Vùng quê khởi sắc

LTS: Sau 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, các địa phương hợp nhất về Hà Nội như được khoác 'tấm áo mới'. Những vùng quê khởi sắc hẳn lên nhờ được đầu tư đồng bộ hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang, sạch đẹp. Không chỉ vậy, đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi này đã có nếp nghĩ mới, cách làm mới để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài đầu: Diện mạo nông thôn đổi mới

(HNM) - Cách đây 10 năm, khi những vùng quê nghèo của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) và Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) về với Thủ đô, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất, trường học và trạm y tế xuống cấp, cơ sở vật chất nói chung nghèo nàn... Cùng với sự phát triển của Thủ đô, đến nay, các xã này được đầu tư hạ tầng khang trang, tạo nên diện mạo mới cho những vùng quê.

Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng

Còn nhớ năm 2008, khi đến thăm các xã: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), giao thông ở đây hầu hết còn là đường đất, đi lại khó khăn; có nơi còn chưa có điện; trường học, trạm y tế đơn sơ... Nhưng đến nay diện mạo làng quê nơi đây đang đổi thay từng ngày.

Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần cho biết, trước đây, khi nhắc đến Yên Bình, nhiều người nghĩ đến một địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, đời sống khó khăn; có 41% là người dân tộc Mường, chủ yếu làm nông nghiệp... Tuy nhiên, từ khi sáp nhập về huyện Thạch Thất, được sự quan tâm của trung ương và trực tiếp là TP Hà Nội, cơ sở hạ tầng của xã đã có chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2008-2017, xã Yên Bình được đầu tư hơn 200 tỷ đồng cho 22 công trình: Trường học, trạm y tế, giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa... Các công trình đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả.

Diện mạo mới của xã Yên Bình, huyện Thạch Thất hôm nay. Ảnh: Bá Hoạt

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên, từ năm 2007 đến nay, toàn huyện đã thực hiện đầu tư 1.051 dự án với số vốn hơn 5.900 tỷ đồng. Riêng 3 xã: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân đã thực hiện các dự án với kinh phí hơn 735 tỷ đồng. Đến nay, các xã này được đầu tư hạ tầng cơ bản đồng bộ, các công trình đưa vào sử dụng đã phục vụ nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chung niềm phấn khởi, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng khung được thành phố và huyện quan tâm, nhờ vậy đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó phải kể đến việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo tuyến đường 35; xây dựng đường từ khu trung tâm hành chính huyện đi thị trấn Chi Đông; cải tạo nâng cấp tuyến đường liên xã Vạn Yên - Tự Lập... với tổng kinh phí giai đoạn 2008-2018 là 3.563 tỷ đồng.

Vui mừng về sự khởi sắc của vùng quê sau khi về với Thủ đô, ông Nguyễn Văn Thỉnh (tổ dân phố 3, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh) so sánh, mặc dù trước kia có tiếng là thị trấn, nhưng giao thông còn khó khăn, nay được kết nối, đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh đã tạo diện mạo mới cho thị trấn. Đặc biệt, an ninh chính trị được giữ vững, trên địa bàn không có điểm nóng về tệ nạn xã hội.

Huy động người dân xây dựng nông thôn mới

Trong 10 năm qua, được sự hỗ trợ của trung ương và thành phố, các huyện đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới, huy động mọi nguồn lực, sức dân để các xã vùng khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn thông tin: Công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện được các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Toàn huyện đã đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2017 là 1.526 tỷ đồng. Nhiều tấm gương tiêu biểu ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện như: Ông Nguyễn Chí Dũng ở xã Hương Ngải ủng hộ 4,5 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non xã Hương Ngải; ông Nguyễn Văn Thơm ở xã Tiến Xuân ủng hộ 987m2 đất vườn lâu năm xây dựng nhà văn hóa...

Theo Bí thư Đảng ủy xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) Nguyễn Văn Hà, với nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước cùng sự đóng góp của người dân là hơn 2.100m2 đất, hơn 6.700 ngày công, từ một xã hầu hết là đường đất đến nay, 100% trục đường liên xã, liên thôn được nhựa hóa và bê tông hóa... "Đến nay, 3 xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đường làng, ngõ xóm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tại 3 xã còn cao hơn so với một số xã trên địa bàn huyện" - Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thạch Thất Đỗ Ngọc Quang chia sẻ.

Đối với huyện Mê Linh, chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng cũng gắn với xây dựng nông thôn mới. Về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết, sau 7 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa sạch sẽ, trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang. Đến nay, toàn huyện đã cứng hóa được 49,4km đường ngõ xóm, 7km đường trục thôn; 6km đường liên xã... với tổng giá trị đầu tư xây dựng nông thôn mới là 2.468 tỷ đồng.

Đánh giá về 10 năm sau khi hợp nhất về Thủ đô tại huyện Mê Linh, Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương nhận định: Việc hợp nhất về Thủ đô đã tạo điều kiện, cơ hội, bổ sung nguồn lực, sức mạnh cho huyện Mê Linh phát triển. Đến nay, huyện đã có 12/16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã còn lại đạt và cơ bản đạt từ 16 đến 18 tiêu chí... Những thành tựu tích cực này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

(Còn nữa)

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/906548/vung-que-khoi-sac