Vững tay chèo trước sóng lớn

Trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, việc mở đường cho các nhà đầu tư ngoại tham gia mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam luôn được Chính phủ và Bộ Tài chính đặc biệt chú trọng. Năm 2017, thị trường chứng khoán đã chứng kiến dòng vốn ngoại chảy vào kỷ lục với giá trị mua ròng đạt 46.700 tỷ đồng. Trong năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.

Tuy nhiên, những chuyển mình của Việt Nam dường như vẫn chưa đủ với các nhà đầu tư ngoại. Mặc dù quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán của Việt Nam đã lớn, thậm chí vượt so với mặt bằng chung một số nước trong khu vực, một số nước nằm trong danh sách thị trường mới nổi theo xếp hạng của MSCI, nhưng số lượng doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn hoặc đáp ứng được "khẩu vị" của nhà đầu tư ngoại để họ sẵn sàng giải ngân lại không nhiều xét ở tiêu chí trần tỷ lệ sở hữu và quy mô vốn hóa, ngành nghề yêu thích và các vấn đề khác (như công bố thông tin, chất lượng quản trị...).

Trong gần 20 năm Việt Nam mở cửa thị trường chứng khoán, nhà đầu tư ngoại vẫn liên tục kiến nghị nhiều biện pháp mở cửa rộng hơn nữa, tạo thêm nhiều không gian hơn nữa bao gồm tiếp tục nâng trần sở hữu, phát triển các sản phẩm thay thế khác. Với việc nâng sở hữu của nhà đầu tư ngoại lên 100% trừ các ngành nghề đặc thù có quy định riêng và… không còn điều khoản phụ thuộc vào Điều lệ doanh nghiệp, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã phần nào đáp ứng được về mặt chính sách cho nhu cầu của nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam.

Ở góc nhìn tích cực, việc mở ra một khung pháp lý thông thoáng không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn cơ hội huy động vốn ngoại mà còn đón nhận thêm những nguồn lực mới (tri thức, thị trường…) cho khát vọng vươn lên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc có nên mở zoom đến 100% hay nên dành một không gian cho doanh nghiệp quyết định.

Dù tinh thần của dự luật hiện tại đang cho thấy một sự thông thoáng mới từ cơ quan soạn thảo nhằm tạo cơ chế đối xử bình đẳng như nhau trong tiếp cận cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tuy nhiên việc mở cửa hoàn toàn luôn đi kèm với những thách thức và cả nguy cơ. Do vậy, bên cạnh việc chủ động thay đổi mở cửa thị trường, cơ quan quản lý cũng cần chuẩn bị thật kĩ về cơ chế, chính sách, pháp lý để đương đầu với những rủi ro có thể có. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt cũng cần chuẩn bị sẵn "tâm lý", muốn đón "sóng lớn" trước hết phải “vững tay chèo".

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/vung-tay-cheo-truoc-song-lon-107881-107881.html