VƯƠN KHƠI CÙNG CỜ TỔ QUỐC: Động lực giúp ngư dân bám biển

Tình cảm của ngư dân đối với chương trình Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển là rất lớn, bởi mỗi lá cờ trên biển là một cột mốc sống mang sức mạnh tinh thần

"Giữa đại dương bao la, thi thoảng nhìn lên lá cờ dẫn tàu rẽ sóng là tôi lại nhớ đến các phóng viên của chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" theo tàu ra khơi. Lá cờ này tôi quý vô vùng, bởi đó là tình cảm người dân cả nước gửi gắm cho chúng tôi" - ông Trần Khắc Thạch (ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), chủ tàu KH99766-TS, chia sẻ.

Kỳ diệu cờ đỏ sao vàng

Nửa tháng trước khi chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" chính thức khởi động vào ngày 1-6-2019, ông Thạch thu xếp cho 2 phóng viên Hoàng Thanh và Đình Thi của Báo Người Lao Động theo tàu ra vùng biển Trường Sa để tìm hiểu cuộc mưu sinh, những khó khăn vất vả của bà con ngư dân.

Tròn 1 năm sau, chúng tôi gặp lại ông Thạch, cũng trên chiếc tàu gắn bó với ông bao năm qua. Lão ngư cho biết những ngày này, ông đang chuẩn bị lương thực, dầu, bạn thuyền để ra khơi và hành trang không thể thiếu là những lá cờ đỏ sao vàng của chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển".

Kể về kỷ niệm cùng chương trình, ông Thạch cười: "Hai anh nhà báo bị sóng dập te tua. Có anh còn ói mửa, nằm bất tỉnh 3-4 ngày khiến mọi người hết hồn. Nhưng khi ra ngư trường, chúng tôi bắt đầu câu cá, không hiểu sao mấy ảnh bật dậy, tỉnh như sáo. Hay thiệt".

Bám biển mấy chục năm nay, ông Trần Khắc Thạch nhớ như in về con tàu trước kia mang số hiệu KH95797. Ngày 9-9-2015, ông cùng 5 thuyền viên đang nghỉ trưa khi đánh bắt tại Trường Sa thì bất ngờ bị một tàu hàng của nước ngoài tông mạnh vào mạn phải làm 2 người trên tàu choáng. Tàu cá bị vô nước nhanh nên ông chỉ kịp thông báo cứu nạn khẩn cấp. May mắn là tàu KH96084 của ông Trần Bè (ngụ tỉnh Khánh Hòa) đánh bắt gần đó ứng cứu kịp, vớt 6 thuyền viên của tàu ông Thạch. "Đến ngày 10-9, có 21 tàu cá của ngư dân trong nước tới ứng cứu tàu của tôi. Và kỳ diệu thay, cờ đỏ sao vàng rợp các tàu, lúc đó tôi biết mình đã được an toàn để trở về" - ông Thạch nhớ lại.

Sau khi được cứu, các ngư dân trên tàu ông Thạch được chuyển sang 6 tàu khác để đưa về bờ. Vụ tai nạn khiến ông Thạch thiệt hại gần 1,3 tỉ đồng, trong đó con tàu 300 CV trị giá khoảng 800 triệu đồng; ngư cụ, lưới, máy móc gần 500 triệu đồng. "Đó là kỷ niệm buồn trong cuộc đời đi biển. Sự sống và cái chết mong manh vô cùng. Nếu không nhờ ngư dân hỗ trợ lẫn nhau, nhờ tổ đội đoàn kết thì có lẽ tôi và thuyền viên không những mất tàu mà còn mất cả mạng" - ông Thạch bùi ngùi.

Theo ông Thạch, hiện nay phải đối diện nhiều khó khăn nên ngư dân rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, đơn giản hóa thủ tục bảo hiểm khi gặp rủi ro trên biển. Hiện nay, thủ tục thanh toán bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên đối với các trường hợp gặp nạn rất nhiêu khê. Ông Thạch cũng cho rằng cần có nhiều hơn nữa những hỗ trợ thiết thực như chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" để tiếp sức, động viên ngư dân an tâm sản xuất, góp phần bảo vệ ngư trường.

Quốc kỳ từ chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” được ngư dân tỉnh Bình Thuận nhận và treo lên tàu

Quốc kỳ từ chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” được ngư dân tỉnh Bình Thuận nhận và treo lên tàu

Cần nhiều nguồn động viên

Mới đây, ông Mai Thành Phúc (chủ tàu KH98246, ngư đội trưởng ngư đội Trường Sa Lớn) cùng con trai Mai Thành Đông (ngụ xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) được lực lượng Hải quân trao tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ an ninh chủ quyền. Anh Đông, hiện là thuyền trưởng tàu KH98246, cho biết cách đây 15 năm, một chiếc tàu của gia đình bị sóng đánh chìm, thiệt hại nặng nề. Dù rất khó khăn nhưng cha anh vẫn cố xoay xở để hôm nay anh tiếp tục đưa thuyền ra khơi, cùng bà con ngư dân một lòng đoàn kết trên biển.

