Vùng Vịnh tăng nhiệt vì nguy cơ không rõ ràng

Vụ tấn công phá hoại tàu chở dầu ở ngoài khơi UAE; máy bay không người lái tấn công vào đường ống dẫn dầu của Ả-rập Xê-út; Mỹ điều nhóm tàu sân bay và máy bay ném bom đến khu vực vì mối đe dọa không được nêu tên.

Bản đồ khu vực eo biển Hormuz. Ảnh: AP

Bản đồ khu vực eo biển Hormuz. Ảnh: AP

Những sự kiện đang gia tăng sức nóng trên Vịnh Ba Tư trong những ngày gần đây có tiềm năng đe dọa mọi thứ, từ giá dầu đến vận mệnh các quốc gia. Nhưng chưa rõ điều gì đang gây ra hàng loạt sự kiện tác động đến thị trường. Và lý do thực sự khiến Mỹ điều tàu sân bay và máy bay ném bom B-52 đến khu vực là gì.

Cũng trong đợt này, Iran đánh dấu một năm ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân bằng thông báo sẽ dừng tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận. Iran đặt ra thời hạn 60 ngày để châu Âu đưa ra thỏa thuận tốt hơn, bằng không nước này sẽ quay lại làm giàu uranium cấp độ cao, thứ mà phương Tây sợ có thể biến thành bom hạt nhân.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt gần đây bày tỏ lo ngại về rủi ro xảy ra xung đột bất ngờ ở khu vực dù các bên không muốn chiến tranh. Mối đe dọa chính mà ông Hunt nhắc tới là khả năng đối đầu giữa Mỹ và Iran. Khả năng đó bắt đầu tăng ngay từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Mỹ bắt đầu chiến dịch gây sức ép tối đa lên Iran. Họ áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt cũ, bổ sung các biện pháp trừng phạt mới, lần đầu tiên đưa lực lượng vệ binh cách mạng Iran vào danh sách khủng bố và bóp nghẹt Iran bằng cách đe dọa trừng phạt bất kỳ quốc gia nào mua dầu của nước này.

Tình hình dường như trở nên rõ ràng hơn khi có tin 4 tàu chở dầu bị tấn công phá hoại. Một tàu trong số đó mang cờ Na Uy. Nó bị bắn thủng một lỗ bên hông. Một quan chức giấu tên Mỹ cho biết 3 tàu còn lại, gồm 2 tàu chở dầu của Ả-rập Xê-út và 1 tàu của UAE, cũng bị như vậy.

Nhưng giới chức Mỹ và UAE từ chối trả lời có ghi âm với các nhà báo. Ảnh vệ tinh mà hãng tin AP có được cho thấy không có thiệt hại rõ ràng nào đối với những con tàu đó.

Trước đó, một kênh tin tức của Lebanon (ủng hộ Iran) nói rằng cảng Fujairah của UAE đã bốc cháy sau các vụ nổ. Tin tức này nhanh chóng được truyền thông Iran đăng tải lại. Nhưng thông tin này sau đó bị khẳng định là sai. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là kênh truyền hình Lebannon lấy tin đó ở đâu? Cái gì đã phá hoại các con tàu? Và tại sao không ai bị xác định là đối tượng tình nghi thực hiện hành động phá hoại đó?

Hoài nghi dồn về Iran, dù chưa có bằng chứng nào được đưa ra. Cường quốc Hồi giáo dòng Shiite này đang có quan hệ căng thẳng với Ả-rập Xê-út và UAE, hai quốc gia Hồi giáo theo dòng Sunni.

Ông Trump nói với báo giới rằng ông sẵn sàng cử quân đến Trung Đông, nhưng điều đó chưa có trong kế hoạch và hy vọng sẽ không phải lên kế hoạch như vậy. Tại Tehran, lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei nói thận trọng: “Cả chúng tôi và họ đều không tìm kiếm chiến tranh. Họ biết đó không phải lợi ích của họ”.

Nhưng Iran đang dọa đóng cửa Eo biển Hormuz nếu họ không thể bán dầu ra thị trường toàn cầu. Eo biển hẹp này là cửa vào vùng Vịnh, là nơi 1/3 lượng dầu tiêu thụ toàn cầu được vận chuyển qua mỗi năm. Ngoài ra, hơn 30% lượng khí hóa lỏng của thế giới cũng phải đi qua đây. UAE đang phát triển cảng Fujairah với tầm nhìn rằng sẽ tránh phải chở dầu thô qua eo biển Hormuz. Giờ đột nhiên Fujairah trở thành mục tiêu.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/vung-vinh-tang-nhiet-vi-nguy-co-khong-ro-rang-1416054.tpo