Vùng Đông Nam bộ và kỳ vọng bứt phá

Vượt qua năm 2020 với nhiều khó khăn thử thách, bước vào năm mới 2021, vùng Đông Nam bộ (ĐNB) đã chủ động chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới, ở tầm cao mới.

Động lực tăng trưởng kinh tế

ĐNB là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, là “cửa ngõ” kinh tế của Việt Nam ra thế giới. Các tỉnh vùng ĐNB có đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách cả nước. Cụ thể, vùng hiện đóng góp 38% GDP của cả nước, 48% kim ngạch xuất khẩu, gần 41% ngân sách nhà nước và chiếm khoảng 47% số dự án đầu tư, hơn 43% nguồn vốn đầu tư nước ngoài của cả nước…

Bên cạnh đó, vùng kinh tế ĐNB có hạt nhân là TP. Hồ Chí Minh - nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế; nơi có nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế… do đó là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn. Trong vùng đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh, trong một không gian mở thông thoáng, liên kết với nhau thông qua các tuyến trục và vành đai đang được xây dựng. Vùng ĐNB còn là trung tâm hội nhập quốc tế lớn của cả nước, với cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành vừa được khởi công xây dựng.

Tuy nhiên, sự phát triển vùng kinh tế động lực này đã và đang đối mặt với nhiều trở ngại cần tháo gỡ: Là khu vực tỷ lệ người nhập cư cao nhất cả nước, đồng thời thu hút được đầu tư tư nhân (cả trong nước và FDI) nhiều nhất nước, nên sự gia tăng liên tục 2 nhân tố đầu vào này đã giúp ĐNB duy trì được tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, do tăng trưởng chủ yếu đến từ 2 nhân tố đầu vào hữu hình này trong khi tốc độ tăng năng suất không cao, nên không thể tạo ra động lực tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng.

Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam - vùng kinh tế ĐNB sẽ phải đối diện với thực tế là dư địa tăng vốn và lao động dần cạn kiệt; đồng thời dẫn tới gia tăng kẹt xe, áp lực quá tải hạ tầng giao thông - vốn đang là lực cản tăng trưởng lớn của khu vực. Một điểm đáng chú ý nữa, tỷ trọng GDP có tính sáng tạo và đổi mới trong vùng kinh tế ĐNB rất thấp. Điển hình là TP. Hồ Chí Minh, tuy mức độ gia tăng dân số cao, song đến nay vẫn tăng trưởng chủ yếu dựa vào các ngành công nghiệp, do đó thu hút nhiều lao động, trong khi đô thị lại chưa được chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, gây quá tải hạ tầng, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm… Cơ chế phối hợp liên vùng hiện chưa có và quy định về vai trò chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cả vùng, nên thời gian qua, các địa phương điều hành thực hiện theo chức năng nhiệm vụ trong phạm vi địa bàn của mình. Việc phối hợp giữa các địa phương trong vùng nếu có chỉ là sự hợp tác liên kết phát triển riêng rẽ.

Kỳ vọng vươn lên tầm cao mới

PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ, các tỉnh, thành phố ĐNB đã và đang giữ vai trò quyết định đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ điều tiết ngân sách của các tỉnh ĐNB về trung ương rất lớn, bình quân chỉ được giữ lại khoảng 24 - 25% nguồn thu. Với vai trò quan trọng của khu vực, cần xem xét điều chỉnh tỷ lệ điều tiết, gia tăng phần ngân sách của các tỉnh được giữ lại.

 Hoàn thiện hạ tầng giao thông để kết nối phát triển

Hoàn thiện hạ tầng giao thông để kết nối phát triển

Ngoài ra, việc tháo gỡ kết nối hạ tầng cho vùng ĐNB cũng nhằm tạo điều kiện để không chỉ phát triển kinh tế cho vùng này, mà còn là giải pháp gia tăng nguồn thu, có nguồn lực đầu tư cho các vùng, tỉnh, thành phố khác của cả nước. “Đã đến lúc đầu tư vùng nào có khả năng sinh sôi nguồn lực cho cả nước. Chỗ nào sinh lời, hiệu quả cao cần tập trung đầu tư. Nếu cả vùng thu ngân sách vượt chỉ tiêu thì phần vượt thu được để lại, nhằm đầu tư cho vùng không phải điều tiết về trung ương. Các thành viên trong vùng phải bảo vệ cái chung, ví dụ như dự án làm ở tỉnh A nhưng gây thiệt hại môi trường cho tỉnh B thì phải dừng...” - ông Ngân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc thành lập hội đồng vùng ĐNB cũng cần được thúc đẩy thực hiện nhanh chóng. Khi có hội đồng vùng phối hợp hiệu quả, sẽ thúc đẩy nguồn lực đầu tư. Ví dụ: Năm 2021, dự kiến cả vùng ĐNB được giao chỉ tiêu thu ngân sách khoảng 535.000 tỷ đồng, chi chỉ có 146.000 tỷ đồng. Nhưng nếu các tỉnh trong vùng đồng thuận, thu vượt chỉ tiêu, số tiền thu vượt này đề xuất đưa 100% vào quỹ đầu tư của vùng. Qua đó, để đầu tư cho các công trình kết nối vùng mà không chuyển về cho địa phương nào hay trung ương. Khi các tỉnh trong vùng ĐNB thấy việc phối hợp, chia sẻ lẫn nhau mang lại lợi ích chung sẽ góp phần tháo gỡ những suy nghĩ cục bộ, thúc đẩy sự kết nối. Giả sử, nếu Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng tốt, thu ngân sách cao, các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai... cũng thấy vui, vì các tỉnh cùng cộng hưởng sự phát triển từ kết quả này.

Bằng sự quyết tâm bước vào giai đoạn phát triển mới, khởi đầu của mùa xuân mới, vùng ĐNB kỳ vọng thực hiện nhiều mục tiêu phát triển ở tầm cao.

Năm 2020, nhiều tỉnh vùng ĐNB đã vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh gây ra, và gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh Bình Dương với tổng sản phẩm nội địa năm 2020 tăng 6,91%, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,845 tỷ USD (vượt 31,8% kế hoạch năm). TP. Hồ Chí Minh đóng góp cho sự tăng trưởng xuất khẩu với tổng kim ngạch đạt 44 tỷ USD. Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận điểm sáng ở công tác thu ngân sách, khi tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 100,47% dự toán, bằng khoảng 76.400 tỷ đồng.

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vung-dong-nam-bo-va-ky-vong-but-pha-152001.html