Vùng hậu cần trong Khu Kinh tế Vân Đồn

Bí thư Huyện ủy Vân Đồn Tô Xuân Thao cho biết: Địa phương đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nhằm hiện thực hóa chủ trương của Trung ương, của tỉnh về xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn. Song song với những dự án triệu đô tại đây, huyện dành nguồn lực lớn, ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, giúp nông dân phát huy giá trị của đất đai, vùng biển, bãi triều... một cách bền vững.

Gian hàng nông sản Vân Đồn tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè năm 2019 thu hút đông đảo người dân, du khách.

Gian hàng nông sản Vân Đồn tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè năm 2019 thu hút đông đảo người dân, du khách.

Để phát triển các tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, thời gian qua, huyện Vân Đồn đã triển khai nhiều nghị quyết, kế hoạch. Nổi bật nhất là Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 16/5/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện “Về phát triển các vùng sản xuất tập trung giai đoạn 2015-2020”. Đây là tiền đề để các cơ quan chức năng, các địa phương của huyện thực hiện có chiều sâu, không ngừng nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích. Phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó chú trọng quy hoạch vùng trồng cây cam và nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ngày càng bền vững.

Nằm trong Vịnh Bái Tử Long, có 160.000ha mặt nước và 7.381ha rừng ngập mặn, Vân Đồn có nguồn lợi thủy sản rất phong phú, như tôm, mực, ốc, bào ngư, hải sâm, sá sùng... Ngư dân Vân Đồn có nhiều kinh nghiệm trong đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Nhiều năm nay, Vân Đồn luôn xác định kinh tế thủy sản là một trong những mũi nhọn chính của địa phương. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát, quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản theo từng khu vực; huy động nguồn vốn tích lũy trong dân, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn để mở rộng quy mô nuôi trồng; đẩy mạnh công tác khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng và phòng trừ các loại dịch bệnh cho người dân; làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản phục vụ cho phát triển lâu dài...

Khu vực nuôi hàu Thái Bình Dương trên vùng biển thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn). Ảnh: Thu Trang

Với các bước đi bài bản, khoa học, hiện Vân Đồn đã quy hoạch vùng nuôi, trồng thủy sản tập trung với 3.100ha tại các xã Bản Sen, Hạ Long, Thắng Lợi, Đông Xá, Ngọc Vừng. Trong vùng quy hoạch đã có trên 2.000ha nuôi nhuyễn thể, gần 200ha với gần 5.000 ô, lồng nuôi cá... Cùng với đó, huyện có cơ chế phù hợp nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Đến nay, kinh tế thủy sản của huyện ngày càng phát triển theo hướng bền vững. Toàn huyện hiện có 7.300 lao động tham gia kinh tế thủy sản, trong đó nuôi trồng là 1.500 người. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ngày càng ổn định; 7 tháng năm 2019 đạt gần 9.000 tấn, tăng 111,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện tập trung phát triển cây cam bản địa, sản phẩm có hương vị đặc trưng. Huyện có Nghị quyết số 04-NQ/HU (ngày 16/5/2015) “Về phát triển các vùng sản suất tập trung giai đoạn 2015-2020”; theo đó đến năm 2020, Vân Đồn có 1.034ha trồng cam, trong đó vùng tập trung là 809ha, vùng phân tán là 225ha.

Song song với công tác quy hoạch các vùng trồng cam, huyện triển khai hàng loạt dự án hỗ trợ sản xuất. Bằng nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ gần 475 triệu đồng cho 17 hộ dân trồng cam trên diện tích 23ha. Đặc biệt, huyện phối hợp với Sở NN&PTNT thực hiện Dự án phát triển sản xuất cam chất lượng cao trên diện tích 78ha cho 74 hộ tham gia. Đến thời điểm hiện tại, Vân Đồn có gần 400ha trồng cam, trong đó có gần 200ha đang cho thu hoạch. Được hỗ trợ cả về vốn, kỹ thuật, đầu ra của sản phẩm, thu nhập của người trồng cam Vân Đồn hiện đạt từ 300-500 triệu đồng/năm...

Ở những khu vực không thể quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, huyện có cơ chế khuyến khích người dân đầu tư nâng cao giá trị, hiệu quả trên một đơn vị canh tác, nhằm tạo việc làm, thu nhập ổn định. Đồng thời tập trung làm tốt công tác quản lý tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản.

Vùng trồng cam tập trung tại xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn).

Huyện có nhiều cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ nông dân, ngư dân mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị nông sản. Từ các nguồn lực, nhất là vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh cho khu vực nông thôn, hải đảo. Đến nay, huyện đã phân bổ trên 20 tỷ đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới cho trên 40 danh mục hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ chợ chương trình OCOP; gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho các dự án, mô hình...

Cùng với đó, huyện tạo điều kiện cho người dân tiếp cận từ các nguồn tín dụng để mở rộng sản xuất, chế biến nông sản. Chỉ tính riêng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đến nay đã cho 5.908 hộ vay tổng số 171 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương còn được thể hiện qua việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Hiện trên địa bàn có 19 hợp tác xã trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, cùng nhiều mô hình tổ hợp tác đang hoạt động có hiệu quả.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp luôn là ưu tiên hàng đầu của huyện. Điển hình là cơ quan chức năng của địa phương đã phối hợp chặt chẽ với sở, ngành của tỉnh tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở nuôi, khai thác, chế biến thủy sản tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất những sản phẩm có tiềm năng, lợi thế như giống sá sùng, ốc nhảy, ngao giá; chế biến sản phẩm từ hàu Thái Bình Dương, ruốc cơ trai; nâng cao độ đạm của nước mắm...

Huyện cũng tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại tại các hội chợ OCOP của tỉnh. Qua đó, đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân chủ động phát triển sản phẩm, mạnh dạn đầu tư phương tiện, máy móc, nhà xưởng để nâng cao chất lượng, số lượng và mẫu mã bao bì sản phẩm. Hiện toàn huyện có 25 sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (chương trình OCOP)

Đồng chí Tô Xuân Thao, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn, cho biết thêm: Để tiếp tục phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của 2 lĩnh vực này, Vân Đồn đang tập trung vào các giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Đó là: Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng thiết yếu cho khu vực trồng cam tập trung; phát triển nuôi, trồng thủy sản theo quy hoạch đã được phê duyệt, chú trọng vào những sản phẩm chủ lực gắn kết chặt chẽ giữa phát triển thủy sản với du lịch... Huyện cũng nghiên cứu, có thêm cơ chế hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật, đồng thời thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực trồng cam và nuôi trồng thủy sản...

Phát triển các nông sản thế mạnh không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn của huyện, mà còn là sự chuẩn bị, góp phần đảm bảo vững chắc vùng hậu cần tại chỗ cho Khu Kinh tế Vân Đồn thời gian tới.

Quang Minh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201909/vung-hau-can-trong-khu-kinh-te-van-don-2452955/