Vui gì hơn làm người lính đi đầu!

Ngành y thời chống dịch như chống giặc đã có 4 thần tốc: thần tốc khoanh vùng, thần tốc truy vết, thần tốc cách ly, thần tốc xét nghiệm.

Nói thần tốc là nói tới tốc độ; tốc độ về thời gian, tốc độ về ứng phó; tốc độ về tổ chức; tốc độ về hành động... Không được chần chừ; không được chậm trễ, nhanh phút nào hay phút đó. Thời gian là lực lượng. Thời gian là thời cơ. Thời gian là chiến thuật. Thời gian là kết quả. Ngành y Việt Nam, tôi nghĩ đã làm được điều đó trong những tháng ngày đại dịch ẩn chứa muôn vàn lo toan, bất an vừa qua.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Quá khứ anh hùng và đau thương của dân tộc để lại những dấu vết và bài học lịch sử cho mai sau. Có những lặp lại mang ý nghĩa kế thừa tốt đẹp tạo nên năng lượng mới trong hoàn cảnh mới. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bi tráng kéo dài hơn 2 thập kỷ kết thúc bằng ngày chiến thắng huy hoàng 30/4/1975. Chặng cuối của cuộc trường chinh 20 năm không đêm nào ngủ được là chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh với quyết tâm Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Thần tốc chuyển quân, thần tốc tiến công, thần tốc nổi dậy làm cho địch rối loạn, kinh hoàng, không kịp đối phó để đất nước có một ngày chiến thắng vĩ đại cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông. Hôm nay, đại dịch COVID-19 phát sinh và mau chóng lan ra toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đặt mọi quốc gia trên thế giới không kể giàu nghèo, lớn bé vào những hiểm nguy và thách thức chẳng lường hết. Ngay từ ban đầu, chính chúng ta đã gọi đúng tên của loại siêu virus quái ác ấy là giặc. Đã là giặc thì không thể coi thường được, đã là giặc thì phải phòng chống chúng bằng quyết tâm cao, bằng sự sáng tạo, bằng ý chí và bằng tấm lòng nhân văn cao cả. Tôi nghĩ không gì đúng hơn, chuẩn xác hơn, thiết thực hơn khi Việt Nam nói: Chống dịch như chống giặc.

Trong cuộc chiến cam go, dai dẳng, phức tạp và đầy nguy hiểm ấy, không thể không ghi công đầu tiên và trước hết cho ngành y. Không ngoa ngôn chút nào khi ta gọi các bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý, điều dưỡng viên trực tiếp chống COVID - 19 là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống đại dịch. Thời giãn cách cũng là thời tỏa sáng của những người lính mang áo blu. Cảm nhận ấy thuộc về nhiều người, đủ mọi tầng lớp, nhiều thành phần và khắp mọi miền trên đất nước ta. Những thầy thuốc của nhân dân, vì nhân dân phục vụ nhằm hạn chế thấp nhất tác hại của đại dịch, bảo vệ tính mạng tốt nhất cho đồng bào, giành lại sự sống cho những ai bị nhiễm bệnh. Và đây là sự lặp lại mang ý nghĩa kế thừa lịch sử đánh giặc cứu nước đã được thể hiện rất sinh động trong ngành y thời chống dịch như chống giặc. Hai tiếng thần tốc lại vang lên, vang lên trong hòa bình không có bom rơi đạn nổ, không có máu chảy xương tan. Nhưng có lây nhiễm và cách ly, có giãn cách và phong tỏa, có điều trị tích cực và tiêm chủng thể nghiệm, tiêm chủng đại trà... Hai tiếng thần tốc lại trở thành minh chứng cho bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Cán bộ y tế dự phòng phun khử khuẩn người về từ vùng dịch.

