Vùng đất thiêng khởi sắc

Về vùng Bảy Núi, An Giang, trong tiết trời se lạnh của những ngày Xuân, chúng tôi cảm nhận được sự chuyển mình mạnh mẽ của một vùng đất từng một thời bị tàn phá bởi chiến tranh. Giờ đây, nhiều phum, sóc đang khởi sắc từng ngày, Bảy Núi đang thay da đổi thịt, cuộc sống của người dân vùng biên từng bước vươn lên, vững vàng trên con đường đổi mới.

Các phương tiện lưu thông qua Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Ảnh: Đức Thắng

Gọi là Bảy Núi, nhưng thật ra nơi đây là một quần thể gồm 37 ngọn núi cao, thấp thuộc hai huyện biên giới là Tịnh Biên và Tri Tôn. Bảy Núi là nơi tập trung hơn 80.000 người dân tộc Khmer và cũng là vùng đất nghèo nhất của tỉnh An Giang. Sau nhiều năm đầu tư, thực hiện kế hoạch xóa đói, giảm nghèo thì mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân vùng biên đã đạt kết quả tích cực. Hầu hết các phum, sóc hẻo lánh ở Tịnh Biên, Tri Tôn có điện lưới quốc gia, 97% hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, lại có ba trạm tiếp sóng phát thanh và truyền hình ở Tức Dụp, Tà Pạ, Trà Sư phủ sóng khắp vùng Bảy Núi.

Trong niềm vui của những ngày đầu năm mới, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Quân cho biết, năm 2017, Tịnh Biên đã dồn sức cho những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để phát huy lợi thế về kinh tế biên giới, du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, nhờ đó đã đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Lần đầu tiên trong năm, huyện đã thu hút được 9 dự án đầu tư, trong đó có 5 dự án về du lịch.

Trong nông nghiệp, nhiều công trình thủy lợi vùng cao được đầu tư xây dựng như hệ thống Trạm bơm 3-2 giai đoạn 2, Trạm bơm Đình Nghĩa, các công trình thủy lợi bờ Bắc kênh Vĩnh Tế, đồng thời, tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiếp tục thực hiện dự án phát triển nông nghiệp bền vững VnSAT. Bên cạnh đó, huyện mạnh dạn hỗ trợ vốn vay cho các làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, cải tiến thiết bị, máy móc và phát triển sản xuất. Vì thế, năm 2017 đã giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,38%, vượt chỉ tiêu 169%; xây dựng xã Thới Sơn đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều công trình giáo dục, y tế, văn hóa được đầu tư xây dựng phục vụ đời sống nhân dân.

Còn tại huyện Tri Tôn, với diện tích đất nông nghiệp khoảng 43.000ha (lớn nhất tỉnh An Giang), những năm qua, hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư với 259 hệ thống bơm điện thay cho bơm dầu, 5 trạm bơm thủy lợi vùng cao, 4 hồ chứa nước với dung tích từ 270.000m³ đến 620.000m³ để phục vụ phát triển sản xuất. Huyện đã xây dựng 61 tiểu vùng đê bao khép kín ở những vùng đất trũng để chủ động kiểm soát lũ, mỗi tiểu vùng trung bình từ 200 – 1.000ha, đi kèm với cơ giới hóa và ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, từ đó hình thành các vùng chuyên canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giá trị cao gắn với thị trường tiêu thụ.

Cánh đồng lớn ở huyện Tịnh Biên đem lại những mùa vàng bội thu. Ảnh: Đức Thắng

Ông Phan Văn Sương, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết: “Năm 2017, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của huyện miền núi Tri Tôn tiếp tục phát triển. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt gần 88 triệu đồng/ha. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tăng 11,89%. Thu nhập bình quân hộ gia đình đạt 32,7 triệu đồng. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 675,8 tỷ đồng, vượt gần 44% dự toán. Bên cạnh đó, công tác xóa đói giảm nghèo được chú trọng, tỷ lệ giảm nghèo đạt 3,14%, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Vĩnh Gia và Tà Đảnh. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh đạt kết quả tích cực”.

Bên cạnh việc phát huy thế mạnh về nông nghiệp, hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn cũng đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biên giới, du lịch và dịch vụ với nhiều danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc, lễ hội độc đáo như: Khu chợ biên giới Tịnh Biên, Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, Khu du lịch Núi Cấm, khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp, lễ hội đua bò... cùng với vẻ đẹp cổ kính của gần 60 ngôi chùa Khmer trong vùng, mỗi năm thu hút khoảng 5 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi, mua sắm.

Đối với con em đồng bào Khmer, ngoài chế độ miễn học phí và các lệ phí thi, tuyển sinh, học sinh còn được hưởng học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước, hỗ trợ tiền mua học phẩm, sách giáo khoa, chăm sóc sức khỏe; tiền điện, nước, tiền ăn khi ở nội trú. Hiện nay, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú An Giang đã tuyển được gần 500 em, trong đó đa phần là học sinh dân tộc Khmer theo học 6 nghề trình độ trung cấp (tin học, sửa chữa - lắp ráp máy vi tính, điện công nghiệp, hàn, bảo vệ thực vật và cơ điện nông thôn).

Mô hình này góp phần phân luồng học sinh, tạo ngành nghề phục vụ nông thôn, mở ra cơ hội sớm tiếp cận ngành nghề, giải quyết công ăn việc làm, nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc. Một tín hiệu rất đáng mừng là hơn một nửa trong số 65 cán bộ, giáo viên, công nhân viên làm việc tại đây là người dân tộc Khmer, trong đó có 3 thạc sĩ, 51 cử nhân, kỹ sư, 9 cao đẳng và 2 trung cấp. Đến năm 2020, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú An Giang sẽ nâng diện tích lên 50.000m², quy mô học sinh trung cấp nghề lên 2.000 em, nâng cấp ký túc xá từ 600 chỗ hiện nay lên 1.000 chỗ, xây dựng thêm 12 phòng học lý thuyết, lập nông trại thực nghiệm, nâng tổng số nghề đào tạo bậc trung cấp lên 14 nghề. Trường sẽ có 200 cán bộ, giáo viên, công nhân viên và phấn đấu có 30% đạt trình độ thạc sĩ.

Rồi đây, vùng đất thiêng Bảy Núi sẽ gắn với tuyến phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Hà Tiên - Phú Quốc - Rạch Giá; tuyến du lịch quốc tế An Giang - Tà Keo - Phnôm Pênh - Xiêm Riệp; rồi du lịch đường sông Cần Thơ - Châu Đốc - Tân Châu - Phnôm Pênh - Biển Hồ; du lịch đường biển với các nước trong khu vực... Ngày đầu xuân về Bảy Núi, tiếng leng keng của xe ngựa, tiếng tu hú gọi bầy trong trẻo giữa không gian trùng điệp... như níu chân du khách. Bảy Núi - nơi “âm dương hội tụ” đã nối thông với Châu Đốc bằng con đường tráng nhựa phẳng lỳ. Một vùng phên giậu đang khởi sắc!

Đức Thắng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vung-dat-thieng-khoi-sac/