Vũng Rô mùa Xuân ấy!

55 mùa Xuân trôi qua nhưng mỗi năm khi đến gần ngày Tết cổ truyền của dân tộc, những người cựu binh Hải quân chúng tôi lại bồi hồi xúc động khi nhớ về đêm tiễn đưa tàu 41 Đoàn 125 lên đường làm nhiệm vụ tại một bến cảng của thành phố biển Tuy Hòa (Phú Yên) mùa Xuân Ất Tỵ (1965)...

55 mùa Xuân trôi qua nhưng mỗi năm khi đến gần ngày Tết cổ truyền của dân tộc, những người cựu binh Hải quân chúng tôi lại bồi hồi xúc động khi nhớ về đêm tiễn đưa tàu 41 Đoàn 125 lên đường làm nhiệm vụ tại một bến cảng của thành phố biển Tuy Hòa (Phú Yên) mùa Xuân Ất Tỵ (1965)...

Tàu vận tải Đoàn 125 cải dạng tàu cá trên đường vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, tháng 4-1966.

Tàu vận tải Đoàn 125 cải dạng tàu cá trên đường vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, tháng 4-1966.

Cuối năm 1964, sau khi đã đưa hai chuyến tàu vũ khí vào bến Vũng Rô thắng lợi, tôi được Tư lệnh Quân chủng Hải quân gọi lên giao nhiệm vụ: “Đảng ủy và Tư lệnh Quân chủng quyết định, tàu các đồng chí phải khắc phục mọi khó khăn trở ngại, đúng giao thừa có mặt tại Vũng Rô”. Rời Sở chỉ huy quân chủng, lòng tôi dâng tràn một cảm xúc đặc biệt xen giữa niềm vui và nỗi lo. Vui vì được tiếp tục nhiệm vụ đưa tàu chở vũ khí về quê hương được gặp lại đồng chí, đồng bào trong ngày Tết cổ truyền dân tộc. Còn lo, hôm nay đã là 20 tháng Chạp âm lịch, làm sao chuẩn bị tốt mọi mặt để tàu đến Vũng Rô vào đúng đêm giao thừa?

Đêm giá lạnh, xung quanh yên tĩnh. Để tránh các chiến sĩ khỏi thức giấc, tôi nhẹ nhàng bước tới giường định thay quần áo đi nằm. Không ngờ các chiến sĩ tung màn xúm lại quanh tôi. Thì ra họ còn chờ tôi đi nhận nhiệm vụ trở về… Sau khi họp cấp ủy và chi bộ để quán triệt nhiệm vụ, ra nghị quyết lãnh đạo chuyến đi, cuộc họp đơn vị được tiến hành khẩn trương đầy khí thế quyết tâm. Vấn đề nổi lên là làm sao đưa tàu vào bến đúng lúc giao thừa. Ý kiến thảo luận thật sôi nổi, những khó khăn, vướng mắc đã được anh em đóng góp nhiều biện pháp khắc phục. Tôi kết luận cuộc họp và thông qua quyết tâm gửi cấp trên. Thông thường, cuộc họp đến đây là kết thúc. Nhưng thật bất ngờ, từ hàng ghế thứ hai, một cánh tay giơ lên xin phát biểu ý kiến. Đó là đồng chí Trần Văn Nhợ, người lính mà anh em trong tàu thường gọi bằng cái tên thân mật “Bố già”. Đồng chí nói: “Tàu ta đi nhiều chuyến, đưa hàng vào nhiều bến nhưng được đi vào dịp Tết thì thật là hiếm có. Vì vậy, tôi đề nghị tàu ta chuẩn bị cái gì khi vào bến, ta cùng anh em ở bến ăn Tết”. Tiếng hoan hô đồng tình vang dậy, thế thì ngoài việc cho tàu nhận vũ khí, theo dõi đài nghe thời tiết, nắm tình hình địch, chuẩn bị hậu cần…, một bộ phận anh em đi mua nếp về gói bánh chưng, bánh tét; lo quà Tết.

Mọi công tác chuẩn bị cho chuyến đi đã hoàn thành sớm hơn dự định một ngày. Đêm cuối năm, những trận gió mùa đông Bắc tràn về mang cái lạnh của phương Bắc về theo, cuộc tiễn đưa tàu 41 lên đường làm nhiệm vụ được tiến hành tại một bến cảng của thành phố biển. Dưới trời mưa phùn gió bấc, các đồng chí Tư lệnh Quân chủng, Đoàn trưởng và Chính ủy đoàn ôm hôn thắm thiết CBCS: “Chúc tàu 41 hành trình thuận buồm xuôi gió. Bộ Tư lệnh chờ đón tin thắng lợi báo về”. Tình cảm hậu phương lớn làm ấm lòng các chiến sĩ trên đường về tiền tuyến lớn. Tàu 41 hành trình vào mùa thời tiết không thuận lợi. Sau ba lần vượt sóng to gió lớn, lách tránh các thuyền tàu tuần tiễu của địch, chiều 30 tháng Chạp, tàu chuyển hướng vào bờ. Đây là chuyến đi căng thẳng nhất lộ trình. Toàn tàu dồn hết sức lực, tinh thần, ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm sẵn sàng đối phó với địch bất cứ lúc nào. Thành bại của chuyến đi quyết định ở hướng đi này. Bữa cơm “tất niên” được thuyền phó sắp xếp cho CBCS ăn trước 12 giờ trưa để kịp làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Cũng thịt mỡ, dưa hành nhưng thiếu câu đối đỏ. Không neo, không pháo, có bánh chưng xanh nhưng để dành khi vào bến. Toàn tàu đang ăn cơm bỗng từ đài quan sát, chiến sĩ trực canh báo cáo: “Mạn phải 30 độ, cự ly ba hải lý, phát hiện hai tàu địch di chuyển về phía Nam”. Lệnh chuẩn bị chiến đấu được phát ra, tất cả về vị trí của mình. Lớp ngụy trang trên những khẩu súng được kiểm tra sửa lại để vừa che mắt hai tàu địch vừa có thể nhanh chóng tung ra khi có tình huống chiến đấu. Qua chiếc ống nhòm có bội số cao, tôi nhận thấy rõ hai tàu tuần tiễu địch. Phải tránh! Tôi cho tàu thay đổi hướng đi song song để tránh tàu địch, tạo khoảng cách xa để thời gian tiếp xúc rất ít. Nhìn đồng hồ đã 16 giờ rồi, chỉ còn 8 tiếng đồng hồ nữa thôi tàu phải có mặt tại Vũng Rô.

