Vùng lõi Vườn quốc gia Cúc Phương đang bị lâm tặc 'xẻ thịt'

Nhiều cây gỗ lớn nằm sâu trong rừng của VQG Cúc Phương nằm trên địa bàn huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) vẫn đang bị lâm tặc 'xẻ thịt', lấy gỗ mang ra ngoài.

Con đường dẫn vào VQG Cúc Phương.

Gỗ bị chặt hạ, nằm ngổn ngang trong rừng

Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi tìm đến thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) để tìm hiểu thông tin người dân phản ánh về tình trạng khai thác gỗ trái phép tại Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương.

Theo chân người dẫn đường, từ đường cái thôn Yên Sơn 2 băng qua cánh đồng đi sâu vào bìa rừng, phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ chúng tôi đến được Thung Quyền Cả.

Đập vào mắt chúng tôi là những cây gỗ lớn bị chặt hạ trước đó, lấy hết gỗ chỉ còn vài tấm bìa, ngọn cây ở lại, có những cây mới bị chặt hạ nhưng chưa xẻ và lấy gỗ đi.

Có những cây gỗ đã được "xẻ thịt "chỉ còn lại vài tấm bìa trong rừng.

Tiếp tục đi sâu vào cánh rừng Thung Trong, chúng tôi bắt gặp nhiều cây gỗ lớn với cũng bị chặt hạ trước đó và xẻ gỗ mang ra ngoài, còn 1 cây gỗ lớn dài hơn 30m đường kính hơn 1 người ôm không hết bị chặt hạ để lại trong rừng và được cắt đánh dấu chia đoạn, nhiều tấm bìa gỗ lớn, nhiều cục gỗ ngắn được vứt lại ngay trong rừng và một tấm gỗ hộp vẫn còn lại ở trong rừng.

Một cây gỗ được chặt hạ nhưng chưa được lấy đi.

Trong đó, có nhiều cây cũng đã được lực lượng Kiểm lâm kiểm đếm nhưng còn nhiều cây khác vẫn chưa thấy có sự đánh dấu búa của lực lượng chức năng.

Một người dân cho biết: “Ở đây có nhiều người vào khai thác gỗ khác nhau có cả ở địa phương lẫn nơi khác, trước đây thì con đường này có thể dùng xe trâu để vào rừng được”.

Một cây gỗ lớn được hạ còn lại trong rừng.

Đây gọi là khai thác nhỏ lẻ, không gọi là phá rừng?

Đem vấn đề trên trao đổi với ông Lê Quốc Việt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, ông Việt cho biết: “Huyện Thạch Thành có 3 xã nằm trong VQG Cúc Phương với tổng diện tích 3.910,3ha. Ở đây cũng có thể khai thác trước đó một vài tháng còn trong tháng này mới phát hiện tại xã Thành Mỹ.

Chúng tôi có theo dõi tại tiểu khu 13 khai thác 1 cây Tráng Kẻ đường kính 40 cm có sự phối hợp giữa Kiểm lâm của VQG và Hạt Kiểm lâm Thạch Thành kiểm tra. Còn tại xã Thành Yên tại tiểu khu 16 cũng có khai thác 1 cây gỗ Tráng Kẻ đường kính 60cm”.

Có những cây được lực lượng Kiểm lâm kiểm tra.

Có những cây được khai thác trước đó nhiều tháng.

Nói về việc khai thác gỗ trong rừng của VQG ông Việt cho hay: "Đây gọi là khai thác tỉa, nhỏ lẻ ở đây không gọi là phá rừng vì trong chúng tôi có 20 hành vi, phá là ở mức độ nguy hiểm còn khai thác ở đây chủ yếu là dân khai thác tỉa để làm nhà, khai thác nhỏ lẻ, tỉa, rải rác.

Trách nhiệm bảo vệ rừng trước hết là của chủ rừng (VQG) tuy nhiên đứng ở góc độ quản lý, bảo vệ rừng nói chung và nằm trên địa bàn huyện nên chúng tôi phối hợp chặt chẽ với vườn mà trực tiếp là Hạt Kiểm lâm của vườn để tổ chức quản lý bảo vệ rừng. Việc tuần tra chung chúng tôi có chỉ đạo làm các quy chế giữa Hạt Kiểm lâm Thạch Thành và Hạt Kiểm lâm của VQG Cúc Phương".

Những tấm gỗ vuông nhỏ được vứt lại, nằm ngổn ngang trong rừng.

“Cái trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo của chúng tôi là tập chung vào khu vực giáp ranh, khu vực còn giàu tài nguyên và ký quy chế phối hợp với nhau từ việc tuần tra định kỳ, đột xuất hay khi xảy ra khai thác thông tin cho nhau để cùng nhau phối hợp để kiểm tra, thông tin cho nhau về tình hình an ninh rừng tại khu vực đó.

Cái khó khăn nhất trong quá trình phối hợp là chủ rừng (VQG) lại nằm ở tỉnh khác nên việc thực hiện đấu nối chỉ ở cấp hạt còn việc giải quyết trực tiếp với chủ rừng chưa được nhiều, 2 bên chưa phối hợp ký kết được quy chế cấp tỉnh” - Ông Việt nói.

Trần Nghị - Đặng Sơn

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vung-loi-vuon-quoc-gia-cuc-phuong-dang-bi-lam-tac-xe-thit-post245476.info