Vươn lên ổn định cuộc sống từ nghề chăn nuôi gà, vịt thịt

ĐTO - Sinh ra, lớn lên ở vùng cù lao, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng với sự năng động, niềm đam mê của tuổi trẻ, thanh niên Lê Thanh Quy (SN 1992) ngụ ấp Trung, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình đã khởi nghiệp thành công với mô hình chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp trồng sả nguyên liệu làm tinh dầu sả. Thành công từ mô hình còn giúp anh Lê Thanh Quy cải thiện kinh tế gia đình, thoát nghèo.

Thanh niên Lê Thanh Quy chăm sóc đàn vịt xiêm lai Pháp

Thanh niên Lê Thanh Quy chăm sóc đàn vịt xiêm lai Pháp

Ba mất sớm, mẹ lại bị bệnh, gia đình thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất nên anh Quy phải nghỉ học, đi làm mướn kiếm tiền để nuôi mẹ già và em trai còn nhỏ. Năm 2016, nhận thấy công việc làm mướn thu nhập không ổn định nên anh Quy tận dụng khoảng đất trống sau nhà để chăn nuôi gà, vịt thịt bán kiếm lời, trang trải cuộc sống gia đình. Ban đầu vốn ít, nên lứa gà, vịt đầu tiên anh nuôi chỉ 150 con. Hằng ngày, để có tiền mua thức ăn cho gà, vịt, anh Quy tranh thủ đi mua gà, vịt giống ở các tỉnh: Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh... về bán lại kiếm lời. Sau hơn 3 tháng nuôi, anh bán lứa gà, vịt đầu tiên, trừ chi phí, anh lời gần 10 triệu đồng. Từ đồng lời này, anh mua thêm con giống về nuôi tiếp tục.

Đến năm 2018, địa phương phát động phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, anh Quy đã mạnh dạn đăng ký khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp trồng sả nguyên liệu làm tinh dầu sả. Được Xã đoàn Tân Quới giới thiệu vay vốn giải quyết việc làm 50 triệu đồng cùng với số tiền tích lũy, anh Quy thuê 7 công đất để nuôi gà, vịt và trồng sả. Anh đã nuôi 2.600 con gà, vịt xiêm lai Pháp và trồng thêm 6 công sả.

Ngoài kinh nghiệm chăn nuôi của bản thân, anh Quy chủ động tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gà, vịt do xã, Huyện đoàn tổ chức, cập nhật thêm kiến thức mới để chăm sóc gà, vịt không để bị bệnh, chết hao hụt. Bên cạnh đó, anh cũng chịu khó nghiên cứu cách giảm chi phí thức ăn để có lợi nhuận cao hơn. Lúc gà, vịt còn nhỏ thì anh cho ăn thức ăn, lúc gà, vịt sau hơn 1 tháng nuôi, anh cho ăn bằng phế phẩm nông nghiệp, các loại rau, củ, quả xay ra trộn với thảo dược...

Với ý chí cần cù, chịu khó, kinh tế gia đình anh Quy ổn định và thoát nghèo. Hiện tại, tổng số đàn gà, vịt của anh gần 3.000 con. Anh Quy chia sẻ: “Nhờ nuôi gà, vịt nên cuộc sống gia đình tôi khá hơn, không còn thiếu hụt như trước, tôi cũng cất được ngôi nhà mới cho gia đình. Ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn nhưng tôi luôn nghĩ nếu mình ngại khó, ngại khổ thì ai sẽ giúp mình thoát nghèo. Chính điều đó, đã nung nấu ý chí giúp tôi kiên trì và thành công như ngày nay. Hướng tới, tôi dự định sẽ thuê thêm đất để mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương; học tập thêm kiến thức mới để chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, giúp sản phẩm được an toàn hơn”.

Anh Nguyễn Văn Tâm - Bí thư Xã đoàn xã Tân Quới, huyện Thanh Bình cho biết: “Thanh niên Lê Thanh Quy là một điển hình trong phong trào khởi nghiệp của xã. Để tiếp sức cho mô hình khởi nghiệp của anh thành công, Xã đoàn tạo điều kiện giới thiệu cho anh vay vốn; dự các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt do tỉnh, huyện tổ chức. Mô hình khởi nghiệp của thanh niên Lê Thanh Quy đã tạo thêm động lực, niềm tin cho thanh niên địa phương phấn đấu phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo. Sắp tới, Xã đoàn giới thiệu mô hình để các thanh niên trong xã có ý muốn khởi nghiệp đến tham quan, học tập kinh nghiệm”.

M.X

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/vuon-len-on-dinh-cuoc-song-tu-nghe-chan-nuoi-ga-vit-thit-90669.aspx