Vững tay nghề thì không lo thiếu việc

GD&TĐ - “Mình mà chắc tay nghề thì không lo thiếu việc, có thể làm việc ở nhiều nơi. Quan trọng là môi trường làm việc, chế độ lương như thế nào, và có thể làm lâu dài được hay không”, em Ngô Sỹ Huy, sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh tâm sự.

Tự tin với nghề

Tại phòng thi thực hành tốt nghiệp CĐ nghề môn Hàn, khoa Cơ khí - chế tạo, các bạn sinh viên tập trung chăm chú bên thiết bị máy móc. Hoàn thành xong phần thi của mình, cởi bỏ găng tay, mắt kính em Ngô Sỹ Huy nói: “Em chỉ mong thi xong, tốt nghiệp ra trường để làm việc thôi. Hiện tại nhà trường cũng đã giới thiệu cho một số công ty, doanh nghiệp, nhưng em cũng như các bạn đang cân nhắc xem xét thế nào rồi mới quyết định sau”.

Với nhiều SV, tốt nghiệp ra trường đồng nghĩa với nỗi lo tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, Huy khá tự tin với những kỹ năng đã học được sẽ không khó khăn để tìm đất dụng võ. Còn em Nguyễn Trọng Kiên (Khoa Điện) cũng chia sẻ: Em học ngành điện dân dụng vì thấy đây là nghề có ứng dụng cao. Mình mà chắc tay nghề thì không lo thiếu việc, có thể làm việc ở nhiều nơi.

Thầy Đậu Phí Hải – Trưởng khoa Cơ khí – Chế tạo cho biết: Đối với SV học nghề, thời lượng học thực hành của các em rất nhiều. Mục đích đào tạo cho sinh viên có kỹ năng, tay nghề vững. Đồng thời, nhà trường liên kết với các công ty, doanh nghiệp để các em đi thực tập, thực hành, qua đó, học thêm tác phong, kỷ luật lao động và khả năng ứng dụng thực tế. Sau khi tốt nghiệp ra trường, các em có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp hoặc tự tạo công ăn việc làm cho mình.

Còn đối với đào tạo bậc đại học thì yêu cầu cao hơn. SV đại học khoa cơ khí – chế tạo, các em ngoài học nghề, còn học thiết kế, chế tạo, lập trình. Tức là các em không chỉ hành nghề mà còn sáng tạo kỹ thuật, công nghệ.

Trên thực tế, nhiều sinh viên chưa ra trường nhưng đã có nhiều doanh nghiệp, công ty đến đặt hàng, mời các em về làm việc.

Khắt khe để đào tạo SV chất lượng cao

Tại xưởng cơ khí, lớp chế tạo máy K8A, khoa Cơ khí – chế tạo đang học gia công chi tiết sản phẩm công nghệ cao. Sinh viên Trần Đình Hùng cho biết, chúng em sẽ lập trình các bước trên máy tính, sau đó lệnh cho máy thực hiện. Đây là môn em thấy khó nhất, vì thao tác kỹ thuật trực tiếp trên máy móc giảm đi, thay vào đó, mình phải biết vẽ 3D, tưởng tượng, hoàn tất 1 quy trình trên máy tính.

“Học kỹ thuật gắn liền với thực hành nên em thấy rất hứng thú. Lúc đầu, nhìn thấy hệ thống trang thiết bị, máy móc của xưởng em cũng hơi “choáng”. Nhưng sau đó, được các thầy hướng dẫn, em dần dần hiểu và có thể làm chủ được các loại máy. Có môn dễ học nhưng cũng có môn rất khó, nên phải chịu khó tập trung chú ý thì mới qua được”.

Được biết, ngoài trang bị hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị đầy đủ và hiện đại, việc đào tạo sinh viên của trường ĐH SPKT Vinh được thực hiện rất bài bản, nghiêm khắc và linh hoạt, thực tiễn. Trưởng phòng Khảo thí và KĐCL Trần Quang Thanh cho biết: Quá trình kiểm tra, thi cử được thực hiện bài bản, nghiêm khắc theo quy định. SV đảm bảo các chuẩn đầu ra mới có thể tốt nghiệp. Nhà trường không dễ dãi mà khắt khe để tấm bằng ĐH, CĐ thực sự là giấy hành nghề đảm bảo chất lượng, trình độ của các em.

Nhà trường cũng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên rèn nghề và sáng chế KH-KT. Những năm qua, trong các cuộc thi tay nghề, SV trường ĐH SPKT Vinh luôn giành được nhiều giải cao như giải 3 Hội thi Kỹ năng nghề quốc gia 2014, giải Nhất thi “Thợ giỏi ngành cơ khí trong thanh niên Nghệ An” 2015… Nhiều sản phẩm sáng chế của sinh viên trường cũng được đến với các triển lãm khoa học công nghệ… Điều đó khẳng định năng lực và chất lượng đào tạo của trường tạo thành thương hiệu uy tín trong khu vực và cả nước.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vung-tay-nghe-thi-khong-lo-thieu-viec-2572540-q.html