Vui chơi trên cầu Long Biên, giới trẻ hồn nhiên... 'dọa' tử thần

Chỉ 20 giây sau khi họ ra khỏi vùng nguy hiểm thì đoàn tàu sầm sập lao tới...

Hãy xem clip! Ngay từ những hình ảnh đầu tiên mà phóng viên Phapluatplus.vn ghi nhận được là cảnh ba bạn nữ vô tư đi đứng bên trong đường ray tàu hỏa. Chỉ 20 giây sau khi họ ra khỏi vùng nguy hiểm, đoàn tàu sầm sập lao tới.

Chỉ khi có tiếng quát thất thanh, hai cô gái mới hoảng hốt, cuống cuồng bỏ chạy khỏi đường ray.Thực sự đây là một hình ảnh hết sức nguy hiểm!

Điều gì sẽ xảy ra nếu họ mê mải chụp hình mà quên đi hiểm họa có thể đến từ cả hai đầu cầu? Điều gì sẽ xảy ra nếu các bạn này bị sơ xảy bước chân ngã xuống hoặc vì lý do xui xẻo nào nào đó mà kẹt lại giữa đường ray? Độc giả chắc sẽ chẳng ai dám tưởng tượng thêm..

Hai bạn gái vô tư tạo dáng và chụp ảnh ngay giữa đường ray, bất chấp nguy hiểm rình rập.

Cầu Long Biên với tuổi thọ hơn 100 năm tuổi từ lâu đã trở thành một trong những địa điểm chụp ảnh nổi tiếng của giới trẻ. Mỗi khi qua cầu, ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp cảnh giới trẻ vô tư đi đứng bên trong đường ray tàu hỏa.

Giới trẻ đến đây với hàng trăm mục đích khác nhau nhưng chiếm số đông vẫn là những "phó nháy', những người mẫu không chuyên. Họ tụ tập về đây cùng mê mải kiếm tìm những khuôn hình ưng ý, rồi họ lại vô tư tạo dáng đủ mọi tư thế, ở bất kỳ chỗ nào dọc cay cầu bất chấp nguy hiểm đang rình rập bên mình.

Thậm chí, để có được bộ ảnh ưng ý, không ít các bạn trẻ "liều mình" leo trèo qua lan can ngăn cách giữa đường bộ và đường ray tàu hỏa, băng qua dòng xe máy đang vun vút lao tới.

Những khoảng trống chết người trên cầu Long Biên.

Được biết, mỗi ngày có khoảng 10 chuyến tàu chạy qua cây lịch sử này. Theo quan sát của phóng viên, đường ray tàu và mặt đường bộ cách nhau khoảng chừng 6 cm, được thiết kết bằng những giầm thép nhỏ, đan xen nhau, rất nhiều khoảng trống. Chỉ cần chút sai lệch hay sơ xẩy là có thể rơi xuống sông, hoặc mắc kẹt vào những thanh dầm rất nguy hiểm.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên có biện pháp gắn biển cấm, biển cảnh báo hay những hình thức xử phạt răn đe, đồng thời tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trước những mỗi nguy hiểm thường trực như vậy, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Khoản 11 Điều 12 Luật Đường sắt quy định về "Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt" nêu rõ cấm: “Đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt, trừ nhân viên đường sắt đang tuần đường hoặc đang sửa chữa, bảo trì đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt”.

Đông Tiến

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/vui-choi-tren-cau-long-bien-gioi-tre-hon-nhien-doa-tu-than-d9876.html