mướt ở cao nguyên Mộc Châu là 1 trong những địa điểm ưa thích trãi nghiệm của khách du lịch.

Việc khai thác các loại hình nông nghiệp tại các vùng nông thôn, miệt vườn, khu chăn nuôi đang mở ra một cơ hội lớn về du lịch, mang lại giá trị gia tăng lớn về kinh tế cho cả hai lĩnh vực là nông nghiệp và du lịch.

Bất tiện vì thiếu…nhà vệ sinh

Tuy nhiên, sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ là 2 vấn đề được đặt ra, có ý nghĩa quyết dịnh đến thành bại trong phát triển mô hình du lịch nông nghiệp. Bởi từ trước tới nay, người nông dân vẫn chỉ quen làm nông thuần túy, không có kỹ năng làm du lịch. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều khó khăn nhất.

Khu khách nước ngoài, nhất là khách đến từ Âu, Mỹ rất thích thú khi được trãi nghiệm làm nông dân trồng rau hữu cơ ở làng rau Trà Quế, TP Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Nguyễn Tuấn Travel.

TS.Ngô Kiều Oanh – Giám đốc Nông trại Đồng quê Ba Vì (Hà Nội) cho biết: “Thời gian qua, tại nhiều địa phương, các tổ chức, cá nhân đã bắt tay vào đầu tư, khai thác du lịch nông nghiệp (DLNN). Một số tour điển hình đã trở thành thương hiệu thu hút du khách như: tour du lịch mùa lúa chín ở làng cổ Ðường Lâm (Hà Nội), thăm mô hình làng quê Yên Ðức (Quảng Ninh), thăm quan làng tranh dân gian Ðông Hồ (Bắc Ninh), nông trường Mộc Châu (Sơn La), làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam), hay du lịch miệt vườn, chợ nổi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long…

Những vườn chôm chôm trĩu quả của miệt vườn Thị xã Bình Minh, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đang thu hút nhiều du khách tới thăm quan, trãi nghiệm. Ảnh: IT.

Theo bà Oanh, hiện nay tại Việt Nam dù có tiềm năng về DLNN nhưng nhìn chung còn phát triển một cách lẻ tẻ, chưa có sự liên kết mật thiết giữa những người làm DLNN với nhau để tạo nên một hệ thống chuẩn. Sự liên kết đó không tùy thuộc vào mỗi cá nhân hộ kinh doanh nhỏ lẻ mà phụ thuộc chính vào chính sách của nhà nước để liên kết các hộ kinh doanh này lại.

Vụ trưởng Lữ hành, Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL) Nguyễn Quý Phương cho rằng, hầu hết các hoạt động DLNN vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đơn điệu, trùng lặp; sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn và chưa được chú trọng về thương hiệu.

Những vườn dâu tây trồng theo quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng) luôn là địa chỉ được du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Ảnh: Văn Long (Danviet).

Bà con nông dân vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp mà chưa có đủ các kỹ năng phục vụ du lịch. Phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản mà chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ khác.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quý Phương, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm DLNN cũng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nhiều nơi thậm chí không có nhà vệ sinh. Thêm nữa, tính liên kết giữa điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành còn hạn chế, dẫn tới khả năng thu hút khách không cao.

Cách gì để đánh thức du lịch nông nghiệp?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam bày tỏ ý kiến: Để phát triển mô hình DLNN, về giải pháp chính sách, ngành Du lịch và Nông nghiệp đã phối hợp xây dựng, triển khai xây dựng mô hình Quốc gia phát triển Du lịch Nông nghiệp gắn với mô hình xây dựng nông thôn mới.

Du khách châu Âu trãi nghiệm việc làm nông nghiệp với chuyện cày bừa ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). Ảnh: Nguyễn Ngọc Trâm.

DLNN đặc biệt, chú trọng khai thác bản sắc văn hóa vùng miền, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. “Nếu chúng ta biết làm chính sách tốt, thúc đẩy người nông dân thì người nông dân sẽ làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch cho đất nước và đồng thời đó cũng chính là sản phẩm sạch của du lịch. Mặt khác, bản thân ngành Du lịch phải tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Như vậy sự liên kết giữa nông nghiệp và Du lịch hết sức quan trọng…”, ông Thọ khẳng định.

Trước sức ép về đô thị hóa, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, việc phát triển sản phẩm DLNN trên nền tảng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao cần được xác định sẽ là hướng đi chủ đạo.

Bên cạnh mang lại thu nhập cao cho người nông dân qua việc bán trái, những vườn quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) còn thu hút nhiều khách du lịch tới thăm quan, trãi nghiệm.

Theo các chuyên gia du lịch, nông nghiệp sinh thái, để tránh các sản phẩm đơn điệu trùng lặp, các địa phương cần xác định được sản phẩm cốt lõi có tính khác biệt, khai thác các yếu tố điểm nhấn mang tính đặc trưng gắn với khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống bằng các dịch vụ nhỏ gọn nhưng tinh tế, chuyên nghiệp, thân thiện, phù hợp quy mô nông nghiệp nhỏ của Việt Nam…

Nhu cầu đi thăm nông trại, miệt vườn tăng cao

Theo sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, nhu cầu du khách muốn tham quan, trải nghiệm du lịch nông trại, miệt vườn tăng đều từ 20 tới 30% hằng năm. Thời gian qua, phần lớn các hoạt động DLNN mang tính tự phát, manh mún, không được chú trọng về thương hiệu.

Ví dụ: Ở Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) là xã trồng nhiều chôm chôm nổi tiếng với chất lượng ngon, vị ngọt đậm đà được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, khi vào mùa được mùa, chôm chôm bán giá quá thấp nên bà con nghĩ ra làm mứt chôm chôm.

Đến nay, HTX Binh Hòa Phước (Vĩnh Long) có hàng chục ha chôm chôm có chứng nhận GlobalGAP. Ảnh: Phước Sang.

Anh Dương Nguyễn Minh Kha – Phó Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước (Vĩnh Long) cho biết: ban đầu, làm mứt chôm chôm có hạt mùi vị ngon nhưng nếu để lâu sẽ gây biến mùi vị. Vì vậy, chuyển sang làm mứt chôm chôm bỏ hột. Dù mới tung ra thị trường nhưng mứt chôm chôm với vị chua chua, ngòn ngọt thu hút được nhiều người yêu thích. Điều này cùng nghĩa với việc người trồng chôm chôm ở Bình Hòa Phước sẽ không bị quá phụ thuộc vào việc bán trái cây tươi, sẽ có đầu ra ổn định hơn...

Trà Thượng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/vuon-sum-xue-trai-sao-du-lich-nong-nghiep-van-ngai-ngu-911520.html