Vui buồn Việt Nam 2019 - Bài 2

Ngoại giao tốt là cánh tay đắc lực giúp giữ vững hòa bình, ổn định và mở rộng quan hệ quốc tế trong bối cảnh hiện nay...

4. Người Việt ta giữ gìn nền độc lập dân tộc bằng cách nào? Bài học của lịch sử - để không còn nghịch cảnh “đời ta yêu hoa hồng, nhưng kẻ thù buộc ta ôm cây súng” Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có một năm ngoại giao thành công.

Người xưa nói, “hữu xạ tự nhiên hương”, có lẽ mùi hương hòa bình và một mô hình phát triển khá thành công nên người Mỹ mới chọn Việt Nam làm nơi gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un tại Hà Nội.

Sự kiện trọng đại này thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí quốc tế, thành công đầu tiên là hình ảnh một Việt Nam thân thiện, mến khách được lan truyền đi khắp thế giới. Cộng đồng mạng thế giới phải đặt câu hỏi: Việt Nam là gì? Ở đâu?

Thành công thứ hai là một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại “đa dạng hóa, đa phương hóa” và “làm bạn với tất cả” của nước chủ nhà. Đây là đòn bẩy để thúc đẩy quan hệ với các bên có liên quan về lợi ích.

Nửa thế kỷ "Di chúc" của Bác Hồ song hành cùng dân tộc

Nửa thế kỷ "Di chúc" của Bác Hồ song hành cùng dân tộc

Với việc tổ chức hội nghị, Việt Nam sẽ nâng cao uy tín trong việc đóng góp cho an ninh khu vực và toàn cầu. Tất cả các nước lớn đều có lợi ích ở việc Việt Nam đóng vai trò độc lập và mang tính xây dựng tại khu vực.

Hẳn nhiên về lâu dài, “hiệu ứng Việt Nam” tạo nên sự tò mò, khám phá dẫn dòng khách du lịch khắp nơi đến với nước ta.

Nỗ lực cho hiện tại và tương lai, nhưng để giữ gìn nền hòa bình độc lập cũng không quên hoài niệm về quá khứ để khỏi làm chạnh lòng những người đã ngã xuống, để con cháu mai sau hiểu được cha ông ta đã anh dũng như thế nào.

Cuộc chiến tranh biên giới tròn 40 năm từ khi gác lại, chưa bao giờ báo chí, dư luận trong nước có dịp “hồi tưởng” trọn vẹn như năm 2019 - cũng là năm tròn nửa thế kỷ bản “Di chúc” của Bác Hồ đồng hành cùng dân tộc ta.

Chỉ với hơn một nghìn từ, vô cùng ngắn gọn, song 50 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí và quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

5. Song hành với ngoại giao, ngành du lịch cũng được thống kê là đạt kỳ tích “vàng” trong năm 2019 với 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa - Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Nhưng lạ thay! Ngành “công nghiệp không khói” rực rỡ là thế, song chưa giúp nền kinh tế đổi chất, chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ - mục tiêu được xác định hàng chục năm nay.

Chưa thể yên tâm với con số, hãy xem cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam là ai? Họ chi phí những gì? Bằng phương thức nào? Để lại hậu quả ra sao ở những địa phương “nhạy cảm”?

“Tour 0đ” đang làm hụt thu cho du lịch một khoản không hề nhỏ, tiếp tay cho dạng du lịch này là các ứng dụng thanh toán trực tuyến từ Trung Quốc. Chẳng những không thu được tiền mà còn trở thành bãi rác; an ninh tài chính, tiền tệ, ngân hàng đã được cảnh báo.

Nằm cạnh quốc gia tỷ dân, ngành du lịch Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khách du lịch Trung Quốc. Đến nỗi, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng cao cũng là mối lo, giảm sút cũng không thể vui.

Hội An đang bị khai thác quá đà

Nhìn vào Hội An - trung tâm du lịch miền Trung đang oằn mình chống chịu khi bị khai thác quá mức. Đường đẹp Tây đi, nhà đẹp Tây ở, món ngon Tây ăn, giá cả cũng chỉ Tây hiểu!

Quán cà phê không phục vụ người Việt, chỉ “chơi” với Tây; tiệm cơm cũng chỉ muốn đôla, Eur mà chẳng màng VND…Thật buồn, người Tây văn minh đến xứ ta để chiêm ngưỡng nét cổ kính hiếm có trên thế giới, còn ta tiếp họ và đối đãi với chính mình nhưng những “con nghiện” mùi ngoại tệ!

Không chỉ là Hội An mà nhiều thành phố du lịch có một tuyến “phố Tây” là tự hào nhất cõi. Vâng, ngay chính chúng ta còn nhìn chính mình với ánh mắt chưa tròn đầy, thì ai tôn trọng chúng ta nữa?

Có thể bạn quan tâm

6. Phát triển bền vững không chỉ là mong ước của Việt Nam mà trở thành vấn đề toàn cầu. Khoan hãy nói xa xôi - làm sao để bảo vệ môi trường sinh thái, ngôi nhà của chúng ta trước hệ lụy của công nghiệp hóa.

Rạng Đông rực cháy ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, thải trực tiếp chất độc vào khu dân cư, thêm một lần nữa cho thấy thái độ “sợ sự thật” của không ít cơ quan chức năng.

Chẳng ít phát biểu lấy được kiểu qua quýt cho xong chuyện, nhưng rủi thay Rạng Đông cháy dữ dội, người thì bảo là an toàn, người thì bảo lên tới 27,2 kg, rồi thì mười lần, cho đến ba mươi lần mức độ cho phép về mức độ nhiễm độc.

Ông nói gà bà nói vịt chê chán, chẳng ai hề hấn gì, chỉ có người dân Hạ Đình hứng chịu hậu quả, đã có vị Bộ trưởng ăn cá, tắm biển để chứng minh biển sạch. Nhưng kết quả sau đó tất cả đã biết.

Hà Nội mà ngỡ Ấn Độ hay Trung Quốc!

“Bụi mịn” là thứ gây tranh cãi dữ dội tại Hà Nội, tại cái ứng dụng AirVisual hay bởi lý do nào khác? Có thời điểm người ta ghét cái phần mềm đo chất lượng không khí này đến tột cùng, bởi vì nó làm...mất mặt chính quyền quá thể!

Tại nước ta ứng dụng AirVisual được giao cho một nhiệm vụ khác là đo... thái độ của cơ quan chức năng. Cơ quan chuyên môn sinh ra là để “giải quyết vấn đề” chứ không phải làm giảm tính chất và mức độ của sự việc bằng lời nói. Vâng! Những gì họ chờ đợi là một trận mưa để lòng người bớt nóng nảy.

Từ ô nhiễm môi trường có thể rút ra mấy kết luận: Một là, sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, phần nhiều do thái độ với thực tại; Hai là, thượng tôn công nghiệp, nói thì vẫn nói, nhưng người ta vẫn đánh đổi nhiều thứ để lấy dự án đó thôi!

Còn tiếp...

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/vui-buon-viet-nam-2019-bai-2-164810.html