Vui, buồn liên hoan sân khấu cải lương 2018

Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc 2018 (LH) đánh dấu nhiều bước tiến mới trong khâu tổ chức và nội dung tác phẩm. Tuy nhiên, người trong nghề vẫn còn đau đáu những tồn tại của nhiều chục năm qua.

Một cảnh trong vở “Thái hậu Dương Vân Nga”

Điểm sáng xã hội hóa cải lương

Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc 2018 đáng mừng khi có sự xuất hiện của nhiều đơn vị xã hội hóa, các đề tài mở rộng, chất lượng nội dung có thay đổi.

Với sự tham gia của 25 đoàn nghệ thuật, có 8 đoàn ngoài công lập. 32 vở diễn có hơn một nửa là vở hoàn toàn mới, có vở diễn mới sáng tác dành riêng cho LH như: Thất lạc giữa gia đình (Đoàn Cải lương Hải Phòng), Tổ quốc nơi cuối con đường (Nhà hát Thế giới Trẻ - ĐHSKĐA TP HCM). Điểm cộng trong LH lần này là vở Rạng ngọc Côn Sơn của NSƯT Kim Tử Long với phần dàn dựng kịch bản đậm chất thơ của tác giả Xuân Phong, theo phong cách cải lương tuồng cổ. Phần âm nhạc được nhạc sĩ Minh Tâm sáng tác mới, dựa theo những sáng tạo của nhạc sĩ Đức Phú - người mở đường cho việc loại bỏ dần âm nhạc vay mượn từ cải lương Hồ Quảng (hay còn gọi là tuồng cổ Trung Hoa) để đưa vào đó những điệu lý, bài bản đờn ca tài tử Nam bộ nhưng phối âm theo hình thức tuồng cổ. Điều này phần nào mở ra sự tìm tòi để sàn diễn cải lương không quẩn quanh với những cách dàn dựng cũ kỹ, lạc hậu.

NSƯT Kim Tử Long cho biết, bên cạnh việc cố gắng làm mới từ bản thân các đoàn nghệ thuật, việc mở rộng cho các đơn vị xã hội hóa là một thay đổi tích cực, giúp có một cái nhìn công bằng hơn với tất cả những ai yêu thích cải lương. Việc không giới hạn đề tài cũng tạo điều kiện cho các đoàn nghệ thuật tự do sáng tạo. Tuy nhiên, nếu như các đoàn ngoài công lập được quan tâm hơn một chút trong việc hỗ trợ kinh phí sẽ thuận lợi hơn nhiều. Đánh giá về các vở diễn tham gia LH năm nay, NSƯT Kim Tử Long cho rằng, các đoàn nghệ thuật đã có nhiều đầu tư vào các vở diễn nhưng vẫn có đoàn chưa kết hợp được tiêu chí biểu diễn đi thi và biểu diễn nghệ thuật giải trí.

Theo NSND Lê Tiến Thọ, với một vở diễn được đầu tư khoảng 300-400 triệu đồng, có vở lên đến 1 tỷ đồng nhưng rất hiếm. Năm 2015 có 27 đơn vị làm 33 vở, năm 2013 có 22 đơn vị làm 27 vở dự thi, năm nay được 8 đơn vị xã hội hóa là điều đáng mừng. “Có thể do một số đơn vị ngoài công lập chưa kịp tiếp cận với thông tin, hoặc nếu có vẫn chưa kịp huy động vốn, nhân sự, kịch bản để đến với LH”.

Một đạo diễn “đá” chục sân khấu

Cũng như Liên hoan Sân khấu kịch diễn ra cách đây hơn 4 tháng, Liên hoan Sân khấu cải lương hạn chế việc giám khảo có tên trong thành phần sáng tạo của tác phẩm dự thi tránh tình trạng tiêu cực. Nhưng tình trạng một đạo diễn làm nhiều vở vẫn chưa chấm dứt được. Nhìn vào con số 23 đạo diễn nhưng làm 32 vở tham gia biểu diễn thuộc 25 đơn vị, NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu đảm đương 5 vở cho 5 đoàn cải lương: Tình yêu thời chiến (Đoàn cải lương Trần Hữu Trang), Cánh buồm ngược gió (Nhà hát Tây Đô), Những con sóng vô hình (Hội NSSK TP Hồ Chí Minh), Bão dậy trời Long Hưng (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang), Hồi sinh (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai). Riêng họa sĩ Lê Văn Định cũng tham gia thiết kế sân khấu cho 4 vở: Nỗi niềm sau cuộc chiến, Người đồng bằng, Bão dậy trời Long Hưng, Tổ quốc cuối con đường.

Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc 2018 mở rộng phạm vi đối tượng để tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia được đông đảo, không hạn chế đơn vị công lập và ngoài công lập. Mỗi đơn vị được tham gia 1 vở diễn, đơn vị có nhiều đoàn biểu diễn sẽ được tham gia số lượng vở tương ứng với số đoàn. Tuy nhiên, quy định không cấm một đạo diễn được làm nhiều vở cho các đơn vị tham gia liên hoan.

Nói về tình trạng “một cha già mà nhà lắm con” này, NSND Tiến Thọ cho biết, tình trạng này diễn ra từ nhiều mùa liên hoan trước và đây cũng là một trong những khó khăn của nền cải lương nước nhà. Việc đào tạo cho đạo diễn loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn còn rất hạn chế, cho nên các đoàn luôn muốn đạo diễn đã thành danh chịu trách nhiệm những tiết mục quan trọng.

“Đây là điều chúng tôi không mong muốn. Tất cả đều do nhu cầu của các đơn vị và đạo diễn cũng sắp xếp được thời gian, họ có thể hy sinh và cống hiến hết mình khối lượng công việc đó. Phía BTC vẫn chưa thể có điều kiện để hạn chế những điều này. Dù không thể đảm bảo chất lượng vở diễn như nhau, nhưng phía các đơn vị chấp nhận điều đó. Đây cũng là vấn đề đặt ra với lãnh đạo các Sở trong việc sắp xếp, đầu tư vào các sản phẩm và nhân sự”, NSND Lê Tiến Thọ bày tỏ.

Tuy nhiên, nhìn vào bình diện chung vẫn quẩn quanh những cái tên đạo diễn, nghệ sĩ quen thuộc hàng mấy chục năm nay của sân khấu cải lương như: NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Giang Mạnh Hà, Triệu Trung Kiên, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Thanh Vân, NSND Hoàng Song Hào mà vắng bóng dáng nghệ sĩ trẻ. Hy vọng một mùa LH không chỉ dành cho số ít các nghệ sĩ quen mặt, mà cần một LH thực sự thu hút được công chúng, các đơn vị xã hội hóa, nhà tài trợ sẵn lòng bỏ tiền cùng phát triển bộ môn nghệ thuật này.

Dung Nguyễn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/vui-buon-lien-hoan-san-khau-cai-luong-2018-d271617.html