Vùng vải chín sớm Phương Nam hết cảnh đầu vụ mừng, giữa vụ lo

Sau mùa vải tháng 5.2018, người trồng vải chín sớm ở phường Phương Nam (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) vẫn còn phấp phỏng với mối lo muôn thuở 'được mùa, mất giá'. Mặc dù được chính quyền địa phương quan tâm với các hoạt động xúc tiến thương mại, nhưng cây vải chín sớm vẫn là chiếc 'cần câu cơm' mỏng manh...

Đầu vụ mừng, giữa vụ lo

Nếu đến Phương Nam vào dịp tháng 5, một khung cảnh dễ dàng nhận thấy, đó là cảnh hối hả, tất bật của người dân vào mùa thu hoạch vải chín sớm. Người dân bẻ vải từ lúc sáng sớm cho đến chiều, hàng chục xe tải lớn nhỏ đổ về thu mua. Vải được xếp tại vườn để chọn lọc, cắt tỉa trước khi vận chuyển ra các điểm bán cho thương lái, từ đầu làng, ngoài ngõ khắp nơi vương vãi lá vải... Cùng với niềm vui được mùa, người trồng vải còn vui vì được giá...

Nông dân phường Phương Nam thu hoạch vải chín sớm (tháng 6.2018). Ảnh: Nguyễn Quý

Theo Hội ND Quảng Ninh, kết thúc dự án, các hộ nông dân tham gia mô hình được tiếp cận với kỹ thuật ứng dụng chế phẩm vi sinh vật vào trồng vải chín sớm, biết chọn giống có chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thương hiệu sản phẩm vải chín sớm Phương Nam, góp phần xây dựng HTX, tổ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả...

Nhưng chỉ được thời gian đầu, đến giữa hoặc cuối vụ, giá vải lại rớt thê thảm khiến bà con không khỏi chua xót. Bên cạnh đó, các hộ trồng vải chín sớm Phương Nam hầu hết canh tác theo cách truyền thống, chất lượng quả cũng không đồng đều do sự khác nhau về phương thức canh tác; nhiều người chưa có ý thức trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm cây trồng.

Thêm nữa, hầu hết sản phẩm vải chín sớm Phương Nam được bán tại vườn cho các thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, TP.Hồ Chí Minh... Do hoạt động thương mại này diễn ra tự phát, không có tổ chức, nên người trồng thường bị ép giá.

Thực tế, từ tháng 5.2018, TP.Uông Bí đã tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch, tiêu thụ vải, nhưng qua các vụ giá bán vẫn không được như mong đợi. HTX Dịch vụ sản xuất và Tiêu thụ vải chín sớm phường Phương Nam mới ra đời (tháng 4.2018) nên chưa kịp vận hành hiệu quả. Tại các điểm thu mua, giá bán vải chỉ còn được 18.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với giá bán 25.000 - 30.000 đồng/kg của các vụ trước đó. Thậm chí còn bị thương lái ép giá với mức thấp hơn.

Nhận được phản ánh của hội viên nông dân, cũng như nắm bắt được nhu cầu, khảo sát thực tế, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng dự án, triển khai mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã trồng vải chín sớm ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị năm 2018 tại phường Phương Nam, TP.Uông Bí. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ người trồng vải chín sớm Phương Nam xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ vào trồng vải chín sớm theo hướng an toàn, tạo sức cạnh tranh trên thị trường góp phần xây dựng mô hình kinh tế tập thể, bảo vệ môi trường tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân ở nông thôn.

Dự án “Xây dựng mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã trồng vải chín sớm ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị năm 2018 tại phường Phương Nam” được áp dụng trên 15 hộ, với diện tích 12ha, nội dung hỗ trợ là giống vải chín sớm và vật tư phục vụ sản xuất, cùng các hoạt động phục vụ xây dựng mô hình. Đặc biệt, mô hình được ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng, chăm sóc vải chín sớm, theo hướng an toàn sinh học.

Thực nghiệm phương pháp sản xuất mới

"Trước đây tôi cũng đã thử dùng chế phẩm sinh học, nhưng không thấy hiệu quả mấy nên lại trở về chăm sóc cây vải theo cách truyền thống. Nhưng khi áp dụng chế phẩm này theo dự án của Hội Nông dân, hiệu quả bước đầu cho thấy khiến tôi rất tin tưởng”.

Anh Nguyễn Xuân Hội

Anh Bùi Văn Trà - Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam cho biết: Dự án mới được triển khai từ đầu tháng 10.2018, áp dụng cho 15 hội viên HTX Dịch vụ sản xuất và Tiêu thụ vải chín sớm phường Phương Nam. Những tín hiệu vui ban đầu khi áp dụng theo phương pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh vật vào trồng vải chín sớm khiến bà con vô cùng phấn chấn, vững tin mở rộng diện tích trồng.

Là người trồng vải nhiều năm nay, chị Đoàn Thanh Nga (khu Cẩm Hồng, phường Phương Nam) mới tham gia thành viên HTX Dịch vụ sản xuất và Tiêu thụ vải chín sớm phường Phương Nam kể từ khi thành lập (tháng 4.2018).

Chị Nga cho biết, mùa vải tháng 5 vừa rồi giá thành không được như mong đợi cũng một phần vì vải chín hơi muộn so với dự kiến, khiến giá vải chín sớm phải theo thị trường chung; phần khác vì các hộ chưa tham gia tổ hợp tác, nên mạnh ai lấy trồng và tiêu thụ, không tạo được sự gắn kết, sản xuất và tiêu thụ kém hiệu quả.

Tại vườn vải chín sớm mới mở rộng của nhà anh Nguyễn Xuân Hội (khu Bạch Đằng 2, phường Phương Nam), 160 cây giống do dự án hỗ trợ cũng cho thấy dấu hiệu khả quan. Qua theo dõi, anh Hội nhận thấy rễ cây vươn nhanh, bám chắc, thân và lá cây hấp thụ dinh dưỡng tốt.

Cũng kể từ đầu tháng 10 năm nay, áp dụng nội dung dự án của Hội Nông dân triển khai, lần đầu tiên chị Nga và 14 hộ khác trong hợp tác xã sử dụng chế phẩm vi sinh vật vào trồng vải. Cây giống mới trồng chưa đầy 1 tháng, nhưng đã cho dấu hiệu sinh trưởng tốt.

“Trước đây chúng tôi vẫn trồng vải theo cách truyền thống, là đào hố xung quanh gốc, ủ phân hữu cơ và tưới nước hàng ngày. Từ khi áp dụng quy trình sử dụng chế phẩm này, chúng tôi mất ít công chăm bón hơn, nhưng cây lại phát triển tốt hơn. Đến thời điểm hiện tại cây đâm lộc rất đẹp, thân cứng cáp, khả năng sinh trưởng tốt hơn rất nhiều so với trước” – chị Nga nói.

Nguyễn Quý

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/vung-vai-chin-som-phuong-nam-het-canh-dau-vu-mung-giua-vu-lo-930770.html