Vườn quốc gia Tam Đảo bảo tồn đa dạng sinh học

Vườn Quốc gia Tam Đảo (xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đang góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, tạo môi trường sinh thái cân bằng để cho các loài động, thực vật phát triển một cách tự nhiên.

Nhiều nguồn gen quý hiếm được Vườn Quốc gia Tam Đảo bảo vệ tốt

.Ảnh Hải Yến

Vườn quốc gia Tam Đảo đã ưu tiên các nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo tồn cũng như kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước giúp đỡ thông qua các dự án bảo tồn đa dạng sinh học. Vườn chủ động tổ chức và phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành có liên quan, dự án của các tổ chức quốc tế và trong nước thực hiện nhiều cuộc tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sống ven địa bàn quản lý của Vườn quốc gia. Dự án "Xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam giai đoạn II" do Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) tài trợ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 5 khu bán hoang dã, đang thực hiện cứu hộ, chăm sóc cho 182 cá thể gấu theo các quy định của Văn kiện Dự án đã cam kết. Vườn quốc gia Tam Đảo đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch sinh thái ở Suối Kẹm, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và tuyến Giáo dục môi trường kết hợp du lịch sinh thái thung Lũng Chắt Dậu thông qua việc tổ chức thực hiện Đề án phát triển Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Tam Đảo.

Vườn Quốc gia Tam Đảo đã hợp tác triển khai 2 đề tài khoa học về nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc quí ở Vườn quốc gia Tam Đảo; nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen của 3 loài cây dược liệu quý hiếm: Bổ béo đen, Vù hương và lá Khôi tại Vườn quốc gia Tam Đảo. Sau khi triển khai nghiệm thu, các đề tài nghiên cứu khoa học trên đã tạo cơ sở dữ liệu về tình trạng bảo tồn đối với các loài quí hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam; lưu trữ nguồn gen phục vụ công tác nghiên cứu, khai thác và sử dụng bền vững trong tương lai; làm tiền đề phục vụ các chương trình bảo tồn nguồn gen các loài thực vật quí hiếm nói riêng và các loài thực vật ở Tam Đảo nói chung. Đây là cơ sở để tiến tới mở rộng các chương trình trồng rừng, phục hồi rừng góp phần lưu giữ các cây con giống quí có giá trị cao đáp ứng các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Vườn quốc gia Tam Đảo là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với rất nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm, là nơi dự trữ, bảo tồn và phục hồi các nguồn gen phục vụ cho nghiên cứu khoa học, học tập cho các nhà khoa học và sinh viên trong nước cũng như quốc tế. Rừng Tam Đảo còn có nhiều loài cây thuốc quý hiếm là nguồn dược liệu hữu ích cho nhân dân quanh vùng.

Vườn Quốc gia Tam Đảo hiện có 500 loài động vật rừng, trong đó có gần 40% loài cần được bảo tồn, có 1247 loài thực vật với 42 loài đặc hữu và 85 loài quý hiếm nguy cấp cần được bảo tồn.

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở rừng Tam Đảo được gắn với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Vườn quốc gia Tam Đảo đã tập trung làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Toàn bộ diện tích rừng và đất được giao cho các Trạm Kiểm lâm và tổ kiểm lâm cơ động quản lý. Hạt Kiểm lâm đã bố trí cán bộ, giao diện tích quản lý rừng và đất rừng tới từng Trạm, mỗi cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn cụ thể. Cán bộ kiểm lâm đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương, thường xuyên bám dân, bám rừng, nắm chắc ranh giới, địa bàn quản lý và diễn biến rừng, đất rừng trong khu vực; nắm chắc những đối tượng phá rừng, những trọng điểm dễ xảy ra lấn, chiếm rừng, cháy rừng tìm giải pháp để ngăn chặn có hiệu quả. Bình quân mỗi tháng, các Trạm Kiểm lâm tổ chức trên 60 buổi tuần tra. Thông qua các đợt tuần tra truy quét tận gốc, kết hợp với tuần tra bằng công cụ Smart, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện sớm các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng và xử lý kịp thời, mang lại hiệu quả thiết thực, qua đó, cán bộ kiểm lâm cũng nắm chắc diễn biến tài nguyên rừng được giao quản lý, bảo vệ.

Phúc Vĩnh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vuon-quoc-gia-tam-dao-thuc-hien-tot-cong-tac-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-76930