Vùng áp thấp trên Biển Đông có mạnh lên thành bão?

Cường độ vùng áp thấp còn quá yếu để dự báo chi tiết hơn về kịch bản hình thành và đổ bộ. Tuy nhiên, nhận định chung cho thấy hình thái này sẽ gây ra mưa lớn dài ngày cho Bắc Bộ.

Đường đi của vùng áp thấp trên Biển Đông Vùng áp thấp trên Biển Đông sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong 2 ngày tới. Tác động của hình thái cực đoan này gây mưa lớn diện rộng cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Sáng 30/7, vùng áp thấp vừa vượt qua miền Trung Philippines rồi tiến vào Biển Đông có xu hướng mạnh lên. Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h và mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Trao đổi với Zing, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết còn quá sớm để nhận định sau khi vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, hay hình thái này sẽ tiếp tục mạnh lên thành bão.

3 kịch bản mạnh lên của vùng áp thấp

Theo ông Lâm, cơ quan khí tượng đã đề ra nhiều kịch bản cho diễn biến tiếp theo của vùng áp thấp đang hoạt động trên Biển Đông. Khả năng cao là vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục mạnh lên thành bão.

"Nếu mạnh lên thành bão, hình thái này có thể đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ sau đó di chuyển chậm. Đó là kịch bản khả dĩ nhất mà chúng tôi dự báo hiện nay", ông Lâm nhận định.

 Dự báo đường đi trong 48 giờ tới của vùng áp thấp đang hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: NCHMF.

Dự báo đường đi trong 48 giờ tới của vùng áp thấp đang hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: NCHMF.

Ngoài ra, các chuyên gia khí tượng cũng tính đến trường hợp bão đổi hướng lên Trung Quốc. Nếu theo kịch bản này, rãnh áp thấp của dải hội tụ nhiệt đới sẽ gây mưa cho toàn Bắc Bộ.

Kịch bản thứ 3 là vùng áp thấp chỉ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới tạo ra dải hội tụ nhiệt đới gây mưa lớn cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó suy yếu chứ không mạnh lên thành bão.

Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết dù vùng áp thấp mạnh lên và di chuyển theo kịch bản nào, thì đều dẫn đến một kết quả chung là gây mưa rất lớn cho miền Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế.

"Ngoài các kịch bản dự báo cho vùng áp thấp, điều mà chúng tôi chú trọng nhất hiện nay là tác động của các hình thái cực đoan sẽ gây ra đợt mưa lớn, kéo dài trong những ngày tới cho cả Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ", ông Lâm nói.

Bắc Bộ sẽ hứng đợt mưa dài nhất từ đầu năm

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 7h sáng 30/7, trọng tâm vùng áp thấp cách quần đảo Hoàng Sa 600 km về phía đông. Ảnh hưởng của vùng áp thấp đang gây ra gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 8 ở phía bắc Biển Đông.

Cơ quan khí tượng cảnh báo toàn bộ hoạt động trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông có rủi ro cao.

Theo chuyên gia khí tượng, diễn biến tiếp theo của vùng áp thấp cho thấy sau khi mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, hình thái này sẽ tạo ra một dải hội tụ nhiệt đới đi qua Bắc Bộ và phía bắc Biển Đông.

Với hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới và áp thấp nhiệt đới hình thành trong đêm nay kết hợp với vùng hội tụ gió, Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế sẽ có một đợt mưa lớn diện rộng.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai lo ngại mưa lũ, thiên tai xảy ra những ngày tới trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Phạm Thắng.

Cao điểm của đợt mưa này sẽ bắt đầu từ đêm 31/7 tại đồng bằng Bắc Bộ và mở rộng ra khu vực Tây Bắc, Việt Bắc trong những ngày tới. Toàn Bắc Bộ được dự báo mưa liên tiếp trong 10 ngày với cường độ giảm dần qua từng ngày. Những ngày cao điểm, lượng mưa có thể đạt 100-150 mm/ngày.

"Chúng tôi nhận định đây có thể là đợt mưa lớn và dài ngày nhất tại Bắc Bộ kể từ đầu năm nay. Miền núi nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất", ông Hoàng Phúc Lâm cho biết.

Ở Bắc Trung Bộ, mưa cũng xuất hiện với cường độ cao nhưng chỉ duy trì đến hết ngày 3/8. Lượng mưa tối đa ghi nhận được có thể lên đến 200-400 mm/đợt.

Vị chuyên gia cảnh báo sau thời gian dài nắng nóng và khô hạn, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế sẽ hứng chịu đợt mưa lớn nhất từ đầu năm. Do đó, mưa sẽ đi kèm hiện tượng cực đoan như dông lốc, sét, gió giật mạnh.

Cùng lúc, gió mùa tây nam đang hoạt động mạnh dần. Chiều và đêm nay (30/7), Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung Bộ sẽ mưa rào và dông, cục bộ có mưa lớn với lượng phổ biến 30-50 mm/ngày, có nơi trên 80 mm/ngày. Khu vực có thể hứng chịu mưa diện rộng với cường độ lớn hơn trong những ngày đầu tháng 8.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vung-ap-thap-tren-bien-dong-co-manh-len-thanh-bao-post1113207.html