Vũng Tàu tạm dừng dự án thủy cung lấn biển gây ồn ào để lấy ý kiến

Ông Nguyễn Thành Long, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ký văn bản yêu cầu tạm dừng thi công dự án lấn biển xây thủy cung Hòn Ngưu ở Bãi Trước, do Công ty Cổ phần du lịch dịch vụ cáp treo Vũng Tàu làm chủ đầu tư.

Dự án lấn biển xây thủy cung 50 triệu USD

Dự án lấn biển xây thủy cung 50 triệu USD

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao Sở Xây dựng trước mắt yêu cầu chủ đầu tư tạm ngưng thi công ở phía biển, dừng ngay hạng mục đê kè chắn sóng và san lấp mặt bằng cho đến khi UBND tỉnh có ý kiến khác.

Ngoài ra, sở này được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với Công ty Cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của dự án, tác động đến khu vực xung quanh, đặc biệt là môi trường du lịch.

Dự án lấn biển xây thủy cung 50 triệu USD

Những ngày qua, dư luận tại TP. Vũng Tàu tỏ ra bất bình trước việc Công ty Cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu tập kết nhiều máy móc cơ giới, rầm rộ đổ đất đá, san lấp hàng chục nghìn mét vuông bờ biển tại khu vực Bãi Trước, TP. Vũng Tàu.

Theo tìm hiểu, dự án cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu tại số 1A đường Trần Phú, phường 1, TP. Vũng Tàu, nằm trong tổng thể dự án khu du lịch núi lớn - núi nhỏ được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch từ năm 1998, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu.

Dự án được xem là “treo” từ rất nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến tháng 6/2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thay thế quyết định từ năm 1998.

Tháng 1/2019, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và tháng 8/2019, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy phép xây dựng.

Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngư có tổng diện tích hơn 6,7ha, trong đó phần thủy cung rộng 3ha. Theo thiết kế, ngoài thủy cung, ở đây còn có một khách sạn 5 sao cao 22 tầng.

Vũng Tàu tạm dừng thi công dự án lấn biển xây thủy cung.

Ông Đậu Thế Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu, cho biết dự án có tổng mức đầu tư 50 triệu USD, hiện chủ đầu tư mới đang triển khai giai đoạn 1 là san lấp mặt bằng, xây kè biển. Chi phí cho giai đoạn này hết khoảng 15-20 triệu USD.

Về chọn nhà thầu cho dự án thủy cung, ông Thế Anh cho biết hiện đã làm việc với các đối tác Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, châu Âu. Trước khi hoàn tất giai đoạn 1 khoảng 6 tháng, chủ đầu tư sẽ bắt đầu chọn đối tác.

Hơn 2 tháng trước, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp phép các hạng mục san lấp mặt bằng, đê chắn sóng, đê lấn biển và bãi tắm nhân tạo cho hạng mục xây thủy cung. Theo đó, chủ đầu tư được phép san lấp từ bờ đường Trần Phú ra biển khoảng 200m, diện tích lấn biển ở khu vực Bãi Trước khoảng 3ha.

Ngay khi chủ đầu tư treo biển về dự án và tiến hành san lấp, dư luận ở Bà Rịa -Vũng Tàu đã dậy sóng vì lo sợ dự án này sẽ phá vỡ cảnh quan khu vực, tác động xấu đến môi trường biển mà trực tiếp là bãi tắm Bãi Trước ngay sát đó và ảnh hưởng tới di tích lịch sử Quốc gia Bạch Dinh.

Ông chủ dự án lấn biển xây thủy cung là ai?

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu (tên viết tắt VCCT) thành lập vào ngày 21/1/2003, có địa chỉ số 1A Trần Phú, phường 1, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu.

4 thành viên sáng lập gồm: Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thế Anh (Thế Anh); Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển (UDEC); Công ty Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất - Bộ Quốc phòng (Tecapro); Công ty TNHH Du lịch, sản xuất, thương mại Hương Phong (Hương Phong).

Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Đậu Văn Hóa (sinh năm 1945, quê Bình Định).

Ông Đậu Văn Hóa, Chủ tịch HĐQT VCCT.

Được biết, ông Đậu Văn Hóa từng là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc học tập. Khi tốt nghiệp kỹ sư khoa điện, lúc đó đất nước còn đang chiến tranh khốc liệt, ông Hóa tình nguyện gia nhập quân đội, binh chủng thiết giáp. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về giảng dạy tại Đại học Cần Thơ.

Khi đất nước đi vào giai đoạn đổi mới, chuyển mình bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ông Hóa đã quyết định chuyển sang làm trong ngành xây dựng cầu đường cho một số công ty nhà nước và quân đội.

Đến năm 1997, ông Hóa lập nên Công ty TNHH xây dựng Thế Anh đi thi công nhiều công trình cầu, đường trên cả nước.

Ông Đậu Văn Hóa từng kể khi đến Vũng Tàu nhiều người đã nói với ông về một dự án đầy thách thức, chưa có ai dám nhận. Đó là công trình cáp treo, khu du lịch nằm trên đỉnh núi cao chót vót, cách mặt biển 250m với đường xá lên đỉnh núi đầy hiểm trở.

Dự án này có mức đầu tư cao, cần nguồn vốn lớn và nhiều công sức cộng thêm điều kiện thi công ngặt nghèo nên suốt nhiều năm kể từ khi dự án được đưa ra chào mời đều chưa có nhà đầu tư nào “để mắt”.

Sau đó, ông Hóa đã quyết định bỏ vốn đầu tư làm công trình này.

Ghi nhận những đóng góp của ông, UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu từng trao tặng bằng khen cho ông Đậu Văn Hóa vì những đóng góp của ông vào ngành du lịch của tỉnh nhà.

>>> Xem thêm: Thái Nguyên ‘khai tử’ 1 dự án chung cư và 1 dự án BT có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ

Lệ Chi

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/vung-tau-tam-dung-du-an-thuy-cung-lan-bien-gay-on-ao-de-lay-y-kien-20180504224230217.htm