Vùng đất năng động dưới chân núi Voi

Khách miền xa đến với Lâm Ðồng theo đường hàng không sẽ cảm thấy nao lòng khi máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Liên Khương trên địa bàn huyện Ðức Trọng.

Khách miền xa đến với Lâm Ðồng theo đường hàng không sẽ cảm thấy nao lòng khi máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Liên Khương trên địa bàn huyện Ðức Trọng.

Một vùng núi đồi miên man, dòng sông len lỏi qua những cánh rừng, phố thị sầm uất, những buôn làng thanh bình với vườn nương mát mắt. Ðức Trọng hiện lên với hình ảnh tràn căng sức sống. Vùng quê ấy xứng đáng được Chính phủ công nhận là huyện Nông thôn mới sau nhiều năm nỗ lực không ngừng…

Phía đầu huyện là dãy núi Voi sừng sững in dấu ngàn năm trầm tích, căn cứ kháng chiến nổi tiếng một thời. Cuối huyện là cây cầu Ðại Ninh từng ghi vào lịch sử, một ranh giới tranh chấp giữa ta và địch trên huyết mạch nối cao nguyên Ðà Lạt với thủ phủ Sài Gòn hồi chế độ cũ. Vùng Loan với năm xã giáp ranh tỉnh Bình Thuận cạnh các chiến khu Lê Hồng Phong, căn cứ sông Mao là núi rừng thuở đạn bom "nếm mật nằm gai". Lật lại trang sử kháng chiến, Ðức Trọng là vùng quê in dấu biết bao ký ức oai hùng.

Ðất này một thời là "tử địa". Lực lượng ta từ chiến khu về, vượt lộ bám dân, gây dựng cơ sở, phát triển phong trào. Ðịch ngày đêm lùng sục, truy quét. Biết bao chiến công và hy sinh đã được ghi lại trên trang sử vệ quốc và hiển hiện những địa chỉ đỏ trên tấm bản đồ của huyện. Ký ức về một thời hào hùng, gian khổ, những tháng ngày nặng nghĩa Ðảng tình dân mà tôi từng được các bậc lão thành ở xứ này kể lại cho nghe, là những câu chuyện sống động không bao giờ dứt…

Lịch sử sang trang, trong công cuộc kiến thiết quê hương, vùng đất dưới chân núi Voi đã và đang có những bước chuyển mình quan trọng. Nằm giáp TP Ðà Lạt, Ðức Trọng có vị trí đắc địa. Các huyết mạch giao thông lớn đều đi qua huyện như quốc lộ 20 nối với TP Hồ Chí Minh; quốc lộ 27, 27B nối Nha Trang, Ninh Thuận, Lâm Ðồng, Ðắk Nông, Ðắk Lắk; tuyến đường cao tốc Liên Khương - Ðà Lạt trong tương lai sẽ nối thẳng về Dầu Giây - Ðồng Nai; quốc lộ 28B nối với Bình Thuận; rồi Cảng hàng không quốc tế Liên Khương. Với vị trí đó, Ðức Trọng nằm trên tuyến giao thương quan trọng của tỉnh Lâm Ðồng kết nối với miền trung - Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Phát huy lợi thế, cùng với sự năng động, sáng tạo của đảng bộ, chính quyền, sự cần cù, chịu khó của người dân nơi đây, những năm qua, diện mạo Ðức Trọng ngày càng "thay da đổi thịt".

Ðức Trọng đã trở thành trung tâm kinh tế, thương mại có sức chi phối toàn khu vực phía bắc Lâm Ðồng và ngày càng thể hiện rõ nét sự năng động của mình. Nêu thí dụ để thấy sự phát triển vượt bậc của vùng đất này là thị trường địa ốc của thị trấn Liên Nghĩa (Ðức Trọng) có chỗ giá còn cao hơn các thành phố Ðà Lạt, Bảo Lộc. Kinh doanh hàng hóa, nhất là các dịch vụ nông nghiệp, giao thông tại huyện cũng khá phong phú, hoạt động thương mại sôi động khi đảm nhận vai trò trung chuyển. Các loại dịch vụ, các đại lý thu mua, các cơ sở, công ty chế biến nông sản của Ðức Trọng phát triển dàn đều trong địa bàn toàn huyện, chi phối toàn diện các vùng nguyên liệu, tạo thuận lợi cho sản xuất và đời sống của người dân…

