Vững tin triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Đến thời điểm này, Chương trình GDPT mới đã tạo được những dấu ấn sau quá trình triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Đội ngũ giáo viên đã thực sự bắt nhịp và sẵn sàng cho kế hoạch đổi mới ở năm học tiếp theo.

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Tự tin với thành quả bước đầu

Tại buổi Giao lưu trực tuyến “Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thuận lợi cho thầy và trò” do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức ngày 2/4, các khách mời đã chia sẻ góc nhìn đa chiều về nhiều vấn đề liên quan đến việc triển khai Chương trình và sách giáo khoa mới tại nhà trường.

Nhìn chung, với sự sát sao chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; chuẩn bị chủ động, chu đáo của ngành GD-ĐT địa phương; quan tâm chỉ đạo, quyết định đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, kết quả ban đầu sau hơn 1 học kỳ triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1 là khả quan, tích cực.

Theo chia sẻ của bà Trịnh Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Hà, TP Hà Tĩnh, kết thúc một học kỳ triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 1, giáo viên, học sinh Trường tiểu học Bắc Hà cũng như các trường tiểu học khác trên toàn tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng bắt nhịp chương trình.

Giáo viên sớm ổn định nề nếp học tập, phối hợp tốt với phụ huynh trong việc giáo dục con em. Khi lên lớp, giáo viên chủ động, linh hoạt để thực hiện dạy học phù hợp, tạo hứng thú học tập, không gây áp lực với học sinh.

“Điều tôi thấy được nhất ở Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 là “Ba cái được: giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học, phụ huynh dễ tiếp cận".Thái độ của học sinh trong Chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1: chủ động, tự tin, vui vẻ , hào hứng, hiệu quả giờ học cũng tăng lên. Trong quá trình học tập, vai trò của phụ huynh hết sức quan trọng, bố mẹ cùng đồng hành, tạo động lực cũng như có thể hướng dẫn cho các con” - Hiệu trưởng Trịnh Thị Ánh Tuyết cho hay.

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Chọn SGK lớp 2, lớp 6: Minh bạch, khách quan

Năm học 2021 – 2022, các địa phương đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai tốt nhất chương trình mới với lớp 2, lớp 6. Trong đó có triển khai lựa chọn SGK bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, thuận lợi cho dạy và học.

Bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: Căn cứ các Thông tư, hướng dẫn của cấp trên, Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm đã chỉ đạo các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận triển khai việc lựa chọn SGK theo đúng quy định. Thuận lợi chung: Với 3 bộ sách Bộ GD&ĐT phê duyệt tạo sự tập trung hơn cho các trường khi nghiên cứu và đề xuất lựa chọn.

Việc lựa chọn sách lớp 2 không có khó khăn gì do năm học trước các trường đã triển khai thực hiện rất tốt. Đối với cấp tiểu học có 9 môn học, sự lựa chọn khá tập trung. Đối với lớp 6, do năm đầu thực hiện việc lựa chọn sách và có nhiều môn học nên các trường triển khai lựa chọn qua nhiều bước, giáo viên phải nghiên cứu kĩ, cần nhiều thời gian hơn.

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh lên lớp 6 tiếp cận Chương trình GDPT 2018, phòng GD&ĐT đã tổ chức tập huấn 100% cán bộ quản lý và giáo viên dạy lớp 5. Bên cạnh đó, còn tổ chức tập huấn cho giáo viên lớp 5 kỹ năng hướng dẫn học sinh có phương pháp học để có thể đáp ứng yêu cầu của lớp 6, như: kỹ năng nghe, ghi vở, tóm tắt ý chính; kỹ năng tự học, thuyết trình, làm việc nhóm,... Sau tập huấn, các trường nhanh chóng rà soát nội dung cần bổ sung, xây dựng kế hoạch bài dạy, sắp xếp thời gian để triển khai theo tiết học hoặc lồng ghép trong các tiết học khác”, bà Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ.

Là người sẽ trực tiếp làm việc với sách giáo khoa mới lớp 6 vào năm học tới, Cô Nguyễn Thị Thúy Hồng - GV môn Vật lý, Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: Tôi cho rằng, sách giáo khoa được đầu tư khoa học, chỉn chu về nội dung, tập trung viết những điều thiết thực, cô đọng, súc tích, nhẹ nhàng, giảm tải về nội dung kiến thức, bỏ bớt kiến thức hàn lâm, lạc hậu. Giá thành sách giáo khoa cần phù hợp với túi tiền của người dân.

Trước băn khoăn của phụ huynh về việc liệu học sinh có bị ảnh hưởng nếu năm học lớp 2 có quyết định thay đổi bộ sách khác so với lớp 1, Bà Nguyễn Thanh Thủy nói: Đây cũng là băn khoăn và tâm lý chung của nhiều bậc cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, nếu năm nay có quyết định lựa chọn các bộ sách khác hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc học tập của học sinh vì tất cả các bộ sách đều dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT. Mục tiêu, yêu cầu kiến thức cần đạt hết lớp 1 về cơ bản các bộ sách là như nhau.

Triển khai Chương trình GDPT mới có mục tiêu là phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Chương trình cũng có thay đổi căn bản là dạy học theo chương trình chứ không phải theo SGK như trước đây. Vì vậy, trên cơ sở của chương trình, nhà trường, giáo viên sẽ linh hoạt sử dụng SGK vào dạy học đảm bảo mục tiêu này.

Nếu được truyền đi một thông điệp về Chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi muốn gửi gắm tới tất cả giáo viên đang giảng dạy ở trường tiểu học: "Hãy là một giáo viên tiên phong trong đổi mới, khắc phục mọi khó khăn, chắn chắn bạn sẽ thành công".

Cô Trịnh Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Hà, TP Hà Tĩnh.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/vung-tin-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-iEwaftlMg.html