Vùng cao Lục Ngạn khởi sắc

Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có 11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những năm qua, nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, đời sống đồng bào các dân tộc không ngừng cải thiện, số hộ nghèo giảm mạnh. Diện mạo các xã vùng cao, trên đèo đã và đang từng ngày khởi sắc.

Một góc xã vùng cao Phong Minh hôm nay.

Một góc xã vùng cao Phong Minh hôm nay.

Trong câu chuyện với Bí thư Huyện ủy Nguyễn Việt Oanh, được biết, thời điểm này, bên cạnh công tác phòng dịch Covid-19, chuẩn bị bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, các đồng chí cấp ủy huyện đang tập trung xuống cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp.

Để khắc phục tình trạng xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng không sát thực tế, Huyện ủy yêu cầu các đồng chí Huyện ủy viên, ngoài hướng dẫn học tập nghị quyết cần nắm vững đặc điểm, tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, từ đó xây dựng chương trình hành động cụ thể, rõ từng việc, có tầm nhìn dài hạn.

Là huyện miền núi, có 11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó 7 xã trên đèo, khó khăn của huyện tăng gấp bội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV dành sự ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người để cải thiện rõ nét, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Những năm gần đây, kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện phát triển mạnh, nhất là các loại cây ăn quả có múi. Hằng năm giá trị thu nhập từ cây ăn quả của huyện đạt khoảng 3.300 tỷ đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện huy động sức dân đầu tư mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống cho chính nhân dân.

Từ kinh nghiệm thực tế, huyện định hướng chỉ đạo các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn phát triển mạnh cây ăn quả, chăn nuôi gia súc gồm trâu, bò, ngựa. Nghiên cứu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XXV, phần định hướng phát triển KT - XH khu vực vùng cao, đặc biệt khó khăn là phát triển cây ăn quả như vải thiều, cây ăn quả có múi tôi hơi băn khoăn.

Hơn hai mươi năm trước, khi cây vải thiều phát triển mạnh, cho thu nhập khá ở vùng thấp của huyện, Huyện ủy, UBND huyện đã phát động vùng thấp ủng hộ cây giống, đưa vải thiều lên vùng cao. Tuy nhiên, phong trào thất bại vì cây vải không phù hợp khi đưa lên vùng cao, đất đai khô cằn. Nay, huyện đưa vào nghị quyết hẳn phải có cơ sở khoa học và thực tiễn. Để “thực mục sở thị”, tôi quyết định dành thời gian khảo sát thực tế ở các xã vùng cao của huyện.

Nhiệm kỳ 2016-2020, Lục Ngạn đã cứng hóa 1.500km đường giao thông nông thôn. Đường mở đến đâu, sản xuất phát triển, đời sống đồng bào các dân tộc no ấm đến đó; sự nghiệp văn hóa, giáo dục được chăm lo. Vùng cao Lục Ngạn đang khởi sắc từng ngày.

Trụ sở Đảng ủy, UBND xã Tân Sơn được xây hai tầng khang trang. Khi tôi đến Chủ tịch UBND xã Chu Văn Thèn đợi sẵn. Vừa ngồi ấm chỗ, anh đã nói đồng chí Bí thư đi bản chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

Dọc đường lên Tân Sơn, bác có thấy khác nhiều không? Bây giờ tìm nhà tường trình, lợp ngói ống khó lắm. Nhà nhà làm nhà mái bằng hai ba tầng, trong nhà có đủ đồ dùng thiết yếu. Nhà cửa, đồ điện, đường thôn bản đều từ quả vải, con trâu, bò, ngựa bạch mà ra.

Tân Sơn là một trong 7 xã vùng cao trên đèo đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn. Xã có diện tích 5.300 ha, trong đó 3 nghìn ha đất lâm nghiệp, 1.900 ha rừng phòng hộ. Đất nông nghiệp, đất ở còn 1.400 ha. Xã có 12 thôn, bản với 1.900 hộ.

Từ trước năm 2016, Tân Sơn là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 52%. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2016-2020 gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, Tân Sơn và các xã vùng đèo của huyện có bước chuyển biến mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển cây vải thiều, cây ăn quả có múi và chăn nuôi đại gia súc gồm ngựa bạch, trâu, bò.

