Vui buồn Việt Nam 2019 - Bài cuối

Trong một lần đối thoại với nông dân cuối năm 2019, Thủ tướng đặt câu hỏi: 'Xuất khẩu nông sản nhiều nhưng sao dân chưa giàu'?

7. Năm 2019, tôi có cơ hội đi qua nhiều làng biển ở miền Trung, một sự đổi thay không hề nhẹ, mẫu số chung là dáng dấp công nghiệp đã lan tới tận mép nước biển.

Từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào tới Quảng Trị... rất nhiều dự án đồ sộ được khởi công mang lại niềm vui rất lớn, nhưng đằng sau đó là nỗi lấn cấn. Là bởi, biển ngày một khó khăn, thiên tai một phần, phần lớn là cạn kiệt tài nguyên, thế lực bành trướng quấy rối. Liệu công nghiệp có đủ sức khỏa lấp?

Người ta đã nói nhiều về tình trạng ly hương, ly nông, nhưng chưa lúc nào lao động trẻ bỏ xứ ra đi nhiều như bây giờ. Nhiều làng biển lúc này kiếm không ra thanh niên, thay vào đó là những dãy nhà hoành tráng mọc lên khi ngoại tệ được gửi về từ xuất khẩu lao động.

Chưa thấy ai nói đến mặt trái của xuất khẩu lao động!

Chưa thấy ai nói đến mặt trái của xuất khẩu lao động!

Xuất khẩu lao động là lối thoát hiểm đúng đắn, nhưng đặt trong bối cảnh xây dựng Nông thôn mới, kéo giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, gần hơn là chiến lược kinh tế biển đảo, an ninh quốc gia, tận dụng việc làm từ công nghiệp hóa...mới thật đáng suy ngẫm.

Tại một xã nghèo miền biển của tỉnh Quảng Trị mấy dự án công nghiệp đã khởi công, nhưng hầu như địa phương chưa chuẩn bị được gì để níu giữ con em ở lại quê hương (đào tạo nghề, hướng nghiệp..), họ cứ lũ lượt vay tiền để xuất khẩu lao động.

Tại Thị trấn Cửa Việt (Gio Linh - Quảng Trị) rất nhiều chủ tàu trong “dự án 67” không tuyển được lao động; Tại xã Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) nhiều làng biển sầm uất một thời giờ trống huơ trống hoác vì giải tỏa, đền bù, hàng dãy thuyền bè nằm phơi lưng...

Ngư dân với biển cũng như nông dân với ruộng, họ bỏ đi rồi ai giữ biển, giữ đảo?

Ra đi đường đường chính chính đã đành, lại còn một số lượng không nhỏ đánh cược tính mạng để cập bến “miền đất hứa” châu Âu, 39 nạn nhân người Việt tử nạn tại nước Anh là nỗi đau thấu trời xanh - không chỉ đối với gia đình họ mà còn đánh một dấu hỏi về “chùm khế ngọt” quê hương phải chăng đã đổi vị thành chua chát?Có thể bạn quan tâm

8. Một năm được xem là thành công của ngành nông nghiệp - với tư cách là bệ đỡ kinh tế Việt Nam hiện nay, nếu 2018 xuất khẩu nông sản đạt 40,2 tỷ USD thì 2019 đạt 43 tỷ USD...

Hệ quy chiếu đánh giá vẫn là “xuất khẩu, xuất khẩu và xuất khẩu”! Không phủ nhận xuất khẩu là quan trọng. Như thế có phải hàng tá các vấn đề trong ngành này không quan trọng?

Ví dụ như: Nghiên cứu ứng dụng, giống mới, vật liệu mới, mô hình nông nghiệp mới để thích nghi hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thị trường truyền thống dần khó tính.

Nền nông nghiệp bền vững là nền nông nghiệp biết thích ứng với thời cuộc, giống như Israel trồng khoai tây trên cát và tưới bằng nước mặn; thịt bò Kobe Nhật Bản vẫn giữ được vị thế “đặc phẩm” bất chấp biến động bên ngoài; hoa tulip Hà Lan luôn là món hàng sang chảnh...