Còn ông Mai Thành Phúc bày tỏ: "Việc đoàn kết ngư dân trên biển là rất quan trọng. Chúng tôi nhắc nhở bà con cùng nhau treo cờ Tổ quốc, vì sắc đỏ - vàng của quốc kỳ thiêng liêng là biểu trưng cho sức mạnh, tinh thần đoàn kết". Vị ngư đội trưởng này còn chia sẻ thêm rằng mỗi lần ra biển, ngư dân đều lấy cờ mà chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" ra treo. Những lá cờ này do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tận tay lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân vào ngày 2-8-2019 để trao lại cho ngư dân tỉnh Khánh Hòa nên bà con rất quý. "Ra biển cả mênh mông, chỉ cần thấy tàu có cờ đỏ sao vàng là trong lòng vui sướng. Biển cả, ngư trường của cha ông bao đời, bây giờ đến lớp chúng tôi kế tục. Tôi sẽ lại truyền tình yêu biển cả lại cho con cháu" - ông Phúc nói.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, thông tin toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 1.300 tàu cá chuyên khai thác xa bờ. Hiện nay, bà con ngư dân, cơ quan chức năng tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các tàu cá thông qua hệ thống giám sát hành trình, thông tin, liên lạc để có hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời. Nhờ có sự hỗ trợ này, đa số tàu của ngư dân tỉnh Khánh Hòa đi Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK1 luôn đi theo mô hình liên kết tổ, đội; không hoạt động đơn lẻ. Mỗi tổ, đội có từ 5-7 hoặc 8-10 tàu đi chung một ngư trường để họ sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.

Cũng theo ông Én, sự đồng hành của cộng đồng xã hội trong đó có chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" là nguồn động lực để ngư dân vững tin tiếp tục cuộc hành trình mưu sinh trên biển.

Trao niềm tin cho ngư dân

Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 3 Cảnh sát biển - nói việc phối hợp với Báo Người Lao Động trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân tỉnh Bình Thuận (vào ngày 12-9-2019) là trao cả một niềm tin để ngư dân vững tâm bám biển. Mỗi lần ra khơi, nhìn thấy lá cờ Tổ quốc, ngư dân càng ý thức hơn việc đoàn kết trên biển. Vậy nên, mỗi lá cờ trên biển là một "cột mốc sống" mang sức mạnh tinh thần rất lớn.

Ngư dân Bình Thuận gắn bó biển Trường Sa

Bình Thuận là một trong ba ngư trường lớn nhất cả nước, ngư dân tỉnh này có truyền thống nhiều đời bám biển Trường Sa. Thời gian gần đây, dù việc khai thác gặp nhiều khó khăn nhưng lớp lớp ngư dân nơi đây vẫn giăng buồm ra khơi.

Nói đến hoạt động khai thác xa bờ hiệu quả của tỉnh Bình Thuận, nhiều người không quên trường hợp gia đình ngư dân Lê Văn Bông ở phường Đức Long, TP Phan Thiết. Gia đình ông có truyền thống 5 đời bám biển, đến ông là đời thứ 4 nối nghiệp tổ tiên. Trong 9 người anh em trai của ông Bông có đến 6 người làm nghề biển, với 5 con tàu. Dù thời gian khai thác ở ngư trường Trường Sa không nhiều bằng một số ngư dân khác trong tỉnh nhưng nhờ biết cải tiến phương thức đánh bắt nên anh em nhà ông nhanh chóng phát triển kinh tế từ biển. 11 năm trước, chiếc tàu 700 CV hành nghề vây rút chì của ông Bông cùng 4 chiếc tàu khác của 6 anh em trong gia đình được nâng cấp, chuyển đổi công năng từ đánh bắt tuyến lộng sang tuyến khơi. Vùng đánh bắt cũng dịch chuyển xa hơn. Các ngư trường của Tổ quốc như quần đảo Trường Sa, khu vực nhà giàn, các bãi cạn… được 5 chiếc tàu của anh em ông khai thác liên tục, đạt hiệu quả cao.

Với gần 7.000 tàu thuyền đang hoạt động, trong đó hơn 1.000 phương tiện có công suất từ 300 CV trở lên được trang bị hiện đại như các tàu của gia đình ông Lê Văn Bông, ngư dân tỉnh Bình Thuận có truyền thống nhiều đời làm giàu từ vùng biển Trường Sa. Tuy còn những vất vả, khó khăn nhưng vượt lên trên tất cả, những con tàu Bình Thuận vẫn ngày đêm vươn khơi bám biển.

H.Phố

Bài và ảnh: Kỳ Nam

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/vuon-khoi-cung-co-to-quoc-dong-luc-giup-ngu-dan-bam-bien-2020060220320293.htm