Vững vàng và khởi sắc

Năm 2021 đã khép lại với nhiều ấn tượng và cung bậc cảm xúc. Có sự lo lắng, có tinh thần và khí thế để tạo ra những 'lớp lá chắn' kiên cường trước dịch bệnh; có ngậm ngùi tiếc thương những đồng bào đã không may mắn trong đại dịch, trước những nghệ sĩ tài năng đã ra đi đột ngột... Nhưng đọng lại sau tất cả là một Việt Nam vững vàng, sự vững vàng như một tiền đề tạo ra những khởi sắc trước thềm một năm mới. Một sự khởi sắc đến từ hoạch định chiến lược của Đảng, Chính phủ và nỗ lực của toàn dân tộc.

“Vững vàng” không chỉ là một trong những từ khóa mà chúng ta thấy xuất hiện nhiều nhất trên các trang báo mà còn là tâm thế của mỗi người trong suốt một năm qua. Trước những thách thức mà chúng ta chưa từng gặp phải trong lịch sử, cần có những điểm tựa tinh thần vững chắc.

Ngày 29/7/2021, lần thứ hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Lời kêu gọi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đồng lòng: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng tìm mọi cách quyết ngăn chặn, không để dịch bùng phát, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân" “đồng lòng” và nỗ lực (hơn nữa) là những từ được đồng chí Tổng Bí thư nhắc đến nhiều nhất trong đoạn văn trên. Bản lĩnh ấy đã được các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân hiện thực hóa thành những hành động cụ thể trên mọi phương diện của đời sống xã hội.

Kinh tế Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài mạnh mẽ trở lại.

Các làn sóng của các biến chủng COVID-19 tạo ra những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, chia cắt các vùng kinh tế và liên kết thông thương hàng hóa, giao thông. Tuy nhiên, ngay từ 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã thực hiện tốt mục tiêu kép với những mục tiêu cụ thể, phù hợp hoàn cảnh đất nước, điều kiện kinh tế và tâm lý người dân.

Với triết lý lấy người dân làm trung tâm, mọi chính sách đã sớm được ban hành, sớm tạo ra chuyển biến tích cực. Cụ thể, Quốc hội Việt Nam đã ban hành các Nghị quyết: Nghị quyết số 107/2020/QH14 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác; số 124/2020/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; số 135/2020/QH14 về tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines. Về phía Chính phủ cũng ban hành các Nghị quyết: Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì COVID-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19… Từ sự quan tâm này, người lao động đã yên tâm sản xuất, giúp duy trì sản xuất, đặc biệt ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, một lĩnh vực chịu nhiều thách thức trước dịch bệnh. Nhờ đó GDP 6 tháng đầu năm của nước ta vẫn tăng trưởng 5,64%, một con số khá bất ngờ và lạc quan.

Trước làn sóng thứ tư của COVID-19, một thách thức mới, Đảng và Chính phủ ta sớm đề ra giải pháp vaccine như một cơ hội vượt thoát sự cương tỏa của dịch bệnh. Theo thống kê, đến đầu tháng 11 năm 2021, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều, với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều, 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vaccine.

Cho đến cuối tháng 12 năm 2021, Theo Bộ Y tế, tốc độ tiêm vaccine COVID-19 của Việt Nam trong tháng 11/2021 đứng thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) với khoảng 138 triệu liều vaccine đã được tiêm cho mọi đối tượng. Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam (National Regulatory Authority - NRA) đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là cao.

Qua những thành công từ Chiến lược vaccine của Việt Nam, chúng ta cũng nhận ra được sự đoàn kết, đồng lòng của đồng bào trong và ngoài nước. Tính đến tháng 10 năm 2021, Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam đã nhận được gần 8.700 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Gần 30 tổ chức hội đoàn người Việt ở các nước đã phát động các chiến dịch hỗ trợ cho Việt Nam như "Chung tay vì Việt Nam", "10.000 liều vaccine cho Việt Nam".

Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng trong đại dịch.

Không chỉ duy trì kinh tế, văn hóa, khoa học, thể thao, du lịch của Việt Nam cũng đạt mục tiêu kép trong năm. Các sự kiện văn hóa Việt vẫn diễn ra thành công tại các nước như: Festival Việt Nam lần thứ hai ở Pháp, diễn ra từ ngày 16-18/07/2021 tại trung tâm thị trấn La Plagne Tarentaise (vùng Savoie ở Đông Nam nước Pháp); Sự kiện quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam tại thành phố Augsburg, bang Bayern (trong khuôn khổ Lễ hội đa văn hóa mùa Thu, diễn ra tại khu phố cổ thành phố) do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt, Đức, phối hợp với Tạp chí Hương Việt của người Việt ở Đức tổ chức hồi đầu tháng 10; Lễ hội Việt Nam tại Tokyo 2021 được tổ chức tại Quảng trường Takenodai, Công viên Ueno Onshi (11/12/2021)… điều đó cho thấy sự lạc quan vào khả năng kiểm soát bệnh dịch của Việt Nam.

Tính đến tháng 10 năm 2021, chúng ta không chỉ duy trì các hoạt động sản xuất, chuỗi liên kết, chế biến, xuất khẩu (Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 539 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng năm 2020), thu hút đầu tư (Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam có 1.375 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13,02 tỷ USD, tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020)…

Trong nửa cuối của năm 2021 còn cho thấy sự khởi sắc rất ấn tượng của đất nước. Các sự kiện như: Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về văn hóa (24/11); Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (14/12)… tạo ra bước ngoặt và định hướng, tầm nhìn mang tính chiến lược cho năm 2022. Nếu 2021 được coi là năm thích ứng và phục hồi thì 2022 sẽ hứa hẹn sự bứt phá từ nền tảng chuyển đổi số cũng như nhiều chính sách kinh tế mới.

Việt Nam là điểm đến an toàn của du lịch, là môi trường đầu tư kinh doanh đáng tin cậy trong mọi hoàn cảnh. Điều đó đến từ những ưu việt của chế độ chính trị, sự thay đổi mau lẹ, kịp thời về thủ tục hành chính khuyến khích doanh nghiệp, người dân vào hoạt động đầu tư kinh doanh ích nước, lợi nhà. Việc khống chế tốt dịch bệnh đã giúp Việt Nam tạo được uy tín trên trường thế giới, thu hút đầu tư kinh tế và các sự kiện văn hóa, thể thao, mở các đường bay thẳng, đón các tour du lịch lớn… Tuy nhiên, đằng sau những thời cơ ấy là những thách thức mà các nhà kinh tế đã nhắc đến từ giải ngân vốn đầu tư công, giá vật tư nông nghiệp chăn nuôi, chuyển dịch năng lượng… nếu giải quyết được những khó khăn đó sẽ tháo gỡ, mở đường cho những đột phá mới.

Khép lại một năm đầy biến động nhưng chính trong khó khăn chúng ta đã tìm ra hướng đi kịp thời, mau lẹ thúc đẩy doanh nghiệp, người dân thích ứng, năng động, linh hoạt với tình hình mới và setup những chương trình, định hướng phù hợp. Phía trước là một năm đầy hứa hẹn thành công như lời ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định: "Với Việt Nam, tôi vẫn luôn có một niềm tin tích cực vào cơ hội và triển vọng tăng trưởng. Năm 2021 đã sắp khép lại, tình huống tệ nhất đã ở lại sau lưng chúng ta. Việt Nam sẽ vượt qua mọi thách thức trong năm 2022 và trở lại lộ trình phục hồi thực sự”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/vung-vang-va-khoi-sac-i639846/