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc, Bí thư Huyện ủy Ðức Trọng phân tích khái quát về những nét nổi bật trong việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng huyện nông thôn mới, các bước đột phá, tăng tốc ở Ðức Trọng. Theo đó, thành tích thể hiện rõ trên một số lĩnh vực như: Cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp và kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch quan trọng, tạo năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao; đã hình thành một số vùng sản xuất nguyên liệu nông nghiệp tập trung chuyên canh theo hướng công nghệ cao, phục vụ công nghiệp chế biến. Việc tiêu thụ sản phẩm bước đầu gắn kết được giữa sản xuất với chế biến, dịch vụ, góp phần tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ và thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài tăng mạnh, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng tỷ trọng các ngành động lực trong cơ cấu kinh tế; đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phục vụ đời sống…

Một trong những thành công của Ðức Trọng chính là việc phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng đầu tư thâm canh các loại cây trồng và chuyển dịch mạnh sang sản xuất rau, hoa. Tính đến năm 2020, trên địa bàn huyện có hơn 9.405 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (NNCNC).

Các dự án NNCNC tập trung được thu hút vào Khu sản xuất NNCNC Phú Hội với hơn 100 ha; Khu sản xuất NNCNC Phú An với diện tích hơn 300 ha; Khu Công nghiệp - Nông nghiệp Tân Phú với hơn 200 ha. Hiện tại, 88% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến gieo trồng, thu hoạch. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 242 triệu đồng/ha/năm; trong đó mô hình trồng hoa nhà kính đạt hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Toàn huyện đã có 485 ha của 43 đơn vị được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, trong đó có bốn đơn vị sản xuất được cấp Giấy chứng nhận "Ðà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành".

Có hơn 4.000 hộ sản xuất nông nghiệp cá thể (bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi) tham gia vào quy trình này. Ðức Trọng cũng tập trung đẩy mạnh khuyến công với 1.455 đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực như: chế biến nông sản, phân bón; phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với nguyên liệu địa phương như khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, gỗ, đồ uống, cơ khí, thủ công mỹ nghệ, điện gia dụng. Tại Khu công nghiệp Phú Hội đã có 32 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng và gần bốn triệu USD/59,7 ha. Huyện đang phối hợp các ban, ngành kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng và đầu tư sản xuất nông nghiệp từ Tổ chức JICA (Nhật Bản) để phát triển Khu Công - Nông nghiệp Tân Phú.

Là một trong những nhà đầu tư có mặt sớm tại Ðức Trọng, ông Hiroshi Kasai - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Ðà Lạt - Nhật Bản, bày tỏ: "Môi trường đầu tư tại huyện Ðức Trọng, Lâm Ðồng rất thông thoáng, thuận lợi. Tôi đến đây đã nhiều năm, và cảm nhận vùng đất này có những phát triển vượt bậc; hạ tầng và các loại dịch vụ phát triển nhanh tạo điều kiện rất tốt cho các nhà đầu tư. Tôi chỉ góp ý riêng, nên tách hẳn khu vực sản xuất ra khỏi khu dân cư thì sẽ tốt hơn trong tương lai…".

Bên cạnh các công ty, trang trại, các hộ nông dân tại Ðức Trọng lâu nay cũng làm quen với sản xuất các loại nông sản cao cấp xuất khẩu. Nhiều hộ nổi lên trong việc ứng dụng công nghệ mới, đưa lại giá trị cao cho nông phẩm. Rất nhiều hộ tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất. Anh Nguyễn Thanh Trường tại xã Tân Hội - xã thí điểm quốc gia xây dựng mô hình nông thôn mới, cho biết: Với 2.500 m2 đất xây dựng nhà kính, gia đình anh liên kết với Hợp tác xã Tiến Huy, sản xuất luân phiên các loại rau, củ, quả.

Hợp tác xã cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật, hộ gia đình cung ứng cho hợp tác xã toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch. Theo anh Trường, đây là cách làm mang lại giá trị ổn định và hiệu quả. Tại xã Tân Hội, việc phát triển NNCNC bước đầu thu được kết quả với tám mô hình hàng chục héc-ta rau, hoa và cây giống; các trang trại nuôi ba ba, ếch, bồ câu cao sản, trồng chuối Laba, nấm mèo xuất khẩu. Tại xã Hiệp An thì phần lớn diện tích sử dụng trồng hoa thương phẩm, xã Liên Hiệp phát triển chăn nuôi tập trung; các xã Phú Hội, Bình Thạnh, Ninh Gia… chuyển sang trồng cà-phê Catimo giống mới thay cho những giống cũ thoái hóa, giá trị kinh tế thấp. Năm xã vùng Loan phát huy tiềm năng đất đai và đồng cỏ tự nhiên, vừa phát triển cà-phê, chè, chanh dây, rau, hoa vừa tập trung nuôi gia súc lớn. Thay đổi cách làm ăn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và mùa vụ, lựa chọn những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị cao là điều mà từ lâu chính quyền và người dân Ðức Trọng trăn trở và đã tìm được hướng đi đúng.

