Vùng quê nơi chân sóng

Huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), nơi có những bãi biển chạy dài cát mịn, với vẻ kỳ thú của Vườn quốc gia Bạch Mã, của hồ Truồi, suối Voi…; nơi ghi danh ra đời một trong những tổ chức đảng đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế. Ngày nay, trên mảnh đất kiên trung, hun đúc ý chí cách mạng sắt son đó, tiềm năng, lợi thế, cùng sự kết nối truyền thống lịch sử đang là sức mạnh tạo đà cho Phú Lộc vượt qua mọi thử thách khó khăn vươn lên phát triển bền vững.

"Ðòn bẩy" truyền thống

Dịp này ở Phú Lộc, trong câu chuyện của những người cao niên luôn hiện hữu niềm tự hào về lịch sử quê mình. Vùng quê nơi chân sóng còn lưu giữ nhiều dấu tích "kể" lại một thời gian khổ mà vẻ vang, nuôi giấu cán bộ và thắp lên ngọn lửa cách mạng. Tham quan Di tích cơ quan Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên - Huế (1942 - 1945) ở xã Vinh Giang, đảng viên lão thành Phan Mịch, nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Giang đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, giới thiệu với chúng tôi về lịch sử Ðảng bộ xã nhà, về trụ sở Tỉnh ủy lâm thời, nơi đồng chí Nguyễn Chí Thanh thường xuyên lưu lại để chỉ đạo phong trào cách mạng. Tại đây, cuối năm 1942, các tờ báo: Ðuổi giặc, Vì nước, Vì dân, Ðiều lệ Ðảng; truyền đơn đã được in ấn bí mật và phân phối đi cơ sở. Những đảng viên của Vinh Giang trở thành trụ cột vận động quần chúng, gây dựng phong trào. Vinh Giang thời kỳ đó trở thành trung tâm cách mạng của tỉnh Thừa Thiên. Ngày 23-5-1945, tại đầm Cầu Hai, diễn ra Hội nghị của Tỉnh ủy Thừa Thiên, quán triệt Chỉ thị của Trung ương Ðảng. Ðây là Hội nghị quan trọng khẳng định thời cơ đã đến, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh Thừa Thiên và chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Trải qua hai cuộc kháng chiến, người dân nơi đây kiên trung theo cách mạng. Cả xã có 34 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 246 liệt sĩ và gần 80 thương binh, bệnh binh. Ba trong tổng số bốn làng của xã Vinh Giang được công nhận Làng có công với nước. Cùng với các điểm di tích lịch sử, văn hóa làng Mỹ Lợi, chùa Thánh Duyên, núi Linh Thái, đầm Cầu Hai, Di tích cơ quan Tỉnh ủy lâm thời đang là điểm tham quan, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của Ðảng bộ, quân và dân huyện Phú Lộc, cũng như của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tại thôn Nghi Giang, Bí thư Chi bộ thôn Phạm Văn Ðồng nhắc lại sự kiện tháng 8-1940, các đảng viên chi bộ thôn Nghi Giang đã quyên góp tiền tổ chức giải cứu và bảo vệ cán bộ cao cấp của Xứ ủy Trung kỳ và Thành ủy Huế. Trong những ngày tháng cam go ấy, Chi bộ thôn Nghi Giang vẫn thường xuyên kết nạp được đảng viên mới, tiêu biểu như ở xóm Phường chỉ có 21 gia đình nhưng kết nạp được 23 đảng viên. Ði trên những con đường làng đã được thảm bê-tông, đồng chí Phạm Văn Ðồng cho biết, đó là công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, 42 đảng viên trong Chi bộ thôn Nghi Giang hiện nay phần lớn là những người gương mẫu. Nhiều đồng chí đã tự nguyện hiến đất, hiến cây để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Có sự nêu gương của đảng viên, người dân đồng thuận cao, các phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở thôn được triển khai hiệu quả.

Mỗi khi có dịp ôn lại lịch sử địa phương, hai người bạn già, hai người đồng chí - Bí thư Chi bộ Bình An 1 Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Văn Hùng thêm tự hào về một thời tuổi trẻ tràn đầy lý tưởng cách mạng, về vùng quê ven biển kiên trung. Qua hai cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, hơn 2.300 người con huyện Phú Lộc đã ngã xuống cùng hàng trăm thương binh, bệnh binh và những người ảnh hưởng di chứng chất độc hóa học. Mỗi dòng họ ở đây đều ghi tên những anh hùng. Tri ân đóng góp to lớn của đồng bào Phú Lộc đối với cách mạng, những năm qua, công tác đền ơn, đáp nghĩa luôn được quan tâm bằng những hành động thiết thực.

