Vườn hoa trái ngát hương trên biên giới hòa bình

Chúng tôi vào xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) trên con đường không thể 'gian nan' hơn, ấy là đi từ thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi xuyên qua rừng Chư Mom Rai.

Nền đường bằng đá rất chắc chắn, nhưng mặt đường thì chưa lần nào được rải nhựa hay chí ít là đá dăm, lổn nhổn toàn những viên đá "củ đậu", có viên to như gạch xỉ. Đường rừng hun hút, thưa vắng người đi, xung quanh là tiếng chim kêu vượn hú, suối nước gầm gào, không ít lần chúng tôi giật thót tim, cảm thấy lo sợ, nhất là khi mưa rừng xối như thác lũ, đá băng băng trôi xuống dốc.

Vào đến Đồn Biên phòng Ia Lân (đóng quân trên địa bàn xã Mô Rai), các anh mới cho biết hiện tại chỉ có con đường này là đi được. Một đường vòng lên đường tuần tra biên giới và tỉnh lộ 674B đã bị chia cắt hơn tháng nay do lũ quét. Thượng tá Bùi Bảo Hưng, Chính trị viên đồn, động viên: “Đó là con đường Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta nên tự hào, thanh niên ai cũng nên đi trên con đường ấy một lần”. Đường Hồ Chí Minh của Đoàn 559 năm xưa ư? Bao mệt nhọc vơi đi, thay vào đó là niềm xúc động, một tình cảm thật thiêng liêng khi được bước chân trên con đường huyền thoại.

 Vườn cây trái trĩu quả của Đồn Biên phòng Ia Lân.

Vườn cây trái trĩu quả của Đồn Biên phòng Ia Lân.

Đồn Biên phòng Ia Lân được đặt tên theo một con suối chảy từ dãy núi không tên nơi đầu nguồn biên giới chảy vào sông Sa Thầy. Người dân của 12 làng trong xã Mô Rai uống chung nguồn nước này. Và theo lẽ tự nhiên, cái tên Ia Lân đã trở nên thân thiết. Bộ đội ở Đồn Biên phòng Ia Lân cũng vậy, gắn bó như con suối nguồn của người dân nơi đây. Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai Rơ Chăm Huệ nói vui: “Bộ đội Đồn Biên phòng Ia Lân là người nhà đấy! Đã là người nhà thì phải giúp nhau, cùng nhau tiến bộ. Dân tin bộ đội, bộ đội nói gì dân cũng nghe theo. Vì đó toàn những điều có lợi cho dân cả thôi”.

Thoáng chốc, anh em cán bộ trong đồn đã bày lên bàn uống nước bao nhiêu hoa quả thiết đãi khách phương xa là phóng viên chúng tôi từ ngoài Bắc vào. Thấy có đến mấy loại quả chôm chôm, cam, bưởi, mít..., chúng tôi thắc mắc sao các anh mua nhiều thế. Đồng chí chính trị viên cười nói, đó là hoa quả vườn nhà thôi. Chúng tôi cùng ồ lên: "Vườn nhà?", rồi đề nghị anh cho đi thăm. Đi giữa vườn hoa quả ngát hương, trĩu trịt đủ loại cây trái, từ những loại dân dã, dễ trồng như cam, chanh, bưởi, ổi, chuối... đến các loại cây cao cấp như sầu riêng, vú sữa, mãng cầu, mít Thái... Anh Hưng vừa gạt những cành cây lòa xòa trĩu quả che khuất tầm mắt, vừa nói như thể nói với chính mình: “Phải cảm ơn các anh thế hệ đi trước đã cho chúng ta có được quả ngọt hôm nay. Cũng như Đồn Biên phòng Ia Lân vậy, được dân tin yêu, quý trọng cũng nhờ bao nỗ lực, cố gắng vun đắp của anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhiều thế hệ”.

Đại úy Phan Bá Kỳ, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Lân, cho chúng tôi biết: "Vườn cây này không chỉ trồng cho đơn vị lấy quả, mà đây còn là mô hình để người dân vào tham quan học tập. Góc “thị phạm” của đồn còn có mô hình trang trại với 16 con bò, 15 con dê, 30 con heo, 120 con gà, vịt, ngan, ngỗng các loại". Về mô hình xây dựng kinh tế chăn nuôi hộ gia đình này, trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều hoạt động đáng ghi nhận. Theo đó, đơn vị đã trao một con bò sinh sản tặng gia đình A Đại ở làng Kênh để phát triển kinh tế thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng mô hình vườn cao su tiểu điền thành công ở nhiều hộ trong xã; hướng dẫn đồng bào trồng lúa nước, dọn rẫy, trồng sắn… Đồn thành lập năm 2004, đến năm 2006 thì xây dựng cơ bản hoàn thiện. Tiếp đó, trong 5 năm liên tục (2006-2011), đồn đều đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, sau đó là danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới sau khi đạt các thành tích về khai hoang trồng 16ha cao su. Đơn vị cũng tham mưu cho địa phương triển khai tốt các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí (hiện xã Mô Rai đạt 12/19 tiêu chí); tuyên truyền nhân dân loại bỏ các hủ tục lạc hậu; phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc… Thượng tá Bùi Bảo Hưng hào hứng kể: “Thời điểm đồn nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, tôi còn đang công tác ở Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, anh em qua lại ngồi chơi nói chuyện, cứ khâm phục cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lân. Nghe kể những ngày đầu xây dựng đơn vị, anh em tranh thủ cả thứ bảy, chủ nhật để khai phá đất đồi. Ngay trong khuôn viên chính của đồn, bước vào cổng là hai bụi tre ngà, chính giữa cổng là cây sung cổ thụ, quả xum xuê quanh năm, dọc hai bên đường đi lên khu nhà sở chỉ huy là hai hàng me xanh tốt”.

Hôm chúng tôi đến Đồn Biên phòng Ia Lân vô tình mà hữu duyên gặp buổi liên hoan mừng 10 đồng chí được thăng quân hàm và nâng lương. Trong buổi liên hoan có đại diện lãnh đạo Công ty 78 và cấp ủy, chính quyền xã Mô Rai đến chung vui, đặc biệt là có sự hiện diện của 3 anh bộ đội biên phòng Campuchia trên đường đi tuần tra biên giới. Anh trưởng đoàn có cái tên dài khó nhớ, chúng gọi tắt là Kíp. Anh Kíp nói tiếng Việt rất sõi. Anh kể, hai đồn vẫn thường giao lưu với nhau và bộ đội biên phòng Campuchia học hỏi được nhiều điều hay từ anh em Đồn Biên phòng Ia Lân. Vì thế, mỗi khi đi công tác sang bên này, các anh nhất định phải vào thăm đồn!

Vậy là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lân nhiều thế hệ đã giữ gìn được một đường biên hòa bình, ổn định; giành được niềm tin yêu, khâm phục của bè bạn quốc tế và người dân, có một "thế trận lòng dân" vững chắc. Đó là những điều chúng tôi thấy được, không đâu xa, từ ngay chính vườn cây ăn trái của đơn vị.

Bài và ảnh: ĐÔNG ANH - VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/vuon-hoa-trai-ngat-huong-tren-bien-gioi-hoa-binh-550921