Sau khi xác định vị trí tàu trên hải đồ, đồng chí thuyền phó báo cáo: “Tàu ta cách Đá Bia hơn 60 hải lý nữa, khả năng vào bến trễ giờ”. Tôi cho mời máy trưởng lên đài chỉ huy và quyết định sử dụng tốc độ dự bị. Hoàng hôn bao trùm khắp biển, đêm 30 tối như mực. 23 giờ 50, tàu chúng tôi thả trôi giữa Vũng Rô. Tôi cho thả xuồng và cử người vào bến tìm bộ phận đón, đang loay hoay thả xuồng thì cũng vừa lúc thuyền của các đồng chí ở bến cập mạn. CBCS tàu ôm hôn CBCS của bến, niềm vui ngập tràn vô tận. Tôi ôm anh Sáu mà hai hàng nước mắt chảy ròng và nghẹn ngào không nói nên lời. Bỗng từ phía bờ, hàng loạt súng pháo đủ các cỡ nổ vang đạn chéo bầu trời. Những chiếc đèn dù xanh đỏ từ đồn dốc Ba Ty phụt lên treo lơ lửng một khoảng trời Vũng Rô. “Lộ rồi sao? Địch đã phát hiện tàu ta chăng?”. Nhưng ngay sau đó, từ dưới phòng báo vụ, chiếc đài bán dẫn vang lên lời Bác Hồ chúc Tết. Giao thừa! Phút giao thừa năm 1965 đã tới. Phú Yên ơi! chúng con đã về đây! về giữa mùa xuân tràn đầy sức sống. Nhưng công việc còn quá bề bộn. Tàu phải đưa vào sát mép núi và ngụy trang kín đáo trước khi trời sáng.

Cuộc liên hoan mừng Tết Ất Tỵ, mừng ngày tàu và bến gặp nhau được tiến hành trên nắp khoang và hầm hàng hai dưới vòm lá ngụy trang kín đáo. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, bánh tét, kẹo, bia và thuốc lá được bày ra. Cánh đào Nhật Tân – Hà Nội bên nhành mai vàng của núi Đá Bia khoe sắc càng tăng thêm hương vị của mùa xuân. Tiếng pháo tay thay tiếng pháo Tết nổ vang. Tối mồng Một, tàu cúng bến bốc dỡ hàng. Chiếc cầu tàu làm tạm bằng cây rừng không đủ sức cho số đông người đi lại nên hầu hết anh chị em dân công phải dầm mình dưới nước mới kịp chuyển hàng. Công việc tấp nập, khẩn trương. Phía Đèo Cả, thỉnh thoảng một vài ánh đèn pha le lói của những chiếc xe leo dốc cùng với tiếng súng nổ lạc lõng từ các bốt địch bắn cầm canh trấn an cho giấc ngủ đầu năm của những kẻ xâm lược. Mặc– không khí lao động, chiến đấu ở đây vẫn tấp nập, khẩn trương. Hàng bốc dưới tàu lên là vũ khí, thuốc men. Hàng trên bờ xuống là cát. Cát của Vũng Rô được đưa xuống dằn tàu để giữ được ổn định khi tàu ra khơi gặp sóng to gió lớn. Từ trong đêm tối, một đồng chí cán bộ cầm trong tay một gói nhỏ được bọc cẩn thận bằng chiếc khăn tay tìm gặp tôi. Anh nói: “Bà con quê hương Phú Yên xin gửi theo tàu các anh nấm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên cường bất khuất, giặc càn đi xéo lại nhiều lần, bụng đói phải ăn trái sung thay cơm gạo nhưng vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Có súng đạn của miền Bắc chi viện, mảnh đất này sẽ là điểm tựa của những chiến công”.

Bùi ngùi xúc động, cầm nắm đất Vũng Rô trong tay, tôi như ôm cả Phú Yên quê hương ruột thịt. Ba giờ sáng mồng hai Tết Ất Tỵ, tàu rời bến Vũng Rô. Anh Sáu ôm tôi, cái hôn tiễn đưa lưu luyến. Tay siết chặt tay, người ra đi và người ở lại. Những hàng nước mắt tuôn trào, những lời chúc “Lên đường thuận buồm xuôi gió, ở lại mạnh khỏe, chiến đấu hăng say, hứa hẹn có ngày gặp lại”. Tôi ấn mạnh tay chuông, con tàu lướt sóng ra khơi. Phía sau con tàu là Vũng Rô, dải đất Phú Yên– quê hương chúng tôi.

NGUYỄN THÀNH TRUNG

(ghi theo lời kể của Trung tá AHLLVN Hồ Đắc Thạnh–nguyên thuyền trưởng tàu 41 Đoàn 125)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_201814_vung-ro-mua-xuan-ay-.aspx