Vui thú chợ Giầu

Chợ Giầu xưa ở giữa làng Giầu (nay thuộc phường Phù Lưu, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), nằm trên trục đường cũ, đi từ Hà Nội lên Bắc Ninh. Sau này hình thành đường quốc lộ mới, dọc theo đường xe lửa, phố huyện Từ Sơn hình thành một phần trên đất làng Giầu.

Vì thế chợ Giầu mới chuyển ra phía ngoài, hình thành trung tâm thương mại huyện như hiện nay. Về đây ai cũng biết đến câu ca dao: “Ai lên quán dốc chợ Giầu. Ðể thương, để nhớ để sầu cho khách đường xa”.

Những chuyện lạ về ngôi làng bên sông Tiêu

Có thể nói làng Giầu hình thành con đường chợ, hay còn gọi là phố chợ sớm nhất vùng kinh Bắc, đã hơn 500 năm qua. Những cầu hàng, phố chợ làng Giầu mọc dày đặc hai bên con đường đá xanh, dài một cây số. Đây cũng là con đường làng bằng đá granit xanh nguyên bản duy nhất ở nước ta. Hiếm có phố chợ trong làng nào đẹp đến như vậy. Khách thập phương đến đây, theo sông Đuống, hay sông Hồng về buôn bán nhộn nhịp. Nằm trên đường quốc lộ cũ, lại gần thành Thăng Long xưa, nên chợ Giầu được coi là nơi cung cấp hàng hóa chủ yếu cho người dân Hà thành và một số tỉnh lân cận. Người dân làng Giầu đầu tiên chỉ bán giầu cau, vỏ vôi và hàng nông nghiệp, sau mới hình thành các cầu hàng tạp hóa, gốm sứ, vải vóc và gia súc. Mỗi ngày một đông đúc.

Cả làng Giầu thành một chợ lớn thu hút người đến mua bán ngày đêm. Cứ mỗi khi vào phiên chợ (ngày 4 ngày 9 âm), khách xa có mặt từ đêm trước, ngủ trọ lại chờ đến sáng đi mua bán sớm. Thậm chí nhiều phiên quá đông, hết nhà trọ, người đi chợ xin ngủ nhờ ở đình chật như nêm. Có người mang hàng từ Bắc Giang, Yên Bái về chợ bán, sau đó lại buôn hàng ở chợ Giầu mang ngược lên miền núi. Từ đó hình thành nhiều khu vực bán hàng riêng biệt xung quanh chợ Giầu. Một thời có tới mấy cửa hàng bán tơ lụa của người Ấn Độ. Thậm chí có hẳn khu vực rộng rãi buôn bán trâu bò từ khắp nơi đưa về. Sầm uất phố thị làng quê chợ Giầu được ghi dấu trong ca dao: “Chợ Giầu một tháng sáu phiên. Ai ơi nên nhớ chớ quên chợ Giầu”.

Nhà Lưu niệm nhà văn Kim Lân.

Thật không ít chuyện để kể, bởi cũng chẳng nơi nào như cái làng này, cả mấy ngàn người chỉ lao vào buôn bán. Theo thầy phong thủy nói, trăm sự do cái đầm làng, nó là đoạn phình ra của con sông Tiêu Tương, rộng hơn 60 mẫu. Đầm có hình cái tay nải của dân kẻ chợ, mà làng Giầu lại nằm ở phần đáy tay nải, nên dân ở đây chỉ làm nghề buôn bán mới mở mày mở mặt được. Khi ấy làng mới thịnh vượng. Truyền thuyết còn nói, đầm làng có bà chúa dẫn dắt dân làng làm ăn bằng con đường tơ lụa, bươn chải khắp đó đây. Đó là hình ảnh thần tài của nghề buôn bán. Hiện đền thờ bà chúa Đầm là nơi mỗi ngày hội lễ, những người dân buôn bán quanh năm, xa mấy cũng về thắp hương cầu bà phù hộ cho, mọi sự hanh thông “một vốn bốn lời”. Hơn thế nữa, làng Giầu còn thờ ông tổ nghề chạy chợ. Hiện trong đền làng có bia ghi công lao của ông quan Thái Bảo, Nguyễn Kiên Điều là người mở chợ, hướng dẫn dân làng làm nghề buôn bán chuyên nghiệp. Từ lâu, người ta gọi dân làng Giầu là phường kẻ chợ, khéo tay mua may bán đắt. Đây cũng là làng duy nhất trong cả nước có thờ ông tổ nghề thương mại. Âu cũng là một sự lạ.

Nhưng nói đến kẻ chợ làng Giầu là nói đến đàn bà con gái ở cái xứ này. Ai nấy đều tháo vát, duyên dáng, ăn nói thì đúng là “mật ngọt chết ruồi”. Nhưng không vì thế mà họ toan tính hơn thiệt theo cái thói tham lam. Họ có nếp văn hóa ứng xử thương mại với khách hàng như người trong làng. Lấy hàng trả tiền sau cũng được. Dù kéo dài cũng không tính một phân lãi. Nếu bí lấy hàng trả nợ cũng xong. Hoàn toàn tin đối tác. Niềm tin ấy đã thu hút bạn hàng khắp nơi tìm đến, xởi lởi mở lòng, sầm uất đông vui. Trong ngạn ngữ kẻ chợ khắp nơi còn ghi dấu bằng những ví von: “Gan - Sặt”, “Mặt - Đình Bảng”, “Dáng - chợ Giầu”... Dáng Giầu ý nói đến nét đẹp của những người phụ nữ chạy chợ làng Giầu. Họ không những giỏi buôn bán mà còn duyên dáng xinh đẹp, đảm đang. Chính vì thế xứ quan họ này còn hát câu ca rằng: “Ai lên quán dốc chợ Giầu. Để thương, để nhớ, để sầu cho khách đường xa”. Sau này làng Giầu được gọi tên mới là Phù Lưu, cũng bởi nét đẹp đó. Lưu đọng lại trong dân gian nhiều nét văn hóa kẻ chợ, tạo dựng một cửa ngõ giao thương, buôn bán tập trung mươi xứ trở về. Phát đạt. Thịnh vượng. Con phố chợ Giầu ôm trọn khu chợ được mở rộng, thành trung tâm thương mại lớn quanh vùng như hiện nay, cũng bởi đây chính là cái đáy của tay nải của làng Phù Lưu như một túi vàng ông trời ban cho. Và, người phụ nữ Phù Lưu vẫn như xưa, chăm chỉ làm ăn và nuôi chồng con ăn học thành tài, không hổ danh với thiên hạ. Họ chính là những người đã nuôi dưỡng những chí lớn làm rạng danh cho làng xã bao năm qua. Trong họ bao giờ cũng đau đáu với nỗi niềm: “Ngang lưng em có một đồng. Nhưng vẫn nuôi chồng ăn học rảnh rang”.

Ðất hun tú khí, đời tạo văn nhân

Ấy là nói đến những thành quả của kẻ chợ làng Giầu, lớn hơn cả đồng tiền, đó là sự nuôi dưỡng hiền tài cho đất nước. Khi gặp anh Dũng, người con út của nhà văn Kim Lân quê ở Phù Lưu, tôi mới hay cái giỏi của người phụ nữ trong làng. Anh nói, mảnh đất Phù Lưu có sự giao thoa của nền văn hóa Kinh Bắc và Thăng Long, nên người dân nơi đây thường nuôi chí hướng tu học thành tài. Trước hết, kho tàng văn hóa kinh thành có sự thu hút đặc biệt, dân Phù Lưu đã xuất hiện những tài năng thiên phú do học hành mà nên. Những nghệ sĩ tuồng cổ nức tiếng một thời ở Thăng Long thành chính là người Phù Lưu. Không ngờ đây còn được coi là cái nôi của tuồng Bắc, với các giọng hát bậc thầy của các nghệ sĩ trong làng như cụ Trùm Thiệp, ông Sáu Đen... Đã không ít lần các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam về làng tham khảo, trao đổi những tích tuồng cổ được lưu trữ bảo tồn tại đội tuồng ở Phù Lưu, để phát triển thành những vở diễn hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, đội quan họ Phù Lưu cũng là một phần quan trọng trong những hoạt động văn hóa chính khi đi giao lưu và biểu diễn mỗi khi vào hội làng. Những nghệ sĩ quan họ không ai khác chính là những dân kẻ chợ làng Giầu. Sớm đầu tắt mặt tối với những quán hàng, tối đến là lại véo von bên quán đình cây đa, với những cung bậc “Dọn quán bán hàng” hay “Gió đưa cây cải”, “Đêm qua nhớ bạn”...

Chợ Giầu và phố chợ mới.

Nay nói đến văn nhân Phù Lưu, không ai không nhớ đến nhà văn Kim Lân, nổi tiếng viết về làng quê. Bao thế hệ trẻ được đào tạo trên ghế nhà trường phổ thông đều học văn Kim Lân qua những áng tuyệt bút của ông viết về làng Phù Lưu. Hiện làng đã khai trương “Nhà Lưu niệm Kim Lân”, coi như một địa chỉ văn hóa trong khu văn chỉ của làng. Nhà văn còn có hai người con, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và họa sĩ Thành Chương, đều là những người đã từng đoạt giải mỹ thuật quốc tế và sớm thành danh trong nền hội họa nước nhà. Bên cạnh đó, làng Phù Lưu còn có sự hiện diện đáng tự hào với những gương mặt tài năng ở nhiều lĩnh vực khác như nhà văn Nguyễn Địch Dũng, NSND, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Đăng Bảy, nhà soạn kịch Hoàng Tích Linh, nhà báo Hoàng Tích Chu, hay nổi tiếng trong làng hội họa còn có họa sĩ Hoàng Tích Chù (Giải thưởng Hồ Chí Minh - năm 2000) và đạo diễn Hoàng Tích Chỉ (Giải thưởng Hồ Chí Minh - năm 2012). Hiện dòng họ Hoàng trong làng còn dựng bảo tàng văn học Nga, do dịch giả lừng danh Hoàng Thúy Toàn thiết kế lưu giữ, tổ chức sự kiện hoạt động. Đáng chú ý, nhạc sĩ Hồ Bắc (Giải thưởng Nhà nước, 2001), người con của làng đi tham gia kháng chiến và rất nổi tiếng với ca khúc Làng tôi. Hàng triệu người vẫn còn nhớ đến những câu hát: “Làng tôi sau lũy tre mờ xa. Tình quê yêu thương những nếp nhà. Làng tôi êm ấm bao ngày qua. Những chiều đàn em vui hòa ca...”. Cùng với Làng tôi, nhạc sĩ Hồ Bắc còn có những bài hát có giá trị khác như: Bên kia sông Đuống (phổ thơ Hoàng Cầm), Ca ngợi Tổ quốc, hay Bến cảng quê hương tôi...

Điều còn bất ngờ hơn nữa, ngoài đội ngũ văn nghệ sĩ của Phù Lưu, người đời còn biết đến những danh nhân khoa bảng, trí thức trong những kỳ thi qua các triều đại (4 tiến sĩ và 1 phó bảng). Có thể kể đến bậc đại khoa như cụ Chu Tam Di, Hoàng Văn Hòe. Hiện làng có khu Hương Hiền Từ (Văn chỉ), nơi tôn vinh các bậc khoa bảng trong làng, với nhiều cái tên lừng lẫy trong hoạt động chính trị và quân sự xưa đến nay. Có những người giữ chức vụ cao trong Chính phủ như Chu Tam Thức, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính; Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô; hay Hồ Tiến Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng... Hiện làng có tới 60 bác sĩ, cùng với hàng trăm kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư ở các lĩnh vực khác nhau. Không ít người ngạc nhiên khi nhận ra, Phù Lưu còn là làng Khoa Bảng nức tiếng ở Bắc Ninh. Có nhà thơ nói, đó là câu chuyện cổ tích của dân kẻ chợ làng Giầu.

Hội chợ mới

Nay chợ Giầu to lắm. Mở rộng tứ phía bao quanh chợ Giầu cũ. Bên cạnh đó, làng còn dựng thêm mấy khu trung tâm thương mại chợ Giầu. Phố xá mọc lên ngang dọc kéo dài tới đường rẽ vào làng Đình Bảng. Chợ không chỉ sầm uất vào 6 phiên hàng tháng như trước nữa, mà ngày nào cũng náo nức, người khắp nơi đổ về mua bán. Mỗi ngày là một hội phiên chợ Giầu. Hàng từ nhiều nơi chở đến. Những chuyến xe nối đuôi nhau chờ đóng hàng. Người người hối hả bán mua đúng như hình ảnh xưa mà du khách đã mô tả: “Chợ Giầu bán Sáo (mành trúc) bán Sành (chum vại, ang hũ). Bắc Ninh bán những nhẫn vàng trao tay. Đình Bảng bán ấm bán khay. Phù Lưu họp chợ mỗi ngày một đông”.

Bất ngờ một giọng hát quan họ đâu đó vang lên từ quán bán băng đĩa, một bài ca muốn níu giữ bạn hàng. Lời ca bịn rịn chân quê: “Anh có về Kinh Bắc quê em. Mà nghe quan họ, mà xem làng nghề. Sáu phiên chợ nhớ về quê. Người đi, người ở, người về với ai. Đợi chờ sum họp trúc mai. Duyên tình thêm thắm, thêm nhài, thêm hương. Vì sao chín nhớ, mười thương...”. Tôi nghe mà ngơ ngác, ríu chân giữa chợ, ngỡ như đang nhập hồn vào hội, lạc cả đường về.

Bài và ảnh: Vương Tâm

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/vui-thu-cho-giau-n136086.html