Vùng dứa Cư Drăm thấp thỏm đầu ra

Niên vụ 2021, vùng dứa xã Cư Drăm, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã mở rộng diện tích lên trên 600 ha, song người dân hết sức lo lắng khâu tiêu thụ.

Mấy năm gần đây, cây dứa đem lại nguồn thu nhập khá cao và trở thành cây kinh tế chủ lực của một số thôn, buôn vùng sâu xã Cư Drăm (huyện Krông Bông, Đắk Lắk). Lợi nhuận cao, khí hậu, đất đai thổ nhưỡng phù hợp, vốn đầu tư ít nên diện tích và sản lượng cây dứa tăng nhanh. Song người trồng dứa ở đây luôn thấp thỏm, lo lắng mỗi khi vào vụ thu hoạch vì đầu ra và giá cả của quả dứa đang phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

 Dứa đang là cây trồng rất được kỳ vọng ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông (Đắk Lắk), song việc phát triển chưa gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Tùng Lâm.

Dứa đang là cây trồng rất được kỳ vọng ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông (Đắk Lắk), song việc phát triển chưa gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Tùng Lâm.

Theo thống kê, vụ dứa 2021 xã Cư Drăm có gần 600 ha (tăng hơn 500 ha so với năm 2016), trong đó gần 500 ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước tính từ 30 tấn đến 40 tấn/ha. Trước đây cây dứa ở Cư Drăm cho thu hoạch rộ vào khoảng đầu tháng 5 âm lịch. Thời gian thu hoạch khoảng 1 tháng.

Các hộ thu hoạch dứa vào cùng một thời điểm cộng với nhiều địa phương khác cũng vào vụ thu hoạch nên thường xuyên xảy ra tình trạng "cung vượt quá cầu". Nhiều gia đình gặp khó trong khâu tiêu thụ vì lượng dứa nhiều, thương lái mua không kịp, giá cả lại thấp.

Những năm gần đây, nhiều hộ có diện tích dứa lớn đã áp dụng biện pháp xử lý cho dứa ra quả sớm, ra quả trái vụ, thời gian dứa ra quả theo ý muốn để tránh tình trạng dứa chín đồng loạt khó khăn cho đầu ra.

Nhờ đó, nhiều hộ dân đã chủ động được thời điểm thu hoạch dứa. Nhiều hộ có dứa trái vụ, bắt đầu từ tháng 2 âm lịch đã có dứa thu hoạch và kéo dài đến cuối tháng tám âm lịch hàng năm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn 1, xã Cư Drăm năm nay có gần 20 ha dứa, trong đó có 16 ha đã đi vào thu hoạch. Những năm trước khi chưa biết biện pháp xử lý cho dứa ra quả theo mong muốn, việc thu hoạch và tiêu thụ dứa của gia đình ông vô cùng nan giải.

Diện tích dứa nhiều, lại thu hoạch đồng loạt nên nhiều hôm không thuê được người thu hoạch. Dứa chín thu hoạch về bị thương lái ép giá, thậm chí không mua vì dứa nhiều, nhu cầu tiêu thụ của thị trường lại có hạn.

Đến vụ, dứa không có doanh nghiệp thu mua ổn định, mà chỉ được tiêu thụ qua kênh tiểu thương nhỏ lẻ, rất bấp bênh về giá cả. Ảnh: Tùng Lâm.

Khi có kinh nghiệm xử lý để dứa ra theo đợt, hiện nay từ đầu tháng hai âm lịch gia đình ông đã có dứa thu và kéo dài cho hết tháng tám âm lịch. Do xử lý dứa ra trái vụ, các địa phương khác chưa đến vụ thu hoạch dứa nên dứa dễ tiêu thụ hơn. Dứa hái về đến đâu được tư thương vào đặt mua hết đến đó; giá cả cao và ổn định, có khi giá cao gấp đôi so với chính vụ...

Mặc dù vậy, hiện nay vùng dứa xã Cư Drăm vẫn còn tình trạng đến thời điểm chính vụ, dứa các vùng khác nhiều nên ít thương lái vào thu mua, giá cả xuống thấp.

Nông dân Nguyễn Văn Hùng cho hay: Thời điểm giá cao, mỗi quả dứa từ 2 kg trở lên tư thương mua sỉ với giá 22 nghìn đồng. Việc phun thuốc kích thích chỉ phun thuốc kích thích một lần cho cây ra hoa sớm cách thời điểm thu dứa 6 tháng, không phun khi cây đã ra quả nên không làm ảnh hưởng gì đến chất lượng quả dứa”.

Cuối năm 2020, 10 hộ trồng dứa ở thôn 1 và thôn 2 của xã Cư Drăm có diện tích dứa lớn đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ dứa Cư Drăm để hỗ trợ nhau cùng phát triển cây dứa và tìm đầu ra cho quả dứa.

Sau khi HTX được thành lập, một số công ty cũng đã có ý định bao tiêu dứa cho HTX nếu dứa đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn. Song loại dứa mà các doanh nghiệp muốn đặt hàng tiêu thụ lại là giống dứa MD2 (giống dứa lai từ giống dứa Queen và giống dứa Cayen) trái nhỏ, ít nước, độ chua ít, trọng lượng dưới 2 kg/quả.

giống dứa được trồng ở Cư Drăm là giống Cayen, quả rất to nhưng lại không được doanh nghiệp thu mua. Ảnh: Tùng Lâm.

Dứa MD2 trồng dày (từ 55.000 đến 60.000 cây/ha). Sau khi thu hoạch 1 lần phải phá bỏ để trồng lại vụ mới. Trong khi giống dứa mà bà con xã Cư Drăm đang trồng là loại dứa Cayen, nhiều nước, quả to (thu vụ đầu có những quả đạt trọng lượng trên 4kg, trung bình hơn 2 kg/quả), trồng thưa, 1 lần trồng thu được nhiều năm (từ 4 đến 5 năm).

Vì vậy, tuy đã thành lập được HTX được gần 1 năm, nhưng HTX chưa đi vào hoạt động, các thành viên không mấy mặn mà, những hộ khác không muốn vào HTX vì không tìm được đối tác, việc trồng dứa cũng vẫn mang tính tự phát...

Bà Trần Thị Len, Giám đốc HTX Dứa Cư Drăm cho hay: Diện tích cây dứa của thôn 1 và thôn 2 đã lên đến gần 400 ha. Đầu ra và giá cả hiện nay đem lại lợi nhận cao cho bà con vì một số diện tích dứa ra trái vụ do bà con xử lý cho dứa ra quả sớm.

Tuy nhiên diện tích dứa đang ngày một tăng, bà con trồng theo kiểu tự phát, không có quy hoạch. Việc tiêu thụ sản phẩm vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, chưa có doanh nghiệp hoặc nhà máy nào ký kết bao tiêu nên bà con rất lo lắng.

Cây dứa Cư Drăm được lãnh đạo huyện Krông Bông đánh giá cao về tiềm năng, lợi thế và triển vọng trở thành sản phẩm OCOP của huyện.

Song, để người dân trồng dứa đồi ở các thôn, buôn vùng sâu của huyện Krông Bông yên tâm phát triển cây dứa đồi một cách bền vững, trở thành cây kinh tế chủ lực, thay thế cho cây hồ tiêu, cây sắn, cây bắp lai kém hiệu quả, đem lại thu nhập cao, ổn định, rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của các cấp, các ngành...

Tùng Lâm

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vung-dua-cu-dram-thap-thom-dau-ra-d290430.html