Vững niềm tin vào tương lai tươi sáng

Ngày cuối năm, cơn gió bấc vẫn còn lạnh, thêm nỗi mưa phùn giăng buốt lối đi nhưng hình như chưa đủ để ngăn sự bâng khuâng, rạo rực sau khi nghe bài hát 'Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng, của núi sông hôm nay và mai sau/Chân ta bước lòng ung dung tự hào…'!

1. Tôi chậm rãi đi trên làn đường nhỏ hẹp của cầu Long Biên. Trên cây cầu lịch sử mang dấu ấn hơn một thế kỷ thăng trầm cùng Thủ đô và đất nước, tôi ngắm nhìn nội đô với những nhà cao tầng, những khu đô thị nối nhau san sát. Tại đây, tôi thấy Hà Nội thật trẻ, thật mới. Cũng trên cây cầu lịch sử, tôi thấy các bạn trẻ và cả những người nước ngoài đang vui cười chụp ảnh. Họ cùng đi, tựa vào nhau như đang truyền hơi ấm, xua đi những cơn gió buốt.

Ảnh: Cao Tiến

Ảnh: Cao Tiến

Chợt nghĩ, cho đến hôm nay, cầu Long Biên không chỉ còn là một phương tiện đi lại thong dong thư thái cho những người ưa trầm mặc, cũng không chỉ còn là kỷ niệm ưu tư, da diết của những con dân Thủ đô dù gần hay xa. Hơn hết, nơi đây tựa như những nét vẽ khoáng đạt, vừa xa, vừa gần trong tâm khảm mỗi người dân Thủ đô và với riêng cả cá nhân tôi.

Hà Nội đang trong quãng thời gian phát triển không ngừng nghỉ. Chẳng khó để thấy điều này. Lần giở những xưa cũ có thể thấy, từ chỗ Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, hiện nay đã có hàng chục cây cầu nối đôi bờ sông Hồng, sông Đà, sông Đuống… đó là những cây cầu huyết mạch mang tên Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân… Từ những cây cầu, nhìn rộng hơn có thể thấy, bức tranh về giao thông Hà Nội hôm nay đã có nhiều màu sắc tươi sáng. Ở đó có thể thấy dáng dấp của những cửa ngõ Thủ đô, đóng vai trò kết nối và là hạt nhân quan trọng thúc đẩy kinh tế hội nhập, phát triển. Từ những cửa ngõ, luồng sinh khí từ những tỉnh thành, địa phương lân cận với Hà Nội và rộng hơn là với các nước trong và ngoài khu vực được thổi bùng mạnh mẽ.

Là người gắn bó với nghề Quy hoạch đô thị suốt mấy chục năm, từng là Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm là người chứng kiến từng bước chuyển mình, tường tận sự đổi thay từng chút về diện mạo một Hà Nội từ những ngày khó khăn để trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại. Đận ấy, tôi được vị kiến trúc sư đầy nhiệt tâm với Thủ đô chia sẻ về dấu ấn đậm nét nhất cho sự thay đổi của Hà Nội. Ông bảo, Hà Nội phát triển mạnh có lẽ ở giai đoạn 2015-2020. Hà Nội đã ban hành các quy hoạch và phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên với khoảng hơn 60 các đồ án quy hoạch như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, trong khi các năm trước mỗi năm chỉ độ 15-20 đồ án.

Đến đầu năm 2020, Hà Nội cơ bản hoàn thành các loại quy hoạch. Việc hoàn thiện này là một trong những thành tựu lớn, những công cụ, định hướng cơ bản. Nhìn về tương lai, ông Đào Ngọc Nghiêm kỳ vọng phải xây dựng một Hà Nội không chỉ xứng tầm là Thủ đô của cả nước, mà còn phải là đô thị có vị trí ở khu vực và trên thế giới. Và một đô thị muốn có sức cạnh tranh, muốn phát triển lớn mạnh thì không phải chỉ hòa đồng với các đô thị khác mà còn phải tạo ra được bản sắc riêng. Bản sắc riêng ở đây chính là một Hà Nội xanh, nhưng cái xanh ở đây không chỉ là nông nghiệp, lâm nghiệp mà còn phải thể hiện ở cả các khu bảo tồn, ở cả các khu nội đô cũ.