Số lượng xuất khẩu luôn là thước đo thất bại hay thành công của ngành nông nghiệp

Ngược lại nông sản Việt Nam vẫn muốn “lấy thịt đè người” dùng số lượng, giá rẻ để cạnh tranh, chiến lược này được áp dụng lâu nay, có kết quả nhưng đổi lại là đời sống tầng lớp nông dân không khá lên, thậm chí nghèo đi.

Có những mặt hàng từng được kỳ vọng làm hồn cốt như tiêu, cà phê, lúa gạo dễ dàng “vỡ trận” sau một biến cố. Vấn đề là chúng ta sở hữu một nền tảng nông nghiệp khá đa dạng nhưng thiếu chiều sâu, bản sắc.

Năm 2019, đại dịch tả lợn châu Phi xảy ra hầu như toàn quốc, 6 triệu con lợn bị tiêu hủy, khi hết dịch bệnh giá thịt lợn tăng vọt gây xáo trộn không nhỏ trong đời sống thường nhật.

Nhìn vào đợt dịch vừa qua, có cảm giác nông nghiệp của chúng ta vận hành rất “tự nhiên”. Vậy, bao nhiêu kế hoạch, chương trình, đề án nằm ở đâu?

Đến bao giờ chúng ta mới được thấy bản báo cáo cuối năm không những là con số xuất khẩu? Thêm vào đó là những thành tựu giúp ngành nông nghiệp ổn định trước biến động.

9. Như một quy luật tất yếu, khi kinh tế tăng trưởng tốt, quốc gia hưng vượng sẽ kéo theo văn hóa, đạo đức tân tiến. Nhưng nhìn vào xã hội vẫn còn quá nhiều chuyện “nhức đầu”.

Riêng quý I/2019 có hơn 300 vụ bạo lực học đường, trò đánh trò đã đành, thầy cô đánh trò tưởng như đã tột đỉnh sau nhiều vụ kinh thiên động địa trong mấy năm trước nhưng nó vẫn tiếp tục xảy ra.

Chọn sách Tiếng việt thực nghiệm hay sách mới đang gây tranh cãi kịch liệt trong giới làm giáo dục. Câu chuyện này phần nào cho thấy sự bế tắc khi phải trả lời mấy câu hỏi vĩ mô của ngành: Cần dạy những gì? Dạy như thế nào?

Còn quá nhiều vấn đề trong giáo dục và đào tạo

Án mạng nghiêm trọng hơn về tính chất và mức độ, một hung thủ nhiều nạn nhân và một nạn nhân nhiều hung thủ là hai thái cực kinh hoàng. Vì sao con người ngày càng trở nên man rợ như vậy? Sức ép nào đã “thú tính hóa” con người? Có nguyên nhân nào từ kinh tế?

Nhiều trang báo lớn, đài truyền hình bự đã liệt “các vụ án ma túy” vào danh sách những sự kiện tiêu biểu trong nước năm 2019, số lượng lên tới hàng tấn, Việt Nam được nhận định là đã trở thành nơi trung chuyển ma túy của khu vực.

Vòng quay kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội theo lịch dương đã là năm mới, nhưng với người Việt toàn bộ tâm linh, tín ngưỡng đều để dành cho thời khắc đón năm Âm lịch.

Người Việt quan niệm “xấu che tốt khoe” và kiêng kỵ nói những điều xui xẻo trong năm mới. Nhưng với bản thân nội tại các vấn đề thực tiễn nó luôn có hai mặt xấu lẫn tốt.

Tô hồng quá mức là có hại, bôi đen toàn bộ là phiến diện. “Vui buồn Việt Nam 2019” chọn lọc vài sự kiện như tiêu đề của nó - có vui, có buồn, xin được khép lại tại đây!

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/vui-buon-viet-nam-2019-bai-cuoi-164873.html