Thăm đồng đất Vinh Giang, chúng tôi cảm nhận một miền quê bình yên và xanh mát, còn nguyên đó những lũy tre làng, hồ sen thơm ngát, nhưng lại băn khoăn khi sự phát triển chưa thật sự xứng tầm. Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Phạm Ðình Cường lý giải, kinh tế Vinh Giang chủ yếu vẫn là trồng lúa và rau màu, nhưng nền đất cát pha, kém màu mỡ, thủy lợi phụ thuộc vào thiên nhiên, khó chủ động nguồn nước, bởi thế chỉ sản xuất một vụ, năng suất không cao. Xác định rõ lợi thế và bất lợi ở vùng đất khát, Chương trình hành động của Ðảng bộ xã đã chọn sáu nhiệm vụ và ba chương trình trọng điểm, với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển nông nghiệp - dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, tăng diện tích cây trồng thích hợp với điều kiện đất thiếu nước, kết hợp chăn nuôi, tận dụng 212 ha đầm phá nuôi trồng thủy sản, phát triển mô hình xen ghép nhiều loại thủy sản trong một hồ nuôi. Khuyến khích một số hộ gia đình chuyển đổi sang dịch vụ, do có tuyến quốc lộ 49B đi qua. Tuy nhiên, sự phát triển còn nhỏ lẻ, thêm lý do ảnh hưởng của dịch bệnh và ô nhiễm nguồn nước mặn cho nên một số chỉ tiêu có thể khó đạt như mong muốn. Chia sẻ băn khoăn của lãnh đạo xã, đồng chí Phan Mịch bày tỏ, trong cách mạng, người dân anh hùng không ngại hy sinh, thời kỳ đổi mới cần cù lao động nhưng năm 2017, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 24 triệu đồng, và xã Vinh Giang đạt 14 trong tổng số 19 tiêu chí NTM là chậm so các địa phương khác. Do đó, cán bộ và nhân dân mong muốn được hỗ trợ đầu tư hạ tầng nhất là thủy lợi, giao thông, làm nền tảng phát triển, để truyền thống thật sự là "đòn bẩy" cho hiện tại vươn lên xứng tầm.

Khơi dậy tiềm năng

Phú Lộc là nơi được biết đến với vịnh biển Lăng Cô trên con đường di sản miền trung - thành viên thứ 30 của Câu lạc bộ "Các vịnh biển đẹp nhất thế giới". Nhưng ít ai biết rằng, đến Phú Lộc còn có hai bãi biển Bình An và Cảnh Dương trải dài cát mịn, nước trong, sóng nhẹ thuộc địa bàn xã Lộc Vĩnh. Nơi đây đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và ngoài nước. Theo UBND xã Lộc Vĩnh, định hướng phát triển kinh tế địa phương theo cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp là dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có về kinh tế biển, trong đó lĩnh vực dịch vụ - thương mại được coi là mũi nhọn. Cùng với nông, lâm, ngư nghiệp, xã chủ trương phát triển dịch vụ du lịch, thương mại, với những cam kết bảo vệ uy tín du lịch địa phương, cơ sở vật chất đáp ứng phục vụ 5.000 đến 7.000 du khách/ngày. Một số ngành, nghề truyền thống như sơ chế, chế biến thủy, hải sản được duy trì, mở rộng thêm các nghề mộc, nề, cơ khí, trong đó mô hình may gia công tại nhà đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 200 lao động, thu nhập bình quân từ 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng.

Theo Bí thư Huyện ủy Phú Lộc Nguyễn Chí Quang, Huyện ủy luôn quan tâm tìm hướng đi hiệu quả, nhằm khơi dậy tiềm năng, nâng cao đời sống của người dân. Theo đó, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng nâng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp. Nhiều dự án lớn đầu tư lĩnh vực du lịch như Laguna, Làng xanh, Bãi chuối, bãi biển Cảnh Dương - Bình An… thu hút du khách, đồng thời tăng lượng việc làm, thu nhập cho người lao động địa phương. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với đất trồng lúa bị thiếu nước trên phạm vi sáu xã, với tổng diện tích 190 ha, nhằm nâng cao thu nhập trên một diện tích đất, hạn chế tình trạng đất bị bỏ hoang, xói mòn.

Phú Lộc hiện nay có hoạt động thương mại phát triển mạnh mẽ. Nhiều trung tâm thương mại ở các xã, thị trấn đã và đang được đầu tư với quy mô lớn, vị trí thuận tiện như chợ Cầu Hai, chợ Nước Ngọt, chợ Lăng Cô… Khu công nghiệp La Sơn cũng được xúc tiến triển khai để hình thành "vệ tinh" thu hút đầu tư. Trên lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, ngoài cây lúa truyền thống, nhiều diện tích vườn được cải tạo để trồng các loại cây ăn trái đặc sản bản địa như dâu tiên, thanh trà, cam, quýt… Tận dụng tiềm năng, lợi thế, nỗ lực khắc phục khó khăn, Phú Lộc đang dần phát triển tương xứng với vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phongsu/item/37354402-vung-que-noi-chan-song.html