Vùng đất khan hiếm trúc và con gái 13, 14 tuổi đã ham đan mê bồ

Không ngờ ở vùng đất xã Tân Bằng, huyện Thới Bình của đất mũi Cà Mau lại tồn tại 1 nghề nghe cái tên là lạ-đan mê bồ. Cũng nhờ sự hồi sinh của nghề đan mê bồ mà cây trúc-loại cây cung cấp nguyên liệu cho nghề đan mê bồ trở nên khan hiếm. Con gái ở Tân Bằng 13, 14 tuổi đã ham đan mê bồ...

Theo vòng quay của thời gian, nghề đan mê bồ ở huyện Thới Bình đã qua thời cực thịnh. Nhiều người còn đinh ninh rằng, chẳng còn mấy ai đan mê bồ, nên gần như một phản xạ trước những sản phẩm thủ công truyền thống, tôi tò mò về nhu cầu thị trường. Thì ra, chưa bao giờ mê bồ tồn kho, đan bao nhiêu mối lấy hết bấy nhiêu. Vậy lý do gì mà trong suy nghĩ của nhiều người, nghề này bị cho là sắp mai một?

Trúc là nguyên liệu chính để đan mê bồ. Mấy chục năm trước, người dân không đếm nổi nhà mình có bao nhiêu công trúc. Họ trồng trúc như một thói quen vì không biết trồng cây gì ngoài trúc trên đồng đất này.

Gian nan giữ nghiệp

Từng là người quyết tâm gắn bó cuộc đời mình với nghề đan mê bồ, đưa sản phẩm sang thị trường Campuchia, ông Nguyễn Văn Vĩnh (Chủ nhiệm HTX Trúc xanh, ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng lúc bấy giờ) khiến nhiều người tin rằng, cây trúc sẽ giúp người dân đổi đời. Rồi chẳng may ông đột ngột qua đời, để lại một "nốt trầm" khi có ai nhắc chuyện giữ nghề.

Trung bình 1 bụi trúc được bán với giá 100.000 đồng, 1 công trúc tầm lớn có thể bán được 10 triệu đồng.

Anh Nguyễn Thanh Vui, con trai út của ông Nguyễn Văn Vĩnh, bộc bạch: “Từ hồi ba mất, HTX cũng giải thể, đã hơn 4 năm nay. Tui cũng muốn giữ nghề nhưng giá trúc cao quá, mê bồ bán ra không có lời vì người dân chuyển qua nuôi tôm, phá bỏ trúc. Nhân công đan 1 ngày chưa được 100 ngàn nên không mấy ai chịu đan, dần dà tui cũng đành buông bỏ chuyển qua cân tôm. Chắc ba cũng buồn vì tui không nối nghiệp của ông bà để lại”.

Còn bà Tư Thanh (Nguyễn Thị Thanh, 53 tuổi, ấp Nguyễn Huế, xã Tân Bằng) lúc 13 tuổi đã biết đan mê bồ. Theo bà Tư, vào trận lũ lịch sử, dân Đồng Tháp Mười chạy về đây trốn lũ. Họ đem nghề đan mê bồ về xứ này lập nghiệp. Nghề truyền nghề, nên từ đó người dân ở đây cũng biết đan mê bồ và được xem như nghề chính lúc nông nhàn.

Trúc thời đó nhiều vô số kể, nên 1 tháng đan mê bồ gần bằng 1 vụ lúa. Từ Kinh 4 đến Kinh 7, nhà nào có con gái, mới 13, 14 tuổi là đã biết đan mê bồ. Nhưng từ khi con tôm lên ngôi, trúc dần bị phá bỏ. Bà Tư không phủ nhận nhiều nhà tường trong xóm mọc lên nhờ con tôm. Nặng tình muốn giữ trúc, giữ nghề đan mê bồ như bà Tư chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hơn 5 năm nay, bà Tư phải mua trúc để duy trì nghề đan. Mỗi bó 25.000 đồng, ai rành nghề thì 2 bó đan 3 cái mê bồ. Nhờ cần cù, chịu khó bám trụ với nghề nên bây giờ bà Tư là chủ điểm thu mua mê bồ, bỏ mối cho lái ở Đồng Tháp, mê bồ cật thì 65.000 đồng/cái, mê bồ ruột thì 17.000 đồng/cái. Nói là chủ cho oai, chứ bà Tư đâu phải ngồi chỉ tay năm ngón, mà bà tự đi mua từng cây trúc, lách từng cọng nan cho chị em đan.

Bà Tư rành rọt: “Những người gốc ở Đồng Tháp, xuống đây trốn lũ rồi ở luôn, bây giờ không còn trúc để đan. Đất kế bên mà nuôi tôm là trúc vườn mình lớn không nổi. Riết ai cũng bỏ trúc, chuyển qua làm vuông. Chị em nào muốn đan thì tôi mua trúc rồi lách sẵn cho họ đem về nhà đan, trả công 1 cái mê bồ 10.000 đồng. Người nào đan giỏi cũng kiếm được 70.000-80.000 đồng/ngày”.

16 năm làm nghề đan mê bồ, không có đất trồng trúc, ông Đoàn Hữu Phước (ấp Tấn Công, xã Tân Bằng) vay tiền đi mua, bán xong mê bồ thì trả lại tiền vốn và được lời chút đỉnh. Em Đoàn Thị Yến Ngọc (con ông Phước, 15 tuổi) cũng đan mê bồ phụ cha. Em đan chẳng kém ai, 6-7 cái/ngày. Ông Phước cười: “Thấy con ham nên cũng dạy cho đan. Tự đan kiếm tiền đi học, có khi tui mượn tiền cháu để đi mua trúc về hai cha con làm. Tuy không khá giả gì, nhưng được cái ăn chắc mặc bền”.

