'Vùng ven' của nền kinh tế số

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đứng ngoài nền kinh tế số hóa.

Chính phủ đã có những động thái quyết liệt trong việc bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng tốc độ số hóa của doanh nghiệp Việt Nam đang diễn ra khá chậm so với các nước trong khu vực.

Thực tế từ IaaS
Năm 2019, Việt Nam sẽ ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tiến hành số hóa quốc gia càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, tốc độ số hóa của doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?

Lâu nay, IaaS (Infrastructure as a service - hay còn gọi là hạ tầng như một dịch vụ) được sử dụng như một thước đo phản ánh khả năng số hóa của các doanh nghiệp tại một quốc gia. IaaS có thể hiểu là để số hóa các quy trình kinh doanh lên internet, các doanh nghiệp phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng như máy chủ, đường truyền... Các công ty IaaS sẽ đứng ra đầu tư với số lượng lớn và bán lại dịch vụ đó cho các doanh nghiệp.

Sau nhiều năm khá trầm lắng, thị trường IaaS Việt Nam gần đây trở nên sôi động hơn ngay sau khi Chính phủ quyết tâm đón đầu cuộc cách mạng 4.0. “Việt Nam là thị trường rất tiềm năng”, Tiến sĩ Chawapol Jariyawiroj, Giám đốc Quốc gia, Amazon Web Services (AWS) Thái Lan và Việt Nam, trả lời khi được hỏi về việc AWS gia nhập Việt Nam. Trước đó, thị trường IaaS ở Việt Nam đã có nhiều đơn vị trong và ngoài nước tham gia như Microsoft Azure, FPT Hi Gio, VCCloud. Ngay cả Aliyun, đơn vị trực thuộc Aliababa (Trung Quốc) cũng đang âm thầm gia nhập thị trường Việt Nam.

Dù Việt Nam đang chứng kiến sự tham gia của nhiều đơn vị IaaS nhưng tốc độ số hóa của các doanh nghiệp nội vẫn đang diễn ra khá chậm so với nhiều nước trong khu vực. Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường IDC, doanh số dịch vụ hạ tầng IaaS của Việt Nam năm 2017 là 31,2 triệu USD. Dự kiến sẽ đạt 100 triệu USD vào năm 2020. Thái Lan, quốc gia có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường Việt Nam, hiện có doanh số năm 2017 là hơn 100 triệu USD. Dự kiến, quy mô IaaS của Thái Lan sẽ đạt hơn 270 triệu vào năm 2020. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện nay chỉ xếp trên Lào và Campuchia.

Chưa sẵn sàng
Đại diện IDC nhận định, trên thực tế, trong một số lĩnh vực, tốc độ đầu tư IaaS của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn và đã đạt các thành tựu nhất định. Nhưng số này không đại diện cho số đông. Đồng quan điểm, ông Chawapol Jariyawiroj thuộc AWS, cho biết nhóm đầu tư khá mạnh cho việc dịch chuyển mô hình kinh doanh hiện nay là các công ty như Vietjet Air, Massan, Điện Quang… Số còn lại là các công ty khởi nghiệp, nhóm này rất năng động nhưng năng lực đầu tư có giới hạn. “Vấn đề là họ không biết bắt đầu từ đâu”, ông Chawapol Jariyawiroj nói.

Tình hình này cũng tương đồng với kết quả khảo sát của Bộ Công Thương. Theo đó, mặc dù các doanh nghiệp đã quan tâm tới ứng dụng, đầu tư, đổi mới công nghệ nhưng còn hạn chế. Phần lớn đầu tư 2 năm qua cũng như dự kiến trong 5 năm tới chỉ khoảng 1 tỉ đồng (chưa tới 50.000USD). Tiếp đó, mức độ ứng dụng các công nghệ mới (in 3D, nhận dạng bằng sóng vô tuyến, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…) cũng như phát triển các sản phẩm thông minh và dịch vụ dựa vào dữ liệu để có thể giúp cho nhà cung cấp nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng rất hạn chế, chỉ khoảng 2-3%.

Các doanh nghiệp đang đối mặt với việc phải đảm bảo được cùng lúc hai nhiệm vụ là giảm chi phí đầu tư và sự sẵn sàng của hệ thống kinh doanh. Đây là điều không dễ đối với phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, khi mô hình kinh doanh truyền thống đã theo họ khá lâu. Một số doanh nghiệp truyền thống đang bắt đầu thử nghiệm các dự án công nghệ với quy mô hình nhỏ.

Theo kết quả khảo sát đánh giá về tính sẵn sàng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được tiến hành từ cuối năm 2017 của Bộ Công Thương, phần lớn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp mới ở điểm xuất phát và tới 61% doanh nghiệp đứng ngoài cuộc. Kết quả này trùng hợp với công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 trong báo cáo về tính sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của các quốc gia. Theo đó, trong 100 quốc gia được lựa chọn đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm nước chưa sẵn sàng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Về phía khu vực công, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể bắt kịp công nghệ nhờ vào nguồn lực công nghệ thông tin tốt. Tuy nhiên, để trở thành các doanh nghiệp sáng tạo, cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ trong việc việc gỡ bỏ các thủ tục hành chính. Trong đó bản thân bộ máy chính phủ cũng phải tự đổi mới. Những rào cản này, theo Tiến sĩ Thiên, có thể là những lý do khiến việc đầu tư IaaS ở Việt Nam tăng trưởng chưa tương ứng với tiềm năng.

Huy Vũ

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/magazine/tap-chi-so-ra-608-3326810