Vũng Tàu: Doanh nghiệp du lịch bức xúc với giá thuê đất

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại Vũng Tàu đang “kêu trời”, không dám đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khi giá cho thuê đất ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) tăng đột biến 3-4 lần, thậm chí là hàng chục lần so với các năm trước.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở Vũng Tàu gặp khó khi giá thuê đất bất ngờ tăng mạnh - Ảnh: TL

Tại hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp ngành du lịch” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh BR-VT phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức vào ngày 16-12, đại diện doanh nghiệp tham dự đã phản ánh giá thuê đất hiện nay của tỉnh tăng chóng mặt, thay đổi so với hợp đồng và vượt khả năng kinh doanh của các công ty.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó giám đốc Công ty cổ phần Khách sạn Du lịch Tháng Mười cho biết, công ty ông đã có hợp đồng thuê đất thời hạn 33 năm với diện tích gần 28.000m2. Từ năm 2013 đến nay tỉnh đã 2 lần tăng giá thuê đất. Cụ thể, năm 2013-2014, tăng 1,9 lần so với trước năm 2013, tương đương với mức tăng 1,163 tỉ đồng/năm; năm 2015, tăng tiếp 7,37 lần, tương đương 8,6 tỉ đồng/năm. Do giá thuê đất tăng cao, không ổn định, công ty đã phải hoãn lại dự án xây dựng một khu resort 4 sao với số vốn huy động khoảng 120 tỉ đồng.

“Biên độ tăng giá như vậy là bất hợp lý, gây sửng sốt cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Vốn điều lệ của công ty chỉ có 8,1 tỉ đồng mà tiền thuê đất đã là 8,575 tỉ đồng/năm. Giá bán các sản phẩm du lịch của chúng tôi cũng không thể tăng đột biến theo như giá thuê đất”, ông Sỹ nói.

Tương tự, ông Lê Tấn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Nghinh Phong cho hay, trong năm 2016, công ty nhận được hai thông báo nộp tiền thuế đất của Cục Thuế với tổng số tiền phải nộp gần 8 tỉ đồng, tăng 18,13 lần so với các năm 2013, 2014 và 2015.

“Nếu đóng tiền thuế đất theo như thông báo trên thì tiền thuê đất chiếm ½ doanh thu cả năm của đơn vị, đó là điều bất hợp lý trong kinh doanh”, ông Dũng phản ánh.

Còn theo ông Đậu Thế Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu, đơn giá thuê đất giai đoạn 2011-2016 của công ty này đã tăng lên 14 lần so với giai đoạn 2006-2011. Điều này đã làm cho doanh nghiệp này cũng như nhiều doanh nghiệp khác đầu tư vào ngành du lịch Vũng Tàu khốn đốn.

Ông Anh cho rằng cục thuế đã không tôn trọng văn bản pháp lý trong hợp đồng giữa doanh nghiệp và UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hợp đồng cho thuê lên đến hàng chục năm, muốn thay đổi hợp đồng thì phải ký lại chứ không thể nào chỉ có một bên đột ngột thay đổi. Trong lúc chờ giải quyết, ông kiến nghị cơ quan thuế không tiếp tục ra văn bản đòi tiền doanh nghiệp trái với hợp đồng đã ký và không tính phạt, lãi chậm nộp.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho rằng khách du lịch đến Vũng Tàu đa phần là đi về trong ngày nên doanh thu không cao. Khoản chi phí phát sinh quá cao từ tiền thuê đất đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh doanh của các công ty, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch tỉnh đang bị bão hòa do có nhiều đối thủ cạnh tranh từ các tỉnh, thành cùng kinh doanh loại hình du lịch biển.

Bà Nguyễn Thị Mai, thành viên Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, đơn giá cho thuê đất tăng đột ngột và cao như hiện nay là đẩy doanh nghiệp vào đường cùng, lợi nhuận bị hớt ngọn. Nếu kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản vì không đủ tiền thuê đất với công thức tính này.

Còn theo ông Bùi Ngọc Diệp, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh, nhiều dự án du lịch lớn của doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư ở BR-VT bị ngưng trệ do giá thuê đất tăng cao, không theo kế hoạch lập dự án kinh tế ban đầu.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định, những thay đổi này không chỉ sẽ gây xáo trộn hoạt động kinh doanh của doanh nghiêp mà còn gây tiếng xấu cho môi trường kinh doanh ở Vũng Tàu, dẫn đến tâm lý e ngại của các nhà đầu tư.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/155064/vung-tau-doanh-nghiep-du-lich-buc-xuc-voi-gia-thue-dat.html/