Thắp hy vọng hồi sinh cây trúc

Biết đan mê bồ từ thời con gái, chị Nguyễn Thị Út (ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông) tiếp tục giữ nghề khi về nhà chồng. Giữa lúc nghề đan mê bồ sắp lụi tàn, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, chẳng ai như chị, đi vay Hội Phụ nữ xã 2 triệu đồng để mua trúc đan mê bồ. Chị Út kể: “Mình lớn lên nhờ cha mẹ đan mê bồ. Lúc khó khăn, vay tiền cũng đâu biết làm nghề gì ngoài đan mê bồ. Thị trường đầu ra ổn định, nhiều khi không đủ hàng giao cho thương lái”.

Theo chị Nguyễn Thị Út, để xuất bán sang Campuchia, tấm mê bồ phải đủ kích cỡ ngang 3,2 m, dài 1,2 m.

Khi đã đứng vững được với nghề, chị “rủ rê” chị em trong xã tham gia tổ hợp tác đan mê bồ, vừa kịp số lượng hàng giao, vừa tăng thu nhập cho chị em. Chị quyết tâm mở rộng sản phẩm mê bồ từ trong nước sang nước bạn Campuchia.

Chị Út bộc bạch: “Lúc mới xuất bán qua Campuchia, mỗi tháng đi được đến 2 chuyến. Sau này trúc hiếm nên 1 tháng mới đi 1 chuyến, được từ 2.000-3.000 mê. Nghe ông xã nói lại là mê bồ bên đó người ta để ví lúa, tấn ao nuôi cá. Còn ở Sài Gòn thì lót dưới tàu xuất khẩu gạo để gạo không bị ẩm hoặc lót để vận chuyển trái cây”.

Chị Đỗ Bích Trâm (ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông) cười: “Đan riết quen, có khi không đủ trúc để đan.Đan bao nhiêu cũng bán hết, thấy ham lắm”. Chị Trâm tham gia đan mê bồ cho chị Út từ những ngày đầu thành lập tổ hợp tác. Tranh thủ đưa con đi học, chị ghé tổ hợp tác đan mê bồ, kiếm được vài chục ngàn xoay xở trong nhà.

Anh Linh thu mua trúc cắt đem phơi hoặc sấy khô rồi giao cho các điểm làm mành ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh).

Anh Vũ Đức Linh (Ấp 5, xã Thới Bình) từ Nam Định về đây lập nghiệp hơn 15 năm nay. Anh chuyên đi thu mua nhánh trúc từ Tân Bằng, Biển Bạch Đông đến Trí Lực, phơi khô để cung cấp cho các điểm làm mành ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Anh đi từng nhà gom với giá 8.000 đồng/kg nhánh trúc cắt sẵn theo mẫu.

“Cha mẹ tôi làm nghề này mấy chục năm nay rồi. Nghe nói trúc nhánh ở đây người ta bỏ, trong khi trúc cắt trên đó không đủ làm nên tui tìm về tận đây để thu mua. Lúc mới về đây mua, 1 tháng có khi được 40-50 tấn, mấy năm nay chỉ còn được một nửa, nhưng nhờ có giá nên ai cũng ham, không ai bỏ trúc nhánh nữa. Thấy giá trị của trúc, nhiều người quay trở lại trồng trúc nên người làm nghề như tụi tui mừng lắm”, anh Linh chia sẻ.

Hơn 15 năm nay, ông Hai Vũ (Nguyễn Hoàng Vũ, ấp Tấn Công, xã Tân Bằng) vẫn nhất quyết giữ vườn trúc hơn 5 ha. Ông Hai cười: “Cô coi, bây giờ trúc có giá, 1 năm làm 2 vụ lúa không bằng 10 công trúc. 3 năm, trúc mới đúng tuổi thu hoạch, nên tui bán xen 1 năm 3 lần cũng được hơn 200 triệu. Ở xứ này, nuôi tôm, làm lúa có khi thất, khi trúng, ảnh hưởng thời tiết, trúc thì chỉ sợ nước mặn thôi chứ cỡ nào cũng sống được...”.

Phó chủ tịch UBND xã Tân Bằng Lê Tuấn An thông tin: “Xã còn khoảng 10 hộ làm nghề và hơn 50 nhân công đan mướn. Những hộ làm nghề đan mê bồ chủ yếu gặp khó khăn về nguyên liệu. Thấy được giá trị của trúc nên hiện nay, nhiều hộ dân đã khôi phục lại vườn trúc. Đây được xem là tín hiệu vui cho nghề đan mê bồ truyền thống và những hộ gắn bó với nghề đều có thu nhập ổn định”.

Cây trúc đã tìm lại được giá trị của mình. Không phải “hữu xạ tự nhiên hương” mà cần phải có bàn tay, sự cần mẫn của con người mới có thể thay đổi được "số phận" của nó trên vùng đất này. Cây trúc đã hồi sinh thì nghề đan mê bồ truyền thống nhất định sẽ sống lại.

Tổ hợp tác đan mê bồ ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông được thành lập năm 2015. Ngoài tiêu thụ thị trường nội địa, sản phẩm mê bồ của tổ hợp tác còn xuất bán sang Campuchia, lợi nhuận 20-25 triệu đồng/chuyến. Hiện nay, tổ hợp tác có 18 thành viên với hơn 40 nhân công lao động. Trung bình mỗi chị đan từ 6-7 tấm mê bồ, thu nhập từ 60.000-70.000 đồng/ngày.

Thảo Mơ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/vung-dat-khan-hiem-truc-va-con-gai-13-14-tuoi-da-ham-dan-me-bo-871450.html