Vùng 'tam giác tử thần' trên mặt

Nặn mụn, nhổ lông ở vùng 'tam giác tử thần' trên mặt có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Khi nhắc đến hình tam giác, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến biển báo giao thông hay thước đo góc. Nhưng nói đến sức khỏe, có một vùng tam giác mà chúng ta không nên bỏ qua. Nếu gây ảnh hưởng đến vùng này, chúng ta có thể gặp nguy hiểm.

Vì sao nặn mụn vùng tam giác trên mặt gây nguy hiểm?

Theo tiến sĩ Amesh A. Adalja, Trung tâm An ninh Sức khỏe Johns Hopkins tại Pennsylvania, Mỹ, vùng "tam giác tử thần" là thuật ngữ chỉ khu vực bao gồm cả sống mũi đến các góc của miệng, tạo thành một hình tam giác. Đây là vùng da mà nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên nặn mụn vì có thể dẫn tới nhiễm trùng não.

Theo bác sĩ da liễu Alok Vij, Cleveland Clinic, vùng tam giác trên khuôn mặt được ví như đường thẳng dẫn đến não. Nơi này có các xoang hang - mạng lưới tĩnh mạch lớn nằm sâu trong hốc máu. Thông qua xoang này, máu di chuyển ra vào não. Các tĩnh mạch thông thường đều có van để ngăn máu chảy ngược chiều, tuy nhiên tĩnh mạch ở khu vực này đều là loại không van.

Nhiễm trùng trong vùng tam giác nguy hiểm có thể gây ra bởi việc nặn mụn trứng cá hay xỏ khuyên mũi không đúng cách. Theo tiến sĩ Vij, nhiễm trùng vùng “tam giác tử thần” có thể gây viêm nhiễm lên não bộ, dẫn đến suy giảm thị lực, viêm màng não, liệt cơ vùng mặt, nhiễm trùng, thậm chí tử vong. Những người có hệ miễn dịch yếu hơn dễ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.

 Vùng "tam giác tử thần" là thuật ngữ chỉ khu vực bao gồm cả sống mũi đến các góc của miệng, tạo thành một hình tam giác. Ảnh: Cleveland Clinic.

Vùng "tam giác tử thần" là thuật ngữ chỉ khu vực bao gồm cả sống mũi đến các góc của miệng, tạo thành một hình tam giác. Ảnh: Cleveland Clinic.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, nhiễm trùng vùng “tam giác tử thần” có thể gây nhiễm trùng huyết khối xoang hang, hình thành cục máu đông trong xoang hang. Từ đây, hàng loạt hệ lụy khác kéo theo có thể xuất hiện như áp xe não (mủ gây sưng não), viêm phổi, thuyên tắc nhiễm trùng, tai biến mạch máu não.

Trước đây, huyết khối xoang hang từng được coi là “bản án tử” với người mắc. Bởi gần như chắc chắn người bệnh sẽ tử vong. Song, hiện tại, nhờ thuốc kháng sinh, bệnh nhân có thể được cứu miễn là phát hiện và điều trị kịp thời.

“Rất may, điều này tương đối khó xảy ra. Nhưng bất kỳ vị trí nào trên da tương tác với vi khuẩn đều có khả năng nhiễm trùng. Điều này có thể dẫn tới những hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe”, tiến sĩ Vij nói thêm.

Làm gì để tránh nguy hiểm?

Vị chuyên gia da liễu khuyến cáo việc nổi mụn ở vùng tam giác là điều không thể tránh khỏi, song, chúng ta nên bỏ thói quen đưa tay lên nặn mụn quanh trán, mũi, hai bên miệng. Nếu xử lý mụn không đúng cách dễ gây viêm, tăng sắc tố sau viêm, sẹo, nặng hơn là nhiễm trùng và các biến chứng nguy hiểm khác.

Khi nhận thấy có dấu hiệu nhiễm trùng như vết mụn sưng, u nang ở khu vực "tam giác tử thần", bạn nên đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám hoặc dùng những liệu pháp bằng thuốc như serum chấm mụn đặc trị, để diệt khuẩn và làm dịu các vết sưng đỏ. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên nhổ lông mũi hoặc ngoáy mũi mạnh tay. Thói quen này có thể gây rách niêm mạc, chảy máu cam, gây nhiễm trùng,...

Đối với mụn ở các khu vực khác, như cằm, hãy cân nhắc thời điểm nặn mụn. Tiến sĩ Zeichner khuyến cáo trước khi nặn mụn, bạn cần rửa tay thật sạch, đặc biệt bên dưới móng tay. Vì vi khuẩn rất thích ẩn náu ở đó, tốt nhất là nên cắt móng tay.

Nặn mụn, nhổ lông ở khu vực "tam giác tử thần" trên mặt là điều tối kỵ. Ảnh: Independent.

Nếu xuất hiện mụn ở khu vực này, các chuyên gia da liễu khuyên bạn nên đắp miếng gạc ấm lên nơi có mụn. Sau đó nhúng khăn vào nước nóng, chườm lên vùng da trong 10-15 phút. Việc này giúp mủ, mụn có thể đẩy nhanh lên bề mặt và tăng thời gian chữa lành vết thương.

Sau khi đầu mụn nổi lên, chúng ta dùng miếng dán mụn để hút toàn bộ cồi ra khỏi lỗ chân lông. Nếu lo sợ mụn ở vùng này khi nặn gây biến chứng, bạn nên gặp bác sĩ da liễu để có phương án điều trị tốt nhất.

Khi bị nhiễm trùng trên mặt, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ và chú ý đến sức khỏe. Nếu có bất kỳ thay đổi đáng kể nào về cảm giác, đặc biệt trong vòng 5-10 ngày kể từ khi nhiễm trùng, bạn cần tới gặp bác sĩ.

Tiến sĩ Vij nói: “Nhiễm trùng có thể bắt đầu lớn hơn, lan rộng ra nhiều khu vực khiến bạn gặp triệu chứng toàn thân như sốt, run, ớn lạnh. Khi có bất kỳ triệu chứng nào như vậy bạn hãy gọi trợ giúp y tế càng sớm càng tốt”.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vung-tam-giac-tu-than-tren-mat-post1321307.html