Vun đắp ước mơ cho trẻ khuyết tật

Trẻ khuyết tật là những trẻ bị khiếm khuyết về mặt cấu trúc cơ thể, là những trẻ bị suy giảm về chức năng của bản thân, bị hạn chế các khả năng hoạt động, khó khăn trong quá trình sinh hoạt, học tập, vui chơi và lao động. Để các em không bị bỏ lại phía sau, những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã có rất nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập, thực hiện quyền và cơ hội của trẻ khuyết tật được chăm sóc, giáo dục thường xuyên, có chất lượng.

Nguyễn Đăng Khôi, học sinh lớp 4A3, Trường Tiểu học Trưng Vương (TP Uông Bí) bị khuyết tật vận động, trong giờ ăn trưa phải cần sự hỗ trợ của cô giáo.

Nguyễn Đăng Khôi, học sinh lớp 4A3, Trường Tiểu học Trưng Vương (TP Uông Bí) bị khuyết tật vận động, trong giờ ăn trưa phải cần sự hỗ trợ của cô giáo.

Vượt lên số phận

Sinh ra không được may mắn lành lặn, khỏe mạnh như bao bạn bè khác, ngay từ nhỏ Nguyễn Đăng Khôi (học sinh lớp 4A3, Trường Tiểu học Trưng Vương, TP Uông Bí) đã bị khuyết tật vận động. Hai tay, hai chân của em thường xuyên run rẩy, khó đi lại, sinh hoạt. Mặc dù vậy, bằng ý chí và nghị lực của mình, Đăng Khôi đã vượt lên số phận, rất thích được đến trường, học tập, tiếp thu tốt, ngoan ngoãn, được thầy cô yêu thương, bạn bè quý mến.

Lần đầu gặp Khôi, cảm nhận của chúng tôi về em là rất hiền lành, ngoan ngoãn. Ẩn sau đôi mắt sáng là nghị lực và ý chí phi thường chiến thắng mọi khó khăn, bệnh tật. Ngồi trong lớp, Khôi rất nghiêm túc, chịu khó nghe cô giáo giảng bài. Bàn tay run rẩy, nhưng em vẫn cố gắng cầm bút, nắn nót từng chữ viết, dù không được đẹp như các bạn. Trò chuyện với chúng tôi, Khôi nói chậm, hơi khó nghe, nhưng đủ ý.

Đồng hành cùng Khôi trên lớp từ đầu năm học đến nay là cô giáo chủ nhiệm Vũ Thị Nga. Cô giáo Nga như người mẹ thứ hai của Khôi ở trường học, từ việc giúp Khôi ăn uống, đi lại, hay dìu Khôi đi vệ sinh, cô đều hỗ trợ mà không nề hà.

Cô giáo Nga chia sẻ: Em Khôi nhiều hơn các bạn cùng lớp 2 tuổi. Tưởng rằng đôi tay, đôi chân run rẩy, khó vận động thì khó có thể học tập, viết chữ và hòa nhập tại trường học, thế nhưng Khôi có nỗ lực phi thường, dù chịu thiệt thòi hơn các bạn, nhưng em rất chịu khó học tập, tiếp thu tốt. Thành tích học tập của Khôi đứng ở tốp đầu trong lớp.

Dù bị khuyết tật nhưng Nguyễn Đăng Khôi (bên trái), Trường Tiểu học Trưng Vương (TP Uông Bí) vẫn rất nỗ lực, đạt thành tích cao trong học tập, được bạn bè yêu mến.

Qua lời kể của cô giáo Vũ Thị Nga, Khôi bị khuyết tật từ nhỏ, bố mẹ của em đều là công nhân, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng đi rất nhiều nơi, hết lòng chạy chữa cho Khôi. Từ năm lớp 1, ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, cha mẹ Khôi cũng đều cố gắng đưa em đến trường, để Khôi được hòa nhập và được học hành như những đứa trẻ bình thường khác.

Cô giáo Ngô Thị Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương, cho hay: Năm học này, trường có 12 học sinh gặp tình trạng khó khăn về nhận thức, hành vi và các yếu tố của học sinh phổ tự kỷ, nhưng thực tế toàn trường mới có 9 học sinh có giấy chứng nhận học sinh khuyết tật do UBND phường xác nhận. Một số phụ huynh chưa có hiểu biết đầy đủ, nên không muốn làm hồ sơ khuyết tật cho con, mặc dù giáo viên chủ nhiệm và bộ phận tư vấn nhà trường đã trao đổi và tư vấn.

Câu chuyện của Nguyễn Đăng Khôi, Trường Tiểu học Trưng Vương (TP Uông Bí), có lẽ sẽ truyền cảm hứng cho rất nhiều học sinh, trẻ khuyết tật trong tỉnh về nghị lực, sự cố gắng vươn lên trong cuộc sống, học tập.

Thực tế tại Quảng Ninh đang có rất nhiều tấm gương học sinh khuyết tật nghị lực, nỗ lực, với mong muốn trở thành con người có ích cho xã hội. Đồng thời, cũng có nhiều giáo viên với sự kiên trì, tình yêu thương, sự tận tụy đang từng ngày hỗ trợ tích cực, là chỗ dựa ở trường học cho các học sinh khuyết tật, tự kỷ của mình.

Phòng dành cho công tác hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại Trường Tiểu học Bình Khê (TX Đông Triều). (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Còn đó những khó khăn

Tại Quảng Ninh, tính đến hết năm học 2019-2020, số trường có trẻ em khuyết tật, tự kỷ học hòa nhập là 334/573 trường (chiếm 71,3%) tương ứng với 1.355 nhóm, lớp. Tỷ lệ trẻ khuyết tật, tự kỷ có khả năng học tập được tham gia học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục là 1.502/1.513 học sinh, chiếm 99,2%.

Đặc biệt quan tâm đến nội dung này, ngày 14/8/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2392/QĐ-UBND về đề án Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 2392).

Nhờ có đề án, công tác huy động học sinh khuyết tật, tự kỷ học hòa nhập được duy trì và nâng cao theo các cấp học. Nhiều học sinh khuyết tật ở mức độ nhẹ đã hoàn thành chuẩn kiến thức, kỹ năng một số môn học.

Kết thúc năm học 2019-2020, số trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ tham gia học hòa nhập cấp tiểu học hoàn thành chương trình học tập đạt 82,6%. Số trẻ khuyết tật, tự kỷ học hòa nhập cấp học THCS hoàn thành chương trình học tập đạt 94,7%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Toàn tỉnh hiện có 40 phòng dành cho công tác hỗ trợ giáo dục hòa nhập (tăng 27 phòng so với năm 2015), tuy nhiên chưa đạt được chỉ tiêu của Đề án 2392 là 50% số cơ sở giáo dục tổ chức giáo dục hòa nhập có phòng hỗ trợ đặc biệt hoạt động tư vấn, trợ giúp công tác giáo dục hòa nhập. Hiện nay, tỷ lệ này mới đạt 11,9%.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh hướng dẫn 2 em Trịnh Quốc Trường, Phạm Thị Ngân Hà, khuyết tật vận động, Trường Tiểu học Nguyễn Bình (TX Đông Triều), hoàn thành bài tập. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Cùng với đó, theo ghi nhận, học sinh khuyết tật hoặc tự kỷ ở mức độ nặng khi tham gia học hòa nhập còn gặp nhiều khó khăn, nhiều trẻ bị tật nặng, sức khỏe, tâm lý diễn biến phức tạp, giáo viên dạy hòa nhập không xử lý được do không có chuyên môn chuyên sâu, ảnh hưởng đến khả năng hòa nhập của trẻ. Có hiện tượng trẻ đã ra lớp, nhưng phải bỏ học giữa năm học, làm ảnh hưởng chung đến công tác tổ chức lớp học của các học sinh khác.

Mặt khác, nhiều trường, lớp có số học sinh vượt quá quy định về định biên sĩ số trên lớp, chưa thực hiện được việc giảm trừ sĩ số khi trong lớp có học sinh khuyết tật tham gia học hòa nhập, nên giáo viên bị áp lực khi giảng dạy những lớp có học sinh khuyết tật.

Cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ công tác giáo dục hòa nhập nhìn chung tại các cơ sở giáo dục chưa được chú ý đầu tư, thiết kế riêng cho học sinh khuyết tật, chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Với những trẻ khiếm thính, khiếm thị, do chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, một số gia đình có điều kiện đã đưa trẻ đi các thành phố lớn có trung tâm hỗ trợ, hoặc các trường lớp chuyên biệt để hỗ trợ, hòa nhập.

Còn lại những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đưa trẻ đi can thiệp, hỗ trợ, nên còn một tỷ lệ trẻ khuyết tật có khả năng học tập, nhưng chưa được hỗ trợ giáo dục hòa nhập.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó trưởng Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT), cho biết: Dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngành vẫn sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng dạy hòa nhập học sinh khuyết tật theo từng dạng tật. Cùng với đó, triển khai hoạt động các phòng, góc hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại nơi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nhân viên. Tăng cường kiểm tra, tư vấn, hỗ trợ các cơ sở giáo dục về kiến thức, kỹ năng dạy học hòa nhập học sinh khuyết tật...

Mong rằng, bằng nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với từng trường, từng cấp học, công tác giáo dục cho trẻ khuyết tật sẽ được tỉnh, ngành Giáo dục quan tâm hơn nữa trong những năm tới. Để từ đó, giáo viên bớt áp lực và học sinh khuyết tật thêm tự tin, vươn lên trong học tập như các bạn cùng trang lứa.

Lan Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202103/vun-dap-uoc-mo-cho-tre-khuyet-tat-2524973/