2. "Không thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Nét Tràng An ấy đã từ rất lâu được khắc họa qua hình ảnh người Hà Nội đầy văn hóa. Từng sinh sống ở nước ngoài nhiều năm cũng như gắn bó với nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S, nhưng dù đi đâu, bà Nguyễn Hạc Đạm Thư (85 tuổi) đều được mọi người gọi là “người Hà Nội”. Bởi trải qua bao thăng trầm, bà Thư vẫn giữ cho mình lối sống giản dị và cần kiệm, học được từ bà, từ mẹ, những người con gái Hà Nội đảm đang, tháo vát và trí tuệ. Đi nhiều nơi, học hỏi, tiếp thu văn hóa từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng đến nay, truyền thống gia phong, nề nếp trong văn hóa ứng xử luôn được bà Đạm Thư gìn giữ và coi trọng. Trong gia đình cũng như ngoài xã hội, bà luôn chú trọng lời nói cũng như cách cư xử của mình. Ví như đi ăn hàng, bao giờ người phụ nữ ấy cũng phải dọn dẹp sạch giấy lau mà mình sử dụng bỏ gọn gàng vào thùng rác, bát đũa cũng được để ngay ngắn. Bởi thế, chỉ cần thoáng tiếp xúc, người ta đã thấy ở bà toát ra phẩm hạnh của người Hà Nội gốc. Đến nay, bà cũng dạy dỗ con cháu giữ gìn truyền thống gia đình, khéo léo trong ứng xử như phẩm chất vốn có của người Hà Nội.

Người Hà Nội là thế. Tính cách Người Hà Nội là vậy. Hơn hết, Hà Nội đang trên đường hội nhập và tiếp nhận nhịp sống hiện đại, có những lúc, những thời điểm những nét văn hóa xưa của người Hà Nội được cho là dần thay đổi. Thế nhưng, những điểm bất biến trong tính cách, nếp sống hồn hậu vẫn được trân trọng và lưu giữ.

Đó là với con người, nếu nhìn ở điều kiện sống hẳn không ít người sẽ thấy sự đổi thay rõ rệt. Thời điểm này, đến Hà Nội, không chỉ thấy sự hiện diện những ngôi nhà mới, các con đường rộng rãi thênh thang mà còn có những nẻo hoa. Hoa khoe sắc trên các con đường, hoa làm đẹp cả bên bờ ruộng, hoa lấn cỏ dại, lấn bãi rác…Theo tìm hiểu, người dân ở nội thành và cả ngoại thành như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Phú Xuyên, Thường Tín, hay Quốc Oai, Thanh Trì, Đan Phượng… luôn có phương châm “Thêm một bông hoa, bớt một túi rác”. Nhờ vậy, người dân những vùng này thường duy trì nề nếp dọn vệ sinh ngõ xóm vào những ngày cố định trong tháng, nơi công cộng (thường vào ngày chủ nhật giữa tháng và cuối tháng) gắn với việc nhặt cỏ, chăm bón hoa.

3. Năm 2020 diễn ra với nhiều biến động và đầy thách thức, nhưng Việt Nam đã được hàng loạt các trang tin quốc tế uy tín nhắc đến như biểu tượng của những điều mới mẻ, tích cực trong bức tranh kinh tế ảm đạm toàn cầu. Đây là điều đáng mừng. Với Hà Nội, trái tim của cả nước, Hà Nội đang nỗ lực chuyển mình. Hà Nội cho thấy một điều, không chỉ là thành phố năng động sau chiến tranh, mà còn tạo dựng được môi trường sống yên bình, cởi mở, phát triển. Để tiếp tục giữ vững và khẳng định vị thế “Thành phố hòa bình và phát triển”, Hà Nội cũng đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh, giữ được tốc độ phát triển toàn diện, bền vững.

Hơn hết, một điểm sáng không thể phủ nhận là Hà Nội và cả nước đang nỗ lực và chung sức đẩy lùi một "kẻ địch" phi truyền thống, phi phép tắc, phi quy luật mang tên Covid-19. Những nghĩa cử như phát khẩu trang miễn phí, phát gạo cho người nghèo, giải cứu nông sản, hiến máu tình nguyện… được thực hiện giữa bối cảnh dịch bệnh hoành hành là giá trị đạo đức tinh thần bất biến của người Hà Nội qua suốt chiều dài dâu bể. Thứ giá trị này chỉ được phát lộ mỗi khi có những biến cố dịch họa, thiên tai…

Hà Nội sáng lung linh với ánh đèn trên những tòa cao ốc, trên những cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng. Hà Nội đã và sẽ mãi mãi là “niềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau”, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa và đối ngoại của đất nước. Người sống trên mảnh đất này cũng vậy. Những người Hà Nội luân sẵn sàng đi đầu trong cả thời chiến và trong giai đoạn xây dựng đất nước.

Năm mới đang mở ra thuận lợi mới, cơ hội lớn, vận hội mới cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh và làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những thời cơ, thuận lợi mới. Sức xuân phơi phới làm cho lòng người rạo rực niềm tin mới, khí thế mới. Chúng ta kỳ vọng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trong năm mới đất nước ta sẽ cất cánh. Và với Thủ đô – Trái tim của cả nước sẽ tiếp tục bứt phá đi lên, gặt hái thêm nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Chào năm mới với niềm tin mới!./.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vung-niem-tin-vao-tuong-lai-tuoi-sang-117119.html