Nói về cây vải thiều, Chủ tịch UBND xã Chu Văn Thèn cho biết, xưa thất bại, còn nay khác rồi. Cán bộ kỹ thuật lên giúp quy hoạch vùng trồng vải phải có nguồn nước nhưng không trũng ngập. Giống vải được chọn lọc kỹ, các khâu trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn “cầm tay chỉ việc làm” cụ thể.

Đến nay, toàn xã trồng 620ha vải thiều, sản lượng 6 nghìn tấn. Căn cứ vào đặc điểm các thôn, bản, xã đã tổ chức thành 7 vùng chuyên canh vải thiều VietGAP, chăm sóc, phân bón hữu cơ, vùng chỉ dẫn địa lý hiện có 62 hộ, diện tích 55,15ha. Qua khảo sát vụ vải năm 2020, doanh nghiệp xuất khẩu vải đã xuất được 41 tấn sang thị trường Nhật Bản. Anh Thèn cho biết do đặc điểm của tiểu vùng khí hậu, vải thiều vùng đèo thu hoạch muộn hơn chính vụ một tháng nên giá trị cao hơn chính vụ.

Phong Minh là một trong 7 xã vùng đèo khó khăn đến nay kinh tế cũng có bước phát triển. Năm 2020 toàn xã trồng mới 15 ha vải, đưa diện tích vải thiều đạt 109 ha. Vụ vải thiều năm 2020, sản lượng vải thiều của xã đạt 570 tấn, giá bình quân 25 nghìn đồng/kg. Ông Lý Văn Nở là thương binh, vụ vải năm 2020 gia đình ông thu 10 tấn quả, bán được hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thỏa, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Minh phấn khởi cho biết, xã không chỉ có cây vải, chăn nuôi cũng phát triển mạnh. Toàn xã có 800 con trâu, 1.103 con bò, 495 con ngựa, trong đó 50% là ngựa bạch giá trị cao gấp hai lần ngựa màu. Trong xã có hàng chục hộ có từ 20-30 con bò, ngựa, dê. Anh Thỏa chia sẻ: Nhà xây gạch khang trang, đường nông thôn bê tông từng ngõ xóm là từ cây ăn quả và chăn nuôi mà thành. Hiện hộ nghèo của xã giảm còn 14,2%; xã phấn đấu hết năm nay giảm còn dưới 10%.

Chăn nuôi trâu, bò ở các xã cùng cao đã có từ nhiều đời, nhưng nuôi ngựa bạch là nét mới trong chăn nuôi ở các xã vùng cao Lục Ngạn. Ông Nguyễn Đức Khương là Chủ nhiệm HTX chăn nuôi ngựa ở xã Tân Sơn. Tuy HTX mới có 7 xã viên, nhưng đã liên kết với nhiều hộ chăn nuôi ngựa ở trong vùng để trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, chọn giống, ký kết tiêu thụ trâu, bò, ngựa. Riêng HTX tập trung nuôi ngựa bạch. Hiện giá một con ngựa bạch khoảng 60 triệu đồng, cao gấp 2 lần ngựa màu, nhu cầu thị trường còn lớn.

Thăm vùng đèo lần này, không còn cảnh đồi núi khô cằn, cỏ dại. Hai bên đường mầu xanh bạt ngàn. Trên cao là cây lấy gỗ, dưới là vùng cây ăn quả. Con đường từ quốc lộ 31 qua đèo Váng lên Tân Sơn, Cấm Sơn sang Đồng Mỏ (Lạng Sơn) được nâng cấp, mở rộng, trải nhựa áp phan. Hệ thống đường vào trung tâm xã được nâng cấp mở rộng, cứng hóa.

Đường vào các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được cải tạo, cứng hóa. Nhiệm kỳ 2016-2020, Lục Ngạn đã cứng hóa 1.500km đường giao thông nông thôn. Đường mở đến đâu, sản xuất phát triển, đời sống đồng bào các dân tộc no ấm đến đó; sự nghiệp văn hóa, giáo dục được chăm lo. Vùng cao Lục Ngạn đang khởi sắc từng ngày.

Bài, ảnh: Hoàng Tiến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/358795/vung-cao-luc-ngan-khoi-sac.html