Chẳng hạn như Ðạ Quyn, một xã từng được coi là nghèo nhất huyện, nơi có tới 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Vào thời điểm phát động xây dựng nông thôn mới vào năm 2011, mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 48% thì thời điểm tháng 8-2018, khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đã lên tới 35 triệu đồng và chỉ còn 6% hộ nghèo. Ðạ Quyn và cả năm xã vùng Loan ngày xưa là vùng sâu, đói nghèo và lạc hậu, nay đã trở nên trù phú. Ðổi thay đến ngỡ ngàng, là điều mà chúng tôi cảm nhận khi chứng kiến về vùng đất này trong hành trình vài chục năm qua…

Lãnh đạo huyện Ðức Trọng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh và huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng chợ nông thôn tại nhiều xã, cụm xã và lập chợ đầu mối, sàn giao dịch nông sản tại nhiều địa bàn trong huyện. Bước đi này thành công sẽ còn mở ra cho doanh nghiệp, chủ trang trại và người dân thêm nhiều cơ hội mới.

Thác Liên Khương, một thác nước hùng vĩ tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

Trước ngày Ðức Trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Chính phủ công nhận là huyện Nông thôn mới, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Ngọc Phúc, trong câu chuyện với chúng tôi về hướng mở của địa phương, đã nói: "Phát huy truyền thống cách mạng, với nội lực và tiềm năng, Ðức Trọng đã tạo nên sức bật mới trên lộ trình phát triển. Hướng đi tới của Ðức Trọng là phát triển thành một đô thị giáp ranh, một vệ tinh quan trọng của TP Ðà Lạt. Trên bản đồ quy hoạch mở cho hướng phát triển mới của vùng nam Tây Nguyên, trong tương lai khi Ðà Lạt sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương thì lúc đó Ðức Trọng cũng sẽ là một phân khu quan trọng trong đô thị lớn ấy. Ðức Trọng hội đủ các điều kiện phát triển. Chiến lược đã được vạch sẵn, tỉnh và huyện đang từng bước thực thi dần các yếu tố đặt nền tảng cơ sở".

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc, để làm được điều đó, ngay từ thời điểm này, huyện đang tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm của tỉnh có liên quan đến địa phương và các chương trình, công trình của huyện nhằm tạo sự bứt phá, tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đặt tiền đề xây dựng Ðức Trọng trở thành huyện công nghiệp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo huyện, trên tiến trình phát triển theo hướng hiện đại, trong bước chuyển mình quan trọng này, Ðức Trọng đang phải đối diện với không ít khó khăn. Ðó là quỹ đất ngày càng giảm trong khi lực hút các dự án đầu tư, yêu cầu phát triển hạ tầng trên địa bàn đang cao. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng mới, dự án mới sẽ dẫn đến phải giải tỏa, thu hồi mặt bằng, đền bù và giải quyết đời sống cho hàng chục, hàng trăm hộ dân. Vấn đề môi trường đang báo động, nhất là đối với các tụ điểm khai thác khoáng sản trái phép chưa vãn hồi trật tự. Rừng vẫn bị tàn phá.

Môi trường nhân văn cũng bị ảnh hưởng bởi tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng. Ðời sống người dân, nhất là một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu còn thấp. Bí thư Huyện ủy Ðức Trọng nhấn mạnh thêm: "Phát triển kinh tế - xã hội nhưng không phải bằng mọi giá mà phát triển trong thế bền vững, trong sự đồng thuận xã hội với việc đặt lợi ích của mai sau, của người dân lên hàng đầu là yêu cầu quan trọng và cấp bách".

Ðể làm được điều đó, đòi hỏi sự tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân trên vùng đất năng động và tươi đẹp dưới chân ngọn núi Voi lịch sử.

Bài và ảnh: Uông Thái Biểu

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/vung-dat-nang-dong-duoi-chan-nui-voi-609235/