Nào phải ngày một, ngày hai mà đại dịch cứ dai dẳng kéo dài từ tháng này sang tháng khác, thậm chí từ năm này qua năm khác; tưởng yên rồi lại bùng lên, cứ như trò chơi ú tim chết chóc giữa người và siêu virus Corona vậy. Bao thầy thuốc phải chia tay vợ con, người thân để có mặt ở điểm nóng như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Hà Nội... Cũng các thầy thuốc, sẵn sàng có mặt trên các chuyến bay nhân đạo ra nước ngoài đến nhiều tâm dịch trên thế giới chở đồng bào về Tổ quốc trong tình cảm thương người như thể thương thân. Sau bộ áo quần bảo hộ mỏng dính màu xanh nước biển và chiếc khẩu trang y tế của các thầy thuốc là những câu chuyện cảm động về tình người. Không dễ nhìn thấy những nếp nhăn mới, những quầng thâm dưới mi mắt, không dễ nghe được tiếng thở mệt nhọc sau những giờ làm việc căng thẳng, không phải ai cũng thấu cảm hết giấc ngủ chập chờn của họ trên sàn bệnh viện chính quy hay dã chiến... Nhiều điều muốn nói lắm về những người thầy thuốc. Thời chiến tranh, Bộ đội Cụ Hồ đâu có giặc là ta cứ đi, thì 2 năm qua các thầy thuốc đâu có dịch là ta cứ đến. Chống dịch như chống giặc mà. Giản dị thế thôi mà đòi hỏi bản lĩnh và yêu thương của con người không nhỏ. Thoái thác nhiệm vụ chống đại dịch cũng như kẻ đào ngũ trong thời chiến vậy. Tôi nghĩ, người thầy thuốc có mặt ở điểm nóng của đại dịch cũng là sự dấn thân dũng cảm, cũng sống và làm việc vì mọi người. Dịch COVID-19 đâu phải trò đùa, nó không ngán một ai, không trừ một ai từ nguyên thủ quốc gia đến thường dân và cả thầy thuốc nữa đều có thể bị nhiễm bệnh, thậm chí đối diện với cái chết. Có lẽ vì thế mà khi đánh giá vai trò của ngành y Việt Nam trên trận tuyến chống đại dịch COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lúc ấy đang giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: Ngành y tế phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, không ngại gian khổ, sẵn sàng trụ vững tại nhiều điểm nóng... Trên mạng xã hội đã có nhiều bài viết ca ngợi người thầy thuốc trong chống dịch COVID-19. Trong những ngày dịch COVID-19 đang lên đỉnh ở Hà Nội, tháng 3/2020, tôi cũng đã xúc động viết nên những vần thơ ngợi ca các thầy thuốc Việt Nam một cách thực lòng: Những thầy thuốc mắt quầng đêm thiếu ngủ/ Nỗi lo này chẳng của riêng ai/ Nói sao hết tháng ngày vất vả/ Đôi mắt đong đầy nhân nghĩa không vơi/ Ôi, những tháng ngày ta hiểu thêm Tổ quốc/ Từ mỗi ánh nhìn, tiếng hát Việt Nam/ Và đừng quên mỗi đồng tiền gom góp được/ Cuộc chiến này vẫn thế trận nhân dân!/ Cả ta nữa, yêu ta thời sống chậm/ Chung âu lo của muôn triệu con người/ Không gian hẹp vẫn nghe đời chuyển động/ Trái tim hòa nhịp đập, Tổ quốc ơi!

Tổ quốc và nhân dân là những gì chúng ta yêu quý, trong đó có các thầy thuốc. Ngợi ca họ, tôn vinh họ cũng là tôn vinh dân tộc mình. Những cống hiến của các thầy thuốc xứng đáng để xã hội tôn vinh, ngợi ca. Đấy là sự tôn vinh và ngợi ca cái đẹp. Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới, như mọi người từng nghe, từng mong. Tôi thích ngợi ca cái tốt đẹp như yêu quý ánh sáng, yêu quý sự lương thiện của con người. Xã hội tiến về tương lai, trước hết và lâu dài phải bằng cái tốt đẹp. Chắc chắn là thế rồi. Sự ác chỉ làm cho cuộc sống chóng tàn lụi mà thôi. Cái tốt đẹp không phải là lời nói suông mà phải bằng hành vi xứng đáng với đạo lý làm người. Những Con Người trong đó có các thầy thuốc, những người lính từng, đã và đang dũng cảm, sáng tạo đi đầu trong trận tuyến phòng chống đại dịch COVID-19 đầy khó khăn và nguy hiểm. Những chiến sĩ tiên phong trong những ngày chống dịch như chống giặc trên đất nước Việt Nam. Vui gì hơn làm người lính đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 như chống giặc. Niềm vui chính đáng ấy không phải trên trời rơi xuống mà nhiều khi nó phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt của những thầy thuốc như những người mẹ hiền và người thân của các anh chị trong ngành y.

Nhà thơ, đại tá Nguyễn Hữu Quý

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vui-gi-hon-lam-nguoi-linh-di-dau-n190994.html