Vùng dân tộc thiểu số 'thay da đổi thịt' nhờ những chính sách thiết thực

Hiện nay, có 118 chương trình, chính sách triển khai thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi; trong đó có 54 chính sách trực tiếp cho đồng bào DTTS và 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào DTTS. Các chính sách đã bao phủ toàn diện các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa...

Cô đỡ thôn bản truyền thông về dinh dưỡng cho các bà mẹ ở vùng DTTS tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Khang

Cô đỡ thôn bản truyền thông về dinh dưỡng cho các bà mẹ ở vùng DTTS tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Khang

Kinh tế vùng dân tộc thiểu số khởi sắc

Có được những thay đổi tích cực đó cũng là nhờ kết quả thực hiện một số chương trình, chính sách dành cho đồng bào DTTS. Trước hết là Chính phủ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, có 100% huyện có đường đến trung tâm huyện lỵ; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia... Chương trình 135 qua 20 năm thực hiện (1998-2018) đã hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 200 trung tâm cụm xã và gần 38.700 công trình các loại đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng DTTS và miền núi.

Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Theo tổng hợp báo cáo của 45 tỉnh vùng DTTS và miền núi, năm 2018, có 4 tỉnh có cơ cấu nông lâm nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, 11 tỉnh có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp và có tới 30 tỉnh có cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông lâm nghiệp. Bước đầu hình thành vùng sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa như: Cà phê, chè, cao su, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ... Một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, An Giang, Trà Vinh, Bến Tre... đã thực hiện thành công một số mô hình chuyển đổi sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch danh thắng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa tâm linh đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của vùng DTTS và miền núi. Trong đó, du lịch cộng đồng bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo nguồn thu nhập người dân vùng DTTS. Đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 5.000 homestay, đủ cung cấp chỗ lưu trú cho gần 100.000 du khách.

Nhờ những chính sách thiết thực, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình vùng DTTS hằng năm luôn đạt từ 8-11%. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống khoảng 5,23% cuối năm 2018. Tỷ lệ các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm; hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4%/năm.

An sinh xã hội ngày càng được nâng cao

Cùng với sự phát triển về kinh tế, trình độ dân trí của đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt thông qua chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo, mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào được nâng cao. Quy mô, mạng lưới trường lớp ở vùng DTTS và miền núi được củng cố, phát triển từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở được tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng.

Hiện, toàn vùng có 5.766 trường mầm non, 100% số trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non dưới 5%. Đến nay, các tỉnh vùng DTTS đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ đơn vị cấp xã đạt chuẩn là 99,7%, tỷ lệ đơn vị cấp huyện đạt chuẩn 100%. Toàn quốc có gần 7,8 triệu học sinh tiểu học, trong đó, học sinh DTTS chiếm 17,5%.

Về y tế, hầu hết người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khống chế và loại bỏ dịch bệnh nhờ mạng lưới y tế cơ sở vùng DTTS và miền núi ngày càng hoàn thiện, cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ y, bác sĩ ngày một nâng cao. Đến năm 2018, cả nước có 98,4% số xã có trạm y tế hoạt động; 96% số thôn bản có nhân viên y tế. Người nghèo, đồng bào DTTS, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đồng bào DTTS vùng khó khăn được Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Năm 2018, có hơn 6,6 triệu người nghèo DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chiếm gần 70% người DTTS.

Đặc biệt, sức khỏe phụ nữ người DTTS ngày càng được quan tâm. Năm 2017, có 27.604 phụ nữ thuộc hộ nghèo là đồng bào DTTS sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ. Hiện nay, có 1.737 cô đỡ thôn bản tại 8.165 thôn bản khó khăn, làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng DTTS và miền núi và đỡ đẻ sạch, đẻ an toàn, thực hiện vai trò là cầu nối giữa y tế xã với người dân. Bên cạnh đó, với 152 phòng khám quân-dân y tại các đồn Biên phòng dọc tuyến biên giới thực sự là “cánh tay nối dài” của ngành y tế đến tận buôn, làng, thôn, bản.

Vũ Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vung-dan-toc-thieu-so-thay-da-doi-thit-nho-nhung-chinh-sach-thiet-thuc/