Vùng Vịnh cần châu Á

Chính sách an ninh - chính trị của Mỹ vẫn có ảnh hưởng ở Trung Đông nhưng những điểm yếu của nó ngày càng lộ rõ, nhất là sau những cuộc tấn công gần đây vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực.

Theo bài bình luận về vấn đề này trên trang mạng Strafor, có lẽ đã đến lúc các nước vùng Vịnh cần điều chỉnh chiến lược an ninh của mình. Tuy trước mắt khó có nước nào có thể thay thế Mỹ nhưng các nước châu Á, vốn là những đối tác kinh tế chính trong khu vực này, có thể đóng một vai trò quan trọng trong trung và dài hạn. Bài viết cho rằng, việc Washington can thiệp vào các nước Iraq, Ai Cập, Syria, Iran và nhiều nước khác rõ ràng đã không mang lại lợi ích gì cho các nước vùng Vịnh. Mỹ cũng không còn phụ thuộc vào dầu mỏ của khu vực này và đã chuyển hướng phát triển kinh tế từ Tây sang Đông trong hai thập niên qua. Trong khi đó, lãnh đạo các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng như nhiều nước khác liên tục tới thăm các nước vùng Vịnh trong mấy năm trở lại đây nhằm thiết lập quan hệ kinh tế cũng như an ninh.

Trung Quốc là một trong các đối tác làm ăn lớn nhất của các nước vùng Vịnh, chiếm khoảng 35% tổng đơn hàng dầu mỏ bán ra của các nước này. Oman đã cho phép mở cảng làm ăn với hầu hết các đối tác quốc tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Anh. Các thông cáo chung của Ấn Độ, Saudi Arabia và UAE đều đã đề cập đến các đối tác chiến lược giúp củng cố sự ổn định, hòa hợp và hòa bình trong khu vực. Trên thực tế, UAE đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ vào năm 2017, tạo điều kiện cho hai bên tiến hành tập trận hải quân chung lần đầu tiên vào năm 2018. Trong khi đó, Saudi Arabia và Ấn Độ cũng chính thức hóa mối quan hệ song phương bằng việc tuyên bố hai nước là đối tác chiến lược của nhau hồi tháng 2-2019.

Tháng 6-2019, Nhật Bản cũng nỗ lực hòa giải nhằm giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Tuy không thành công nhưng những nỗ lực đó có thể sẽ trở thành thông lệ trong tương lai. Vài ngày sau khi các cơ sở lọc dầu của mình bị tấn công, Riyadh đã yêu cầu Seoul giúp nâng cấp hệ thống phòng không của mình. Pakistan thì cho biết, Mỹ đề nghị nước này xem xét việc hỗ trợ đàm phán giữa họ và Iran…

Tuy nhiên, trong khi sự hợp tác của các nước châu Á về các vấn đề an ninh mềm như chống cướp biển và chống khủng bố diễn ra khá suôn sẻ, thì nỗ lực hợp tác về các vấn đề an ninh cứng liên quan đến việc chống lại các nguy cơ đe dọa từ bên ngoài lại gặp khá nhiều thách thức. Một phần do thiếu sự đồng thuận trong cách nhìn nhận, đánh giá chiến lược chung và sự thiếu lòng tin lẫn nhau giữa các nước tham gia. Tác giả bài viết cho rằng, trong lúc an ninh vẫn là vấn đề nhức nhối, các nước vùng Vịnh nên cân nhắc những lựa chọn để đạt được sự cân bằng chiến lược giữa các nước liên quan cũng như đảm bảo một môi trường an ninh khu vực ổn định hơn. Và như vậy, việc xây dựng một hệ thống an ninh chung do các nước châu Á dẫn dắt rõ ràng là một lựa chọn đáng cân nhắc.

VIỆT KHUÊ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vung-vinh-can-chau-a-623633.html