Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Thiếu liên kết chặt chẽ

Tại Diễn đàn 'Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam' diễn ra chiều 27/9 tại TP Hồ Chí Minh, các đại biểu cho rằng các tỉnh trong vùng cần phải liên kết chặt chẽ với nhau. Trước hết là kết nối về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông nhằm lưu thông hàng hóa tạo động lực cho kinh tế phát triển và giúp cả vùng, cả nước cất cánh.

Lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những vùng kinh tế tạo động lực phát triển quan trọng hàng đầu của cả nước, đồng thời đóng vai trò một cửa ngõ kinh tế và cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới. Khu vực này đang hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đây sẽ là vùng trọng điểm, là đầu tàu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Đại biểu trình bày Tham luận tại Diễn đàn “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” chiều 27/9.

Vùng kinh tế trong điểm phía Nam gồm 8 tỉnh thành: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh đóng góp 45,4% GDP cả nước, tổng thu ngân sách chiếm 42,6% tổng số thu của cả nước tính đến cuối năm 2018. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các ngành Công nghiệp dịch vụ có lợi thế tạo ra giá trị gia tăng cao.

Lợi thế của vùng cũng được ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế động lực, nơi hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2018 của vùng đạt 11,31%/năm, gấp 1,7 lần mức tăng bình quân cả nước. Năm 2018, GRDP của toàn vùng đạt khoảng 2,517 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,42% GDP. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của vùng đạt khoảng 5.474 USD, gấp hơn 2 lần trung bình cả nước.

Kết nối kinh tế, liên kết vùng về bản chất cuối cùng vẫn là sự kết nối của doanh nghiệp. Chính quyền các cấp tạo ra không gian kết nối, tạo ra cơ sở hạ tầng cho sự kết nối và xây dựng cơ chế để thúc đẩy còn hành động cụ thể là của doanh nghiệp.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong vùng đã tận dụng thời cơ để tham gia vào phát triển hạ tầng và xây dựng những chuỗi sản phẩm của vùng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn tồn tại một số điểm nghẽn trong thực hiện liên kết vùng, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Thiếu kết nối chặt chẽ

Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế, thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc, tồn tại trong sự phát triển của vùng vẫn là: Quy hoạch và cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, hạ tầng chưa tương xứng, thiếu liên kết vùng chặt chẽ, chưa có cơ chế điều phối liên kết nên mang tính tự phát, cục bộ; các địa phương trong nước không liên kết được với nhau nhưng lại liên kết được với thế giới.

Theo ông Vũ Tiến Lộc thì vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đang đối mặt thách thức về tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 chỉ ngang mức bình quân cả nước.

Đô thị phát triển manh mún, dẫn đến kẹt xe ngập nước, ô nhiễm môi trường.

Trong đó, đáng lo ngại nhất là tăng trưởng của cả vùng những năm gần đây đã chững lại, từ tăng trưởng ở mức cao xuống mức trung bình cả nước. Đồng thời, hiện nay lợi thế của vùng chưa được phát huy đầy đủ nên cũng chưa có những động lực mới cho tăng trưởng.

Thêm vào đó là chất lượng phát triển đô thị còn thấp, chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chưa cùng nhau giải quyết ô nhiễm môi trường; Chưa bảo đảm hết nhu cầu an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu đề ra… Đặc biệt, cơ chế, chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn chưa hoàn thiện, thiếu đột phá cần thiết. Nhận thức về lợi ích của các chủ thể liên quan chưa đầy đủ, còn khác nhau, thiếu liên kết vùng chặt chẽ. Trên thực tế cơ chế liên kết vùng còn lỏng lẻo và thực sự chưa hiệu quả.

“Cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn mang tính tự phát, hình thức, chương trình phối hợp phát triển kinh tế còn mang tính cục bộ, chưa phát huy có hiệu quả lợi thế so sánh của vùng. Không cộng sinh, không tích hợp và không lan tỏa được, đây là những điểm cần khắc phục”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Liêm cũng cho biết: “Vùng đang gặp thách thức trong kết nối hạ tầng giao thông, vận tải còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, phát huy tiềm năng; Tỷ lệ nhập cư, tỷ lệ tăng dân số cơ học cao đã gây ra tình trạng quá tải của hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở các đô thị và khu công nghiệp; Chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về các ngành, lĩnh vực ưu tiên liên kết vùng do đó chưa hỗ trợ được việc lựa chọn các dự án liên kết vùng cũng như đánh giá quá trình và hiệu quả của các hoạt động liên kết”.

Vai trò của doanh nghiệp và giải pháp phát triển vùng

Để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Trần Thanh Liêm đề xuất một số giải pháp như: Các tỉnh, thành phố trong vùng cần tiếp tục hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; Kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, phát triển hệ thống logistics trong vùng, kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng; Cần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao để mở rộng thị trường, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Đảm bảo nguồn cung lao động chất lượng; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Nói về tốc độ tăng trưởng của Bình Dương, ông Trần Thanh Liêm chia sẻ: “Những năm vừa qua, Bình Dương đã đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch khu - cụm công nghiệp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Cùng đó là công tác cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong việc cấp phép, tiến hành thuê đất và triển khai đầu tư…

Đặc biệt, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Với doanh nghiệp nước ngoài, chúng tôi còn tổ chức đối thoại riêng theo từng nước, từng khối. Mỗi lần tiếp xúc 200-300 doanh nghiệp, qua đó giải quyết, góp ý nhanh những vấn đề mà doanh nghiệp còn vướng mắc. Do đó, từ các doanh nghiệp đã đến làm ăn trước họ giới thiệu bạn bè và các đối tác trong hệ thống của họ đầu tư vào tỉnh Bình Dương”.

Để phát huy tiềm năng thực sự của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TS Trần Du Lịch – Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất 5 giải pháp: Một là: Cần có sự đổi mới mang tình đột phá về tư duy “phát triển kinh tế Vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bố ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương. Khi lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch cần lồng ghép chính sách phát triển Vùng trong nội dung thực hiện quy hoạch.

Hai là, để nâng cao tính năng động của các địa phương có lợi thế phát triển đề nghị cho thí điểm cơ chế tự chủ ngân sách 4 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu theo cơ chế: Giảm bớt phần lồng ghép ngân sách Nhà nước giữa Trung ương và địa phương, ổn định tỷ lệ phân chia ngân sách giữa Trung ương và địa phương theo Luật ngân sách trong 5 năm. Địa phương được hoàn toàn tự chủ chi phần ngân sách địa phương. Phần ngân sách Trung ương hỗ trợ như đầu tư do Trung ương kiểm soát. Cơ chế này kèm theo cơ chế tăng trách nhiệm của HĐND và tính công khai minh bách về ngân sách.

Ba là, cần xem việc xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng là tiền đề của liên kết phát triển vùng và điều kiện để xây dựng các đô thị mới. Cần tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông vùng đã được quy hoạch đến năm 2020 và 2030.

Bốn là, trên cơ sở quy hoạch giao thông kết nối vùng và liên vùng đã được phê duyệt cần phân định cụ thể phần Trung ương đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm), phần do chính quyền các địa phương cùng chịu trách nhiệm. Sự phân định này làm cơ sở cho việc bố trí nguồn đầu tư trung hạn trong từng kế hoạch 5 năm.

Năm là, lập quỹ đầu tư giao thông vùng từ các nguồn Ngân sách Trung ương cấp, ngân sách địa phương đóng góp, nguồn thu từ đất đô thị hóa do hệ thống giao thông tạo ra, nguồn tín dụng ưu đãi… Có Hội đồng quản lý quỹ đầu tư hạ tầng giao thông vùng với sự tham gia của các chính quyền địa phương trong vùng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào hạ tầng, như hình thức đối tác công tư, cần phải có luật rõ ràng, có quy định trách nhiệm như đền bù thiệt hại do vi phạm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào hạ tầng, như hình thức đối tác công tư, cần phải có luật rõ ràng, có quy định trách nhiệm như đền bù thiệt hại do vi phạm. Phải có môi trường minh bạch, giảm rủi ro, rõ ràng mới huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp.

Ths Nguyễn Như Triển - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu miền Nam, Viện Chiến lược – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Chúng ta mừng vì có Luật Quy hoạch chung, đây sẽ là điều phối sự phát triển của mỗi vùng. Trước đây có nhiều loại quy hoạch ngành lĩnh vực đè lên quy hoạch vùng, cả nước có cả nghìn quy hoạch, mỗi tỉnh có mấy trăm quy hoạch chồng chéo. Bây giờ chỉ còn một quy hoạch một tỉnh, một vùng chỉ có một quy hoạch vùng, đây là yếu tố thuận lợi, quan trọng để điều tiết quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian tới”.

Cao Cường

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-thieu-lien-ket-chat-che.html