Vui Tết song không chủ quan với dịch bệnh

Để Tết bình an, để hệ thống y tế không quá tải, chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi người dân không nên chủ quan bỏ qua các biện pháp phòng dịch cần thiết.

Trong dịp Tết 2023 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Để Tết bình an, để hệ thống y tế không quá tải, chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi người dân không nên chủ quan bỏ qua các biện pháp phòng dịch cần thiết.

Để Tết bình an, để hệ thống y tế không quá tải, chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi người dân không nên chủ quan bỏ qua các biện pháp phòng dịch cần thiết.

Riêng với Covid-19, tại TP.HCM và Tây Ninh xuất hiện biến chủng mới XBB. Đây là biến chủng đã được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10/2022, hiện lây lan ở hơn 70 quốc gia.

Cơ quan y tế Liên hợp quốc dự báo chủng XBB và XBB.1.5 sẽ dần chiếm ưu thế so các chủng phụ của Omicron khác trong thời gian tới. Với việc xuất hiện biến thể XBB - có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn so với các biến chủng khác của Omicron ở Việt Nam - khiến nhiều người lo lắng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới.

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, Việt Nam đang có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cao so với các nước trên thế giới, tuy nhiên miễn dịch do tiêm vắc-xin giảm dần theo thời gian.

Các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 vẫn có thể xuất hiện, biến đổi và hầu hết các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam.

“Vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Do đó, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng phương án, điều kiện bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 và dịch bệnh khác trong dịp Tết Nguyên đán 2023; chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng chống dịch.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm chủng phòng Covid-19 cho trẻ em theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế, tháo gỡ nhiều rào cản, để chung sống với Covid-19. Từ việc thực hiện nghiêm ngặt 5K, giờ chỉ áp dụng 2K do tình hình dịch bệnh đã nằm trong tầm kiểm soát, nên đa số người dân và khách du lịch tới Việt Nam đều cảm thấy an toàn, thân thiện.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam có những kịch bản ứng phó như thế nào với đại dịch Covid-19 khi một số nước đã thay đổi chính sách phòng dịch và mở cửa Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay và tập trung triển khai quyết liệt một số nội dung sau:

Tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bảo đảm chủ động, sẵn sàng và kịp thời ứng phó với các diễn biến có thể xảy ra của dịch bệnh;

Đồng thời phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình để điều chỉnh các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

Tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt với các trường hợp nhập cảnh về từ các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2; đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gene nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các biến chủng, biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19 đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao.

Tiếp tục bảo đảm công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp các ca mắc Covid-19 tăng cao; bảo đảm đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh.

Đồng thời, cần tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới.

Tiếp tục bảo đảm công tác an sinh, an ninh, an toàn trật tự xã hội; Bảo đảm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác như cúm, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ..

Là trung tâm đầu não kinh tế, chính trị, lãnh đạo ngành Y tế Hà Nội cho hay, trước những yêu cầu khẩn cấp của Chính phủ và Bộ Y tế về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán, ngành Y tế Thủ đô đã ban hành kế hoạch về phòng, chống dịch năm 2023.

Kế hoạch xác định, mục tiêu chung nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Tiếp tục kiểm soát hiệu quả tình hình dịch Covid-19, tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19...

Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, đặc biệt đối tượng nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, nhất là địa phương xuất hiện biến thể mới, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.

Đồng thời đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, các cơ sở khám, chữa bệnh và giám sát phát hiện biến chủng, biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19 khi được phân giao vắc-xin, chú trọng quan tâm nhóm người có nguy cơ cao, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi...

Tăng cường truyền thông tại sân bay, nhà ga, bến xe... và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, khuyến cáo người dân chủ động tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và dự phòng cá nhân; thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo Bộ Y tế.

Về phía chuyên gia, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo, người dân cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng bệnh linh hoạt, đẩy mạnh giám sát để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát biến thể mới bằng cách làm việc sát sao với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước trong khu vực để kịp thời ứng phó.

Cùng với đó, đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Người dân phải chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vui-tet-song-khong-chu-quan-voi-dich-benh-d182620.html