Vun đắp tình hữu nghị Việt – Lào luôn bền chặt

Hơn 2/3 thế kỷ đã đi qua, mối quan hệ, hợp tác toàn diện giữa 2 nước Việt - Lào, 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn vẫn luôn bền chặt. Quan hệ này đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân 2 nước Việt - Lào khẳng định là 'Tài sản vô giá, là nguồn sức mạnh, nhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng mỗi nước'.

Đoàn đại biểu Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thanh Hóa sang thăm tỉnh Luang Prabăng (Lào). Ảnh: Lê Reo

Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung là thực dân Pháp. Trong thời kỳ đầu dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Ai Lao thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương, nhiều Việt kiều tại Lào đã tích cực tham gia phong trào cách mạng Lào. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng 2 nước Việt – Lào và sự lập công xuất sắc của bộ đội Việt Nam trong giúp nước bạn Lào, ngày 30-10-1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương xác định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam được cử sang chiến đấu giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là quân tình nguyện”. Năm 1950, ở mặt trận Hạ Lào, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon cùng đồng chí Phạm Văn Đồng đã trao đổi ý kiến, thống nhất hình thức tổ chức, các biện pháp giúp đỡ lẫn nhau, đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại Trung Lào, Liên khu 4 ra nghị quyết chuyên đề về công tác giúp Lào, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, củng cố, mở rộng vùng giải phóng. Tại vùng Thượng Lào, các hình thức giúp đỡ Lào được thực hiện là “đẩy mạnh chiến tranh du kích, chú trọng giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa vững chắc”. Thời kỳ này, ta có hơn 15.000 quân tình nguyện (QTN) trên đất Lào.

Với sự giúp đỡ to lớn của QTN Việt Nam, cách mạng Lào ngày càng lớn mạnh. Mỹ ồ ạt tăng viện trợ cho phái hữu, thúc ép hoạt động lấn chiếm vùng giải phóng, chống phá cách mạng Lào và phá vỡ tình đoàn kết Việt – Lào. Trước âm mưu thâm độc của kẻ thù, Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào quyết định mở chiến dịch quét sạch bọn phái hữu ra khỏi Cánh Đồng Chum. Ngày 27-4-1964 chiến dịch mở màn, tấn công tiêu diệt các vị trí địch ở Pha Kha, Phu Noỏng, Noỏng Khạng, Mường Pơn... QTN Việt Nam và Lào tiến đánh Cánh Đồng Chum, chiếm Phu Cút điểm cao khống chế vô cùng quan trọng, giải phóng 28 tà xẻng (xã) với 30.000 dân, loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên địch, thu hàng trăm khẩu súng các loại, bắn cháy 19 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 4 máy bay Mỹ.

Mùa mưa năm 1966, địch tăng cường các hoạt động quân sự, uy hiếp căn cứ Sầm Nưa. Đoàn 866 của Bộ Chỉ huy tối cao quân giải phóng Lào nhận nhiệm vụ đánh địch, bảo vệ an toàn căn cứ cách mạng Sầm Nưa và khu vực Viêng Xay, Pha Thí; đánh địch lấn chiếm khu vực Xiêng Khoảng – Cánh Đồng Chum. Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập Trung đoàn 217 Công binh giúp Lào bảo đảm giao thông, mở đường mới và xây dựng các công trình bảo đảm an toàn cho các lãnh tụ và cơ quan Trung ương Lào tại khu căn cứ Nakay, lực lượng gồm 5.000 người, hầu hết là nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Suốt 6 năm (1967 – 1972) đã khoét núi, đào hầm, xây dựng được 53 công trình kiên cố, cải tạo hàng chục hang hầm, bảo đảm an toàn cho mọi hoạt động của các cơ quan Trung ương Lào lãnh đạo cách mạng thành công. Năm 1975, quan hệ giữa hai nước bước sang một thời kỳ mới, từ liên minh chiến đấu chuyển sang hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai quốc gia độc lập có chủ quyền, thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước đi theo con đường XHCN.

Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào sau khi ra đời ngày 2-12-1975 phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức to lớn. Cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm để lại những hậu quả nặng nề. Sau năm 1975, Mỹ triển khai chiến lược “Diễn biến hòa bình – bạo loạn lật đổ” ở Lào. Bọn phản động xây dựng căn cứ, chống phá cách mạng Lào. Lào đứng trước sức ép từ các thế lực phản động trong nước và quốc tế. Theo yêu cầu của nước bạn Lào, năm 1977, QTN Việt Nam một lần nữa trở lại Lào, bố trí lực lượng trên một số địa bàn chiến lược trọng yếu giúp Lào đánh bại âm mưu của kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng. Ghi nhận chiến công to lớn của QTN Việt Nam trong chiến dịch giải phóng Phu Bia, Trung tướng Xa-mản Vi-nha-kệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào thay mặt Đảng, Nhà nước và quân đội Lào gắn Huân chương Ít-xa-la hạng Nhất lên Quân kỳ quyết thắng của Sư đoàn bộ binh 324. Ngày 28-8-1985, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2 cho eBB335, vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến dịch giải phóng Phu Bia, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Lào. Ngày 31-12-1987, lực lượng QTN Việt Nam rút hết về nước, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử giúp cách mạng Lào.

Những đóng góp quan trọng của QTN và chuyên gia quân sự Việt Nam kề vai sát cánh cùng quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào đánh thắng kẻ thù xâm lược, lập nên những chiến công xuất sắc đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội Nhân dân Lào ghi công, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Đến nay, trên phạm vi cả nước, đã thành lập Ban liên lạc QTN Việt Nam giúp Lào theo hệ thống 4 cấp, từ ban liên lạc toàn quốc đến ban liên lạc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp quận, huyện đến phường, xã và đơn vị tương đương. Ở Thanh Hóa, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, ngày 30-10-2009, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống QTN Việt Nam giúp Lào đã thành lập Ban liên lạc QTN và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thanh Hóa. Sau 10 năm hoạt động và phát triển, Ban liên lạc QTN và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thanh Hóa đã tập hợp được hơn 4.600 hội viên tham gia sinh hoạt.

Những năm qua, ban liên lạc các cấp đã quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, chế độ, chính sách cho hội viên. Toàn tỉnh có hơn 3.500 hội viên được trao Huân chương, Huy chương và Kỷ niệm chương QTN (trong đó có 100 liệt sĩ). Ban liên lạc cấp tỉnh thường xuyên tổ chức họp mặt, ôn lại kỷ niệm ngày truyền thống (30-10); tổ chức thăm lại chiến trường xưa tại nước bạn Lào; tham dự các buổi nói chuyện truyền thống; Ban liên lạc cấp tỉnh cũng đã vận động cán bộ, hội viên quyên góp, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa cho bà mẹ người Lào có công cứu sống bộ đội Việt Nam; ủng hộ nhân dân tỉnh Át-ta-pư bị thiệt hại nặng nề về người, tài sản trong trận lũ lụt, vỡ đập Thủy điện Xê-nặm-nọi năm 2018...

Phát huy truyền thống 70 năm QTN Việt Nam giúp Lào, cán bộ, hội viên QTN tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xây dựng tổ chức hội vững mạnh, góp phần xây dựng Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh và đóng góp, vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa 2 nước Việt - Lào, 2 tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn ngày thêm bền chặt.

Đại tá Lê Hồng Ngoan

Trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thanh Hóa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/vun-dap-tinh-huu-nghi-viet--lao-luon-ben-